Nữ trang bằng vàng xem như là của hồi môn 2 bên gia đình tặng cho đôi trẻ làm vốn sau này và yên tâm xây dựng tổ ấm mới đủ đầy, sung túc. Vàng tượng trưng cho sự vĩnh cửu, bền chặt qua năm tháng. Vì thế, vàng thường được dùng làm trang sức trong ngày cưới với ý nghĩa cầu chúc cho tình yêu vợ chồng mãi sắt son, trăm năm hạnh phúc.
Đối với nhà trai, tặng vàng cho cô dâu còn có ý nghĩa như một món quà chào đón thành viên mới của gia đình. Trong khi đó, cha mẹ bên nhà gái tặng vàng với mong muốn con gái mình có chút tài sản phòng thân khi về nhà chồng. Vàng cũng tượng trưng cho sự may mắn mà cha mẹ cô dâu muốn gửi theo con mình, với mong muốn luôn gặp điều may khi làm dâu nhà người. Đặc biệt, đối với nhiều gia đình, trang sức cưới bằng vàng còn là báu vật gia truyền mang lại may mắn, tài lộc và hạnh phúc cho dòng họ.
Người ta thường chuộng vàng 24K vì ý để dành và cấm kị bán buôn. Người xưa cho rằng, bán của hồi môn (vàng) hay quà tặng trong ngày cưới sẽ gây ra điều xui xẻo.
Dù đã trải qua bao năm tháng nhưng tục tặng nữ trang vàng trong ngày cưới của người Việt vẫn được giữ cho đến bây giờ. Với sự phát triển của ngành chế tác kim hoàn, ngày nay, trang sức vàng được các nghệ nhân nâng lên một tầm cao mới. Nhiều mẫu mã đa dạng, những trang sức mộc mạc ngày xưa dần được thay thế bằng các “tác phẩm nghệ thuật” với tài nghệ điêu khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn hiện đại… Và xu hướng dùng vàng non tuổi được nhiều người ưa chuộng.
Đối với giới trẻ, trang sức được làm bằng vàng ngày nay là sự lựa chọn lý tưởng bởi nó không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao, tôn thêm nét đẹp của cô dâu trong ngày cưới mà còn là kỷ vật quý giá mà người được tặng có thể lưu giữ mãi với thời gian và lưu truyền cho các thế hệ con cháu mai sau.
Theo ông Huỳnh Văn Tẩn, Phó Giám đốc Marketing Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), vàng là một trong số ít các kim loại quý hiếm có giá trị lớn nhất hiện nay. Giá trị này còn được khẳng định một phần bởi yếu tố truyền thống và văn hóa của mỗi một quốc gia. Ở Việt Nam, vàng hiện diện trong ngày cưới với ý nghĩa mang đến cho cô dâu, chủ rể sự giàu sang, phú quý, thịnh vượng và may mắn.
Bên cạnh đó, các mẫu trang sức được thiết kế trên nhiều chất liệu vàng khác nhau với nhiều kiểu dáng đa dạng, có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại như họa tiết cỏ cây, hoa lá, tơ hồng, trầu cau hay những họa tiết truyền thống mang hình ảnh Rồng của năm Nhâm Thìn. Hoặc hình ảnh Long - Lân - Quy - Phụng với ý nghĩa mang lại nhiều tài lộc, hạnh phúc cho đôi uyên ương đang tạo ra những nét mới lạ và thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Người nước ngoài tặng gì trong ngày cưới? * Tặng quà cưới bằng tiền mặt vẫn là xu hướng phổ biến ở nhiều nước. Người Nhật gọi phong bì mừng cưới là Oshugi, nếu là bạn thân của cô dâu hoặc chú rể thì số tiền mừng vào khoảng 30.000 yen (hơn 5,2 triệu đồng). Người Hàn Quốc cũng rất thích mừng tiền trong đám cưới. Thậm chí Chính phủ Hàn Quốc còn coi việc tặng phong bì các dịp hiếu hỉ là một “quốc nạn”. Nếu người Việt đặt thùng đựng phong bì cưới bên ngoài phòng cưới để khách nhét tiền vào thì ở Nga, một người đại diện gia đình cô dâu, chú rể sẽ cầm chiếc khay đi từng bàn nhận tiền mừng cưới. Ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp… nhiều đôi trẻ thích được mừng cưới bằng tiền mặt vì họ muốn tích lũy để mua thứ to tát hơn như nhà hay xe hơi hoặc trả học phí học nốt đại học hay muốn có một tuần trăng mật hoành tráng. * Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn giữ những phong tục tặng quà cưới khá đặc biệt. Ở Nhật, ngoài phong bì, khách mời có thể tặng cô dâu chủ rể 1 chậu Bonsai đại diện cho sự gắn kết và trường tồn hoặc búp bê Daruma là biểu tượng của sự may mắn hay các thẻ đi ăn ở nhà hàng sushi, hibachi nổi tiếng. Tại Ấn Độ, người ta hay tặng bạc cho cô dâu, chú rể vì nó được coi là biểu tượng của sự thành công. Ngoài ra, các đồ gia dụng bằng bạc như dao, kéo, hũ đựng muối… đều là những món quà rất thích hợp cho các cặp vợ chồng theo đạo Hindu. |