Từ chối mức lương ngàn đô để về nước
Năm 2010, sau khi hoàn thành xong chương trình thạc sỹ, Nguyễn Thị Hiệp tiếp tục ở lại Hàn Quốc để học tiến sĩ. Khi đó, chị mới lập gia đình, chồng chị vẫn đang làm việc ở Việt Nam.
Khi học xong tiến sĩ, câu hỏi đặt ra với chị lúc này là nên tiếp tục ở lại Hàn Quốc, sang một nước phát triển khác để tiếp tục công việc hay quay trở về nước. Thực tế lúc đó bắt buộc Hiệp phải suy nghĩ rất nhiều để có được quyết định cho mình.
Nếu ở lại Hàn Quốc, mức lương tiến sĩ lúc đó khoảng 3.000 USD/tháng, nhiều nơi cũng mời chị về làm việc với điều kiện rất tốt để nghiên cứu. Nếu về Việt Nam, chị sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, với mức lương thấp hơn và muôn vàn chông gai đang chờ đón.
Nhưng cuối cùng thì trái tim người phụ nữ cũng hướng về quê hương, Chị quyết định về làm việc tại Bộ môn Kỹ Thuật Y Sinh, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) với sự động viên, thuyết phục của GS.TS Võ Văn Tới – Trưởng Bộ môn Kỹ Thuật Y Sinh.
Thời gian ở Hàn Quốc, tuy cuộc sống vật chất khá đầy đủ nhưng tôi lại luôn có cảm giác thiếu thốn điều gì đó. Lý do tôi quyết định về nước có lẽ nguyên nhân xuất phát từ truyền thống của người Việt, thích được gắn bó, gần gũi với gia đình”, TS Hiệp nhớ lại.
Trong khoảng thời gian 2 năm sau khi quay trở về nước, TS Nguyễn Thị Hiệp phải vật lộn với vô vàn khó khăn. Trong khoảng thời gian đầu, phòng thí nghiệm chưa có thiết bị cho hướng nghiên cứu trong Y học tái tạo, các bạn sinh viên theo TS Hiệp nghiên cứu phải qua các trường khác để nhờ phòng thí nghiệm.
Một cái khó nữa là làm sao thuyết phục được cho sinh viên thấy được tính hữu ích trong hướng nghiên cứu của mình, nhất là ứng dụng vật liệu trong tái tạo mô bởi lúc đó y học tái tạo còn khá mới mẻ, mông lung”, TS nhớ lại.
Nhưng với những nỗ lực không biết mệt mỏi của thầy và trò, phòng thí sinh dần đi vào hoạt động ổn định với đầy đủ thiết bị, máy móc được mua từ các dự án đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐHQG TP.HCM, các đề tài nghiên cứu do ĐHQG TP.HCM tài trợ và một phần kinh phí tài trợ khác có nguồn từ nước ngoài.
Đến giờ, điều mà TS Nguyễn Thị Hiệp cảm thấy thành công nhất là đã làm việc, cống hiến hết mình. “Trong thời gian đầu thực sự rất khó khăn, nếu mình cứ cân đo đong đếm, tính toán thiệt hơn thì không thể làm nổi”, TS Hiệp tâm sự.
Theo TS Hiệp, điều quan trọng nhất trong công tác nghiên cứu là phải có niềm đam mê. Nếu có đam mê thì sẽ cân bằng được cuộc sống và chị cảm thấy hạnh phúc khi hiện nay có nhiều sinh viên có được điều đó.
Hãy sống như ngày cuối cùng của cuộc đời
Hiệp kể, chị sinh ra ở TP.HCM, gia đình rất nghèo. Đến giờ, chị vẫn nhờ lời cha mẹ kể rằng, khi cha mẹ “ra riêng” thì gia tài lúc đó chỉ có mái nhà tranh, một chiếc xoong để nấu tất cả các món ăn và 7 người con.
Để nuôi con, cha mẹ trồng rau củ để bán nhưng không ăn thua. Sau đó, hai người đi ghe về miền Tây mua lúa gạo chở về thành phố bán. Mỗi lần đi như thế cũng phải mất 7-10 ngày”, Hiệp nhớ lại.
Quãng thời gian cha mẹ đi vắng, Hiệp trở thành người chị cả, lo mọi công việc trong nhà, chăm sóc các em. “Có lẽ vì thế mà tôi có tính quán xuyến ngay từ nhỏ. Sau này khi mình lập gia đình, sinh con thì cũng cảm thấy không quá vất vả, áp lực”, TS Hiệp chia sẻ.
Và có lẽ cũng chính vì thế mà đã tạo nên sự chân thành, mộc mạc, chân chất của TS Nguyễn Thị Hiệp hiện tại, mà nhiều người vẫn gọi là tiến sĩ “nhà quê”.
TS Hiệp chia sẻ, nhiều sinh viên vẫn thường hỏi chị xem có muốn đạt được điều gì nữa không? Trước những câu hỏi như thế, chị quan niệm: “Tôi có nhiều hoài bão và ước mơ muốn cống hiến sức mình cho đất nước, cho thành phố và cho sinh viên của tôi và tôi sẽ làm hết mình vì nó. Tuy nhiên nếu không may tôi có ra đi, bởi chẳng ai biết trước ngày mai ra sao cả, thì tôi thấy mình đã sống hết mình, không có tiếc nuối gì cả”.
Hằng ngày, TS Hiệp thức dậy từ sớm và lên kế hoạch cho một ngày, sống và làm việc hết mình với suy nghĩ đây là ngày cuối cùng của cuộc đời.
Ngoài công việc, chị hạnh phúc bên tổ ấm của mình với người chồng hết mực chăm lo cho gia đình và hai cô công chúa nhỏ. Tuy dành rất nhiều thời gian cho công việc như TS Nguyễn Thị Hiệp vẫn dành thời thời gian với các con, sáng chơi với con, đưa con đến trường, chiều về đón con, chơi với con và đặc biệt là chị luôn tổ chức các chuyến du lịch cùng gia đình.
“Tôi tự hào khi được làm mẹ. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các con thì tất cả mọi mệt mỏi sẽ tan biến, cuộc sống gia đình giúp đem lại rất nhiều năng lượng trong cuộc sống”, nữ tiến sĩ tâm sự.
TS Hiệp tiết lộ, hiện tại chị đang xây dựng công ty cho riêng mình tại Khu công nghệ cao TP.HCM với mong muốn sinh viên tốt nghiệp ra không ra nước ngoài mà có thể làm việc ngay tại Việt Nam. Chị cũng hy vọng sẽ có nhiều công ty tương tự được ra đời trong tương lai gần, giúp cho ngành nghiên cứu, khoa học Việt Nam ngày càng phát triển.
TS Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp ngành hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên và nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, chị bắt đầu giảng dạy tại bộ môn kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)
TS Nguyễn Thị Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào mô. Hiện chị có 36 công bố khoa học thuộc hệ thống ISI, 6 công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, 10 bài báo trong nước và 50 bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế. Chị mới giành giải Nhất cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ do Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và công ty Underwriters Laboratories (UL) tài trợ cho nghiên cứu về sử dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà nhằm giảm áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các đô thị. Năm 2016, TS Hiệp nhận học bổng “Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng” (L’Oreal National Fellowship) với đề tài "Biến tính bề mặt titanium bằng collagen nhằm tăng khả năng bám dính mô mềm trong cấy ghép implant, nha khoa phục hồi”. |