TS Nguyễn Thị Thu Hà một trong số ít các nhà khoa học nữ ở Việt Nam tiên phong nghiên cứu về khoa học máy tính - Ảnh: NVCC. |
Gần 10 năm học cử nhân, rồi cao học về khoa học máy tính ở trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Điện tử Quế Lâm (Trung Quốc), Hà cho biết: Ngoài rào cản về ngôn ngữ, có rất nhiều kiến thức lần đầu tiên Hà được tiếp cận. Không cho phép mình sợ hãi, Hà một tay ôm từ điển, một tay ôm tài liệu, có lúc lại chôn chân trong phòng lab của các giáo sư… Có khi cả tháng trời Hà không có nhu cầu bước chân ra khỏi khuôn viên trường.
Năm 2007, cô hoàn thành chương trình thạc sĩ và được trường ĐH mời ở lại làm giảng viên. Nhiều cơ hội công việc tốt cũng mở ra với Hà ngay trên nước bạn. Với vốn tiếng Trung thành thạo, nếu làm phiên dịch viên về kỹ thuật máy tính cho các đoàn công tác hai nước, Hà có thể kiếm được 5 đến 6 triệu đồng chỉ trong một buổi dịch.
Nhưng, Hà đã quyết định trở về Việt Nam. “Ngày đó, tôi chưa biết mình sẽ làm việc gì. Tôi cũng chưa có người yêu. Tôi chỉ nghĩ mình là người Việt Nam thì về Việt Nam. Bố mẹ tôi cũng mặc định tôi du học là để trở về” - Hà tâm sự.
Đến bây giờ, Hà vẫn luôn nghĩ cô đã làm đúng. Một thời gian sau khi về nước, với học vị thạc sĩ, cô được trường ĐH Điện Lực tuyển thẳng làm giảng viên diện biên chế. Cô cũng tìm được “người thương” là giảng viên trường ĐH Xây dựng. “Sự nghiệp, tình yêu đều đã có, tại sao tôi phải tìm kiếm cơ hội hạnh phúc ở đất nước khác?” - Hà chia sẻ.
Những công trình có ích
Biết đủ với cuộc sống riêng, không có nghĩa là Hà chấp nhận dừng lại. Ngay khi về nước, Hà tiếp tục học tiến sĩ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ngày cô đăng ký thành công đề tài tiến sĩ “Một số các phương pháp học bán giám sát ứng dụng trong tóm tắt văn bản tiếng Việt”, cũng là ngày cô dự kiến sinh con trai đầu lòng. Sau đó, suốt 4 năm trời, vừa nuôi con sài đẹn, cô vừa căng mình làm nghiên cứu sinh.
Đề tài tiến sĩ mà Hà chọn vô cùng mới mẻ, chưa có ai ở Việt Nam nghiên cứu trước đó nên Hà phải tự làm, tự học, tự khai phá. Có giai đoạn, Hà cảm thấy bế tắc vì không thể tìm ra giải pháp. Thật may, tháng 5/2010, một nhóm nghiên cứu sinh Việt Nam ở Nhật Bản đã gửi cho Hà một bài báo quốc tế về nội dung học bán giám sát tóm tắt nội dung bằng tiếng Nhật. Hà đọc đi đọc lại bài báo và vỡ òa sung sướng vì đã tìm ra giải pháp để vận dụng vào việc tóm tắt tiếng Việt.
Nhiều năm nghiên cứu tích lũy kiến thức, giờ đây, chỉ cần luồng ánh sáng dẫn đường, Hà lập tức chấp bút. Chỉ 2 tháng sau cô đã có công trình nghiên cứu quốc tế đầu tiên được công bố. Từ đó đến khi hoàn thành học vị tiến sĩ, Hà đã có tổng số 10 công nghiên cứu quốc tế được đánh giá cao.
Nhiều học giả, nghiên cứu sinh… từ Pháp, Mỹ, Singapore đã gọi điện, viết email xin trích dẫn, khai thác, phát triển tiếp nghiên cứu của cô.
Một công trình của Hà, hiện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ứng dụng cho toàn ngành điện với gần 1.500 tài khoản phân cấp quản lý, đơn vị, học viên và đang đem lại hiệu quả tốt là “Quản lý đào tạo cán bộ quản lý các cấp”.
Trước đây, việc quản lý dữ liệu các lớp đào tạo do các đơn vị thành viên tổ chức mất nhiều thời gian, công sức. Nay, với công trình của Hà, mọi thông tin đều tập trung trên cùng một hệ thống và các đơn vị có thể quản lý từ bất kỳ đâu, ngay cả trên điện thoại thông minh. Một công trình khác của Hà là “Quản lý thu thập dữ liệu từ công tơ 1 pha và thanh toán tiền điện trực tuyến”, trong tương lai, khi được áp dụng có thể giúp người dân, cơ quan giám sát lượng điện năng tiêu thụ, thu, nộp tiền điện qua internet…
Gia đình nhỏ của TS Nguyễn Thị Thu Hà - Ảnh: NVCC. |
Ước mơ có sân chơi cho các nhà khoa học nữ
Gần chục năm qua, một ngày làm việc của Hà thường bắt đầu từ 2-3 giờ sáng. Hồi làm nghiên cứu sinh, cô gần như ăn, ngủ cùng đề tài. Có bận, cô đến trường mẫu giáo đón con, đi được nửa đường mà không thấy con líu lo trên xe. Hóa ra, con vẫn chơi với các bạn ở sân trường, nhưng mẹ đã… vẩn vơ dắt xe ra về, trong đầu nhảy múa toàn số liệu.
Lại có lần, cô vừa nghiên cứu ở nhà vừa trông con, lúc giật mình ngẩng lên thì đã 2 giờ chiều. Bên cạnh cô, cậu con trai vẫn ngồi yên, tha thẩn chơi một mình dù đã quá bữa. Hà ôm con vào lòng, thương con và có phần giận bản thân vì đã… quá say công việc. Nhiều học viên, cũng sẽ nhớ hình ảnh Hà vừa say sưa giảng bài, còn con trai cô tự chơi dưới lớp. Đó là khi chồng đi công tác vắng, Hà lại phải đi dạy học buổi tối, không có người trông con nên… cô đưa cả con đi cùng.
Dù đang mang bầu con thứ hai được 4 tháng, Hà vẫn say sưa cùng các chuyên gia của Viện Công nghệ Thông tin nghiên cứu công trình “Hệ thống tự động tổng hợp thông tin kinh tế và tổng hợp báo cáo”. Với Hà, mong ước “thuần hóa” máy tính để phục vụ con người không bao giờ kết thúc…
Thu Hà cũng nói về khó khăn của những nhà khoa học nữ như thu nhập còn thấp, điều kiện để nghiên cứu còn thiếu thốn, sự đánh giá của xã hội về vai trò, vị trí của người phụ nữ đôi khi chưa công bằng… Cô ước mơ Nhà nước sẽ thành lập một trung tâm dành riêng cho các nhà khoa học trẻ, trong đó có câu lạc bộ của các nhà khoa học nữ để nữ trí thức cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đề tài và động viên nhau tiếp tục nghiên cứu, tạo ra những công trình có ích cho cộng đồng.
* Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Điện lực là một trong số ít các nhà khoa học nữ ở Việt Nam tiên phong nghiên cứu về khoa học máy tính. * Đến nay, TS. Nguyễn Thị Thu Hà đã công bố 25 công trình nghiên cứu quốc tế, hơn 10 công trình nghiên cứu quốc gia. |