Nữ Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế mắc tội 'tắc trách'

09:42 | 20/12/2016;
Ngày 19/12, Tòa Công lý của Pháp đã xác định Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde mắc tội 'tắc trách', song bà sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.
Bà Lagarde bị cáo buộc tội "tắc trách" khi hòa giải vụ doanh nhân Bernard Tapie kiện ngân hàng Crédit Lyonnais và quyết định bồi thường 405 triệu euro (khoảng 438 triệu USD) cho ông này vào năm 2008, thời điểm bà Lagarde giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp.

Trong phiên xét xử, các thẩm phán cho rằng bà Lagarde đã không tắc trách khi đưa ra quyết định hòa giải vụ kiện thay vì đưa ra tòa xét xử như thông lệ, song đã tắc trách khi không yêu cầu xem xét quyết định bồi thường số tiền 405 triệu euro cho nhà tài phiệt Tapie vào năm 2008, dẫn tới việc lạm dụng công quỹ.
lagarde-christine.jpg
 Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde
Thẩm phán chính của phiên tòa, bà Martine Ract Madoux, cho rằng với uy tín và vị thế của bà Lagarde trên trường quốc tế nên tòa đã không đưa ra bất kỳ hình phạt nào.

Bà Lagarde đã không có mặt tại phiên tòa xét xử trên. Hiện chưa rõ quyết định của tòa án có ảnh hưởng đến vị trí của bà tại IMF hay không.

Dự kiến, ban lãnh đạo IMF sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để thảo luận việc Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde bị tòa án Pháp xét xử có tội.

Trước đó, ngày 12/12, Tòa Công lý đã mở phiên xét xử kéo dài 7 ngày đối với bà Christine Lagarde để xem xét hành vi của bà khi quyết định thành lập một ủy ban trọng tài để hòa giải vụ tranh cãi liên quan đến việc bán lại công ty sản xuất thiết bị thể thao Adidas thay vì đưa vụ việc ra tòa.

Năm 1990, doanh nhân tỷ phú Bernard Tapie đã bán lại công ty thiết bị thể thao Adidas.

Thương vụ được ngân hàng nhà nước Crédit Lyonnais phụ trách. Tuy nhiên, ông này cho rằng đã bị ngân hàng Crédit Lyonnais lừa vì nhận được quá ít tiền trong khi ngân hàng Crédit Lyonnais sau đó đã bán lại số cổ phiếu Adidas với giá cao hơn rất nhiều.

Năm 2008, Ủy ban Trọng tài cho rằng ông Tapie cần được trả tiền để đền bù các thiệt hại. Tuy nhiên, đây là một quyết định gây tranh cãi và bị nghi ngờ là "có sự thông đồng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công" và đây là hành vi "gian lận có tổ chức" liên quan đến 6 nhân vật, trong đó có cựu Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Lagarde và thẩm phán Stéphane Richard.

Chính vì vậy, một tòa phúc thẩm của Pháp đã được thành lập vào tháng 12/2015 và kết luận là ông Bernard Tapie cần phải trả lại khoản tiền bồi thường nói trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lagarde khẳng định rằng bà đã hành động "dựa trên lợi ích quốc gia và đúng với luật pháp".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn