1. Lễ bổ nhiệm đại úy Miho Otani vừa được tổ chức. Việc bổ nhiệm chỉ huy Otani vào cương vị hạm trưởng tàu Aegis được coi là bước tiến quan trọng với quân đội Nhật Bản vốn nổi tiếng khắp thế giới về sự mất cân bằng giới tính trong đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp. Chiến hạm Aegis JS Myoko là tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Kongo được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển Aegis BMD. "Thật vinh dự khi trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên của tàu khu trục Aegis. Tôi muốn nghĩ về cách chúng ta có thể biến xu hướng này thành một chuẩn mực vì tôi tin rằng ngày càng có nhiều phụ nữ sẽ gia nhập lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Tôi hy vọng bạn sẽ theo đuổi các sứ mệnh của chúng ta mà không do dự", thuyền trưởng Otani nói.
Nữ chỉ huy Otani là tấm gương lớn cho các nữ quân nhân. Otani là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quốc phòng Nhật Bản. Ban đầu bà dự định trở thành nữ phi công, nhưng sau đó được giao nhiệm vụ ở lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Năm 2011, bà Otani được bổ nhiệm làm phó thuyền trưởng tàu khu trục JS Asagiri. Năm 2013, bà được bổ nhiệm làm nữ thuyền trưởng đầu tiên của tàu huấn luyện JS Yamayuki. Năm 2016, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Nhật Bản được bổ nhiệm làm thuyền trưởng tàu khu trục JS Yamagiri, lớp Asagiri.
2. Malawi là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em kết hôn cao nhất trên thế giới, với 50% phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi. Theresa Kachindamoto là người phụ nữ đang đấu tranh để chấm dứt tình trạng này. Với tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ và cương quyết hiếm có, Theresa Kachindamoto đã trở thành một biểu tượng của sự đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ và bé gái. "Kẻ hủy diệt nạn tảo hôn" là biệt danh của nữ thủ lĩnh bộ lạc dám mạnh dạn hủy bỏ nạn tảo hôn ở Malawi để đưa các bé gái quay lại trường học, cho chúng một tương lai tốt đẹp hơn.
Tính đến nay, cô đã ngăn chặn được hơn 1.000 vụ tảo hôn và nghiễm nhiên được đặt biệt danh là 'kẻ hủy diệt' nạn tảo hôn. Kachindamoto bắt đầu cuộc đấu tranh của mình bằng cách xác định các nạn nhân dựa vào mạng lưới phụ nữ ở địa phương. Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn thường liên quan đến truyền thống và sự nghèo đói. Nhiều gia đình buộc phải cho con gái đi lấy chồng vì họ không nuôi nổi con và tin rằng người chồng tương lai sẽ giúp họ làm chuyện đó.
3. Sự giận dữ gia tăng ở Ấn Độ sau vụ nữ bác sĩ thú y 27 tuổi bị hiếp dâm tập thể rồi giết hại. Người biểu tình yêu cầu chính phủ phải gia tăng mức phạt với tội phạm này. Một số người biểu tình còn kêu gọi treo cổ luôn các thủ phạm mà không cần xét xử. Tại các phiên họp quốc hội ngày 2/12, các nghị sĩ cũng nhắc tới vụ việc gây chấn động.
Nghị sĩ Jaya Bachchan, người từng là minh tinh Bollywood và là nhà vận động cho quyền phụ nữ, lên tiếng: "Tôi biết thế này nghe có vẻ nghiêm khắc nhưng những loại người như thế này nên được treo cổ ở nơi công cộng". Bà Bachchan cũng yêu cầu chính phủ cho biết có kế hoạch làm thế nào để cải thiện sự an toàn của phụ nữ ở Ấn Độ và bảo vệ họ trước các cuộc tấn công tình dục. Chỉ trong tuần trước, nhiều vụ cưỡng hiếp và giết người đã xảy ra, trong đó có vụ hiếp dâm tập thể và giết hại một luật sư ở Jharkhand và vụ việc tương tự xảy ra với một bé gái 6 tuổi ở Rajasthan.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn