Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình

11:30 | 29/05/2020;
Nhân Ngày quốc tế của Lực lượng gìn giữ hòa bình (29/5), Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen đã chia sẻ những kinh nghiệm của Na Uy trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng vũ trang và các hoạt động hòa bình. Đặc biệt, bà nhấn mạnh đến Thiếu tướng Na Uy Kristin Lund được bổ nhiệm là Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Síp.

Bình đẳng giới trong quân đội Na Uy

Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen, Na Uy có một lịch sử đáng tự hào vì luôn tiên phong trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Phụ nữ Na Uy được hưởng quyền bầu cử giống nam giới vào năm 1913. Na Uy là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ đi làm cao nhất thế giới: 67,5%. 

Năm 1992, Na Uy đã có nữ chỉ huy tàu ngầm đầu tiên trên thế giới. Năm 1999, lần đầu tiên Na Uy có Nữ bộ trưởng Quốc phòng và kể từ đó tới nay đã có thêm một số nữ Bộ trưởng Quốc phòng khác. Những phụ nữ đã trở thành những hình mẫu quan trọng truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái noi theo.

Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình  - Ảnh 1.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen

Na Uy là một trong những thành viên sáng lập của Liên hợp quốc (LHQ). Hơn 70 năm qua, Na Uy luôn ủng hộ mạnh mẽ một LHQ hùng mạnh, hiệu quả và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà LHQ là nòng cốt. Là một đối tác nhất quán, Na Uy là quốc gia đóng góp lớn thứ bảy trong hệ thống của LHQ và là một trong số rất ít các nước dành 1% Tổng thu nhập quốc dân (GDP) của mình cho mục tiêu phát triển. Với số dân khiêm tốn (trên 5,3 triệu người) nhưng đã có hơn 40.000 người Na Uy phục vụ trong các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 1949 tới nay, kể cả ở các phái bộ Nam Sudan, Trung Đông và Mali hiện nay.

Na Uy nhận thấy nhiều lợi ích của việc phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Từ những hoạt động giám sát quân sự ban đầu, gìn giữ hòa bình đã phát triển thành những hoạt động phức tạp hơn với các thành tố xây dựng hòa bình rất có ý nghĩa. Thường dân luôn là mục tiêu của các cuộc xung đột hiện đại, trong đó bạo lực tình dục và bạo lực giới được sử dụng như một chiến lược chiến tranh hoặc khủng bố.

Sự tham gia của phụ nữ góp phần hiện thực hóa góc độ giới trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong một số tình huống, phụ nữ sẽ dễ tiếp cận và giao tiếp tốt hơn với người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhờ đó có thể thu thập được những thông tin có giá trị, giúp nắm rõ hơn về tình hình, đưa ra các quyết định tốt hơn, lập kế hoạch, và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình  - Ảnh 2.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Na Uy

Trong mọi lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình, phụ nữ đã chứng tỏ mình có thể đảm nhận tốt, đạt tiêu chuẩn các vai trò như nam giới và trong cùng điều kiện khó khăn như nhau. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ. Mỗi phái bộ và các sĩ quan chỉ huy phải cùng tham gia và thực hiện một cách có hệ thống mục tiêu này. Càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình thì nền hòa bình đó sẽ càng bao trùm và bền vững hơn.

Vì thế, cần tuyển dụng nhiều hơn các nữ chiến sĩ gìn giữ hòa bình. Cách đây đúng 20 năm, Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) đã ban hành Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Đây được coi là sự thay đổi trong chính sách của LHQ nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ vào các phái bộ GGHB trên toàn thế giới. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, trong đàm phán, gìn giữ hòa bình, phản ứng nhân đạo và tái thiết sau xung đột. Qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép giới vào các nội dung này, kể cả trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Bước ngoặt lịch sử

Ngày 12/5/2014 là thời điểm có tính bước ngoặt trong nhiều thập kỷ hình thành và phát triển của hoạt động gìn giữ hòa bình khi Thiếu tướng Na Uy Kristin Lund được bổ nhiệm là Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Síp. Ngay khi được bổ nhiệm, Tướng Lund tuyên bố "đã đến lúc phải cho những người phụ nữ khác thấy rằng trong hệ thống của LHQ, phụ nữ cũng có thể phấn đấu để trở thành nữ chỉ huy". Cũng từ thời điểm đó, bình đẳng giới đã trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của bà. Bà đã thành lập mạng lưới nữ quân nhân, khuyến khích phụ nữ tham gia và tăng số lượng nữ quan sát viên trong phái bộ. Bà cũng thường xuyên khuyến khích các nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cử nhiều hơn các sĩ quan và quân nhân nữ.

Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình  - Ảnh 3.

Thiếu tướng Kristin Lund - Nữ tổng tư lệnh đầu tiên của Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Síp

Thiếu tướng Kristin Lund đã có 40 năm kinh nghiệm trong quân đội, trong nước và quốc tế. Bà gia nhập quân đội Na Uy năm 1979. Năm 1991, bà được cử tham gia Chiến dịch Bão táp Sa mạc tại Saudi Arabia và sau đó phục vụ tại Afghanistan tại Trụ sở của Lực lượng Hỗ trợ An Ninh Quốc tế của Tổ chức Hiệp tước Bắc Đại tây dương (NATO). Năm 2009, bà được thăng cấp Thiếu tướng và trở thành Chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh trong quân đội Na Uy - là nữ sĩ quan đầu tiên giữ vị trí này. Năm 2014, bà được Tổng thư ký LHQ cử làm nữ Tổng tư lệnh đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 1.000 người ở Cộng hòa Síp. Hiện bà là nữ Tổng tư lệnh đầu tiên của Tổ chức giám sát thỏa thuận ngừng bắn của LHQ (UNTSO).

Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ngày càng tăng. Năm 1993 chỉ có 1% sĩ quan là nữ nhưng tới năm 2012, số nữ quân nhân chiếm 3% và nữ cảnh sát chiếm 10% lực lượng gìn giữ hòa bình. Hiện tại, số phụ nữ làm việc tại các phái bộ gìn giữ hòa bình và lực lượng bảo vệ đặc biệt của LHQ đã chiếm gần 30%. Trong Kế hoạch sắp tới của mình, Ban thư ký LHQ và các Quốc gia thành viên đã cùng cam kết tăng thêm số lượng phụ nữ tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình ở mọi cấp độ và mọi vị trí. Việc huy động sự tham gia của phụ nữ vào mọi cấp hoạt động, ra quyết định và hoạch định chiến lược về gìn giữ hòa bình có ý nghĩa rất quan trọng. 

Cảnh sát đóng một vai trò rất quan trọng trong gìn giữ hòa bình. Bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang bị coi là tội phạm ở cấp độ nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy hình thức bạo lực này chưa chắc đã giảm sau khi xung đột kết thúc. Vì thế, điều cần thiết là phải xây dựng các biện pháp phòng ngừa dài hạn. Phải tính tới điều này ở các giai đoạn trước, trong và sau xung đột. Đối với cảnh sát Na Uy, phòng ngừa và xử lý bạo lực tình dục là một phần không thể thiếu trong cách tiếp cận của quốc gia. Đây là một phần trong các chương trình đào tạo cảnh sát của Na Uy.

* Năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử sĩ quan quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan và Trung Phi, là quốc gia tích cực hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động này. Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen chúc mừng Việt Nam đã có sĩ quan đầu tiên vừa mới trúng tuyển làm cán bộ tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) mới đây là Trung tá Lương Trương Vinh.

* Trên góc độ quốc tế, Việt Nam trao đổi các đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới trụ sở LHQ và các phái bộ. Trong khu vực, Việt Nam tham gia các nhóm chuyên gia GGHB của khu vực và hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình kết hợp với hoạt động nhân đạo cùng với các nước trong khu vực. Việt Nam cũng đã triển khai hai bệnh viện cấp 2 tới Nam Sudan.

Sự tham gia của Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Tháng 6/2018, LHQ đã công nhận trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam là một trong bốn địa điểm huấn luyện thuộc Chương trình Đối tác ba bên về gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Á (gồm Việt Nam, LHQ và một nước đối tác).


Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPNVN; Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó trưởng ban Phụ nữ Quân đội cùng 10 nữ quân nhân Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2


* 10 nữ quân nhân của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 chiếm tỷ lệ gần 10% trong tổng số 63 thành viên của Bệnh viện là tỷ lệ cao ngoài sự trông đợi của LHQ. Hình ảnh các nữ quân nhân mũ nồi xanh Việt Nam đã tạo được thiện cảm ở môi trường Gìn giữ Hòa bình vốn nhiều khắc nghiệt như Nam Sudan.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn