Là tỉnh ven biển miền Trung với đường bờ biển dài, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, Quảng Bình có nhiều thôn, xã hội tụ đầy đủ các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển xanh, trong đó phải kể đến xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Nằm ở phía Đông thành phố Đồng Hới, xã Bảo Ninh là một trong những xã biển có đội tàu thuyền khai thác, đánh bắt thủy sản lớn của tỉnh Quảng Bình. Hiện toàn xã có khoảng 45% dân số làm nghề đi biển, với hơn 200 tàu cá có công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến ra khơi, lượng rác thải như vỏ lon bia, chai nhựa, bao nylon, ngư lưới cụ hỏng… từ các tàu cá thải ra môi trường biển khá lớn. Theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa, các thuyền viên thường vứt xuống biển. Điều này gây ảnh hưởng môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô.
Nhận thức rõ về tác hại và ảnh hưởng mà rác thải gây ra đối với biển và cuộc sống, với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh, chị Nguyễn Thị Hồng Vân đã trăn trở tìm giải pháp nhằm hạn chế rác thải trên biển, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nghĩ là làm, từ tháng 8/2021, chị Vân cùng BCH Hội đã bắt tay thực hiện mô hình: Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo anh Phan Thanh Hải và ông Lê Trung Lợi - ngư dân xã Bảo Ninh, qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, đặc biệt là từ phía Hội LHPN xã, các thuyền viên đã nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển và muốn đồng hành cùng Hội LHPN phát triển mô hình "mang rác vào bờ". "Thường mỗi chuyến biển, tàu của tôi đi trong khoảng 7-9 ngày nên chuẩn bị rất nhiều thức ăn, nước uống tiện lợi. Sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa…, tôi và các thuyền viên thường vứt xuống biển.
Từ khi mô hình được chị Hồng Vân và Hội LHPN xã triển khai, chúng tôi đã nhận thức được những hệ lụy từ việc xả thải ra đại dương. Thu gom rác thải trên tàu không chỉ góp phần bảo vệ môi trường biển mà nguồn lon, chai nhựa thu gom có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn tại địa phương", ông Lợi chia sẻ.
Nói về hành trình thực hiện mô hình này, chị Vân chia sẻ: "Những ngày đầu khởi xướng mô hình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thói quen vứt rác thải nhựa xuống biển sau mỗi lần sử dụng gần như đã ăn vào máu của ngư dân. Để thuyết phục ngư dân đưa rác vào bờ sau mỗi chuyến ra khơi, chị em chúng tôi đã phải cắt cử luân phiên nhau xuống từng tàu, thuyền tuyên truyền. Khi chúng tôi đề cập đến việc đưa rác thải vào bờ, nhiều ngư dân còn nói "Chúng tôi đánh bắt hải sản đã mệt, mỗi lần uống nước xong thời gian mô thu gom rác cho mấy o". Rất nhiều lần bị từ chối, có hôm còn bị đuổi khỏi thuyền nhưng bằng sự kiên trì, sau gần 3 tháng thuyết phục, ngư dân đã dần thay đổi nhận thức".
"Lần ấy, khi chúng tôi vừa gom được một ít rác thải nhựa từ 2 tàu đánh bắt xa bờ về, bán được 1 triệu đồng thì nghe thông tin có tàu gặp nạn trên biển, chúng tôi đã dùng số tiền đó hỗ trợ gia đình thuyền viên gặp nạn. Kể từ hành động đó, các thuyền viên cũng bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Có bác thuyền trưởng còn nói: Các o làm như vậy thì sau này chúng tôi đi biển sẽ gom chai, lọ về cho các o", chị Vân nói thêm.
Đến nay, xã Bảo Ninh đã có 220 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ tham gia dự án và chấp hành nghiêm túc việc thu gom rác thải từ biển vào bờ. Đặc biệt, số rác thải từ thuyền đã được Hội LHPN xã phân công các Chi hội gom lại để bán phế liệu, xây dựng quỹ "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", dành tặng quà cho trẻ em và phụ nữ nghèo trên địa bàn xã, thăm hỏi các trường hợp ốm đau, đỡ đầu cho các cháu mồ côi tại địa phương.
Sau một thời gian triển khai, mô hình thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ của phụ nữ xã Bảo Ninh đã tạo ra 500 sản phẩm túi đựng thực phẩm, túi đựng rác thải nhựa; đóng góp quỹ 25 triệu đồng để thăm, tặng gần 30 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngư dân gặp nạn trên biển; đồng thời nhận đỡ đầu một cháu mồ côi trong thời gian 3 năm.
Bà Trần Thị Hải Hằng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Bảo Ninh cho hay, mô hình Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là sáng kiến rất hay và thiết thực về bảo vệ môi trường, góp phần sẻ chia với các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN xã đã lan tỏa những thông điệp tích cực đến với cộng đồng và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Là thủ lĩnh trẻ tuổi, chị Nguyễn Thị Hồng Vân không chỉ thực hiện thành công mô hình "Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" mà còn là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã.
Để cùng chung tay với địa phương trong phong trào xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, chị đã cùng BCH Hội LHPN xã chủ động xây dựng và thực hiện Đề án Nhà sạch, ngõ đẹp với mục tiêu vận động 80% hộ gia đình sử dụng thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh trình Đảng ủy, đề xuất, thuyết phục HĐND xã tại kỳ họp thứ 8 - HĐND xã khóa XXI và được chấp thuận. Năm 2019 triển khai làm điểm tại 100 hộ gia đình và đến nay, tổng số thùng rác văn minh, hợp vệ sinh được các gia đình tham gia thực hiện trên địa bàn xã là 2.341 với kinh phí 247 triệu đồng (từ nguồn xã hội hóa 217 triệu đồng và 30 triệu đồng UBND xã hỗ trợ). Hoạt động này được các đơn vị trên địa bàn TP Đồng Hới, một số xã trong tỉnh học tập và nhân rộng.
Đặc biệt, với vai trò người đứng đầu tổ chức Hội, chị Hồng Vân đã chủ động viết tiểu Đề án, chủ động liên hệ, đề xuất và thuyết phục nhà tài trợ Dự án Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình về Tiểu dự án sinh kế cho chị em phụ nữ vùng biển thành công với mô hình dân vận khéo "Thành lập và nhân rộng tổ hợp tác đan vá lưới trên địa bàn xã".
Sau những tháng ngày miệt mài cùng các sáng kiến, đến nay chị Hồng Vân cùng Hội LHPN xã đã thành lập được 5 tổ hợp tác đan vá lưới, đào tạo nghề và việc làm cho 100 chị em; vận động thành lập được 3 Hợp tác xã kiểu mới và đề xuất HĐND xã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho các HTX mới 45 triệu đồng; hỗ trợ HTX sản xuất chế biến kinh doanh dịch vụ thủy sản Long Tám xây dựng hồ sơ và tham gia chương trình OCOP với 2 sản phẩm nước mắm và mực khô đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh; đào tạo nghề cho 385 chị em trong độ tuổi lao động với 11 lớp học nghề và tạo việc làm ổn định cho chị em sau đào tạo.
Gần 20 năm đồng hành cùng chị em hội viên hoạt động Hội, với vai trò dẫn dắt, chị Hồng Vân đã nỗ lực cùng chị em hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao ý thức trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt với mô hình mang rác vào bờ - biến rác thành tiền, chị vinh dự góp mặt trong những gương mặt xuất sắc của tỉnh Quảng Bình tham gia Hội nghị biểu dương Chủ tịch Hội cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2023.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn