- Có thể thấy, phía sau thành công của phụ nữ DTTS là sự nỗ lực đáng khâm phục và trân trọng. Để có được thành công như hiện tại, chắc hẳn con đường theo đuổi tri thức, học vấn của chị cũng đã phải trải qua không ít khó khăn và thử thách?
Bản thân tôi là một phụ nữ DTTS, sinh ra và lớn lên tại huyện vùng cao, biên giới Quản Bạ, tỉnh Hà Giang - là một trong những huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một khó khăn, rào cản lớn nhất trong quá trình học tập, theo đuổi tri thức.
Bên cạnh đó, còn có những rào cản về bình đẳng giới. Đối với người đồng bào DTTS chúng tôi, đa số có quan niệm con gái không cần học nhiều, chỉ cần biết chữ, biết đọc, sau đó lấy chồng sinh con. Hay như vấn đề về "định kiến dân tộc" cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hòa nhập, phát triển trên con đường học tập, theo đuổi tri thức của cá nhân tôi.
Năm 2014, tôi quyết định tham gia học cao học, thời điểm đó trên địa bàn, số người có bằng thạc sĩ rất hiếm, phụ nữ có bằng thạc sĩ gần như không có. Tại tỉnh không có lớp, muốn học phải đi xuống tận Hà Nội. Lúc đó các chú trong nhà, có người bảo tôi là con gái đi học cao làm gì, lo cho gia đình là trên hết. Hàng xóm có người mỉa mai tôi con gái mà muốn đi học cao về cũng chẳng để làm gì. Thời điểm đó, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều và cũng có hơi chút cảm thấy chông chênh với quyết định của bản thân.
- Để trở thành nữ trí thức đóng góp tích cực cho xã hội thì chị đã làm thế nào để vượt qua được những khó khăn ấy, để xóa bỏ rào cản, vươn lên và thành công như bây giờ?
Quá trình học tập, theo đuổi ước mơ, đam mê trên con đường trí thức của tôi đã gặp rất nhiều những khó khăn, rào cản, định kiến. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, khao khát được hoàn thiện và nâng cao năng lực bản thân cùng với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội, tôi đã luôn nỗ lực, cố gắng, thuyết phục gia đình. Sau những khó khăn, những cố gắng, tôi cảm thấy được gia đình ủng hộ hơn. Bản thân tôi hiện có 2 con gái, tuy nhiên chồng và gia đình chồng không ép tôi phải sinh thêm con trai. Tôi cảm thấy người phụ nữ khi có tri thức sẽ làm chủ được cuộc sống của mình.
Trong quá trình tôi tham gia học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm đầu cũng khá khó khăn để hòa nhập với các bạn bởi tâm lý tự ti, rụt rè mình là người DTTS, ở huyện miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn. Song, tôi luôn có suy nghĩ: "Càng khó khăn gian khổ thì càng phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Phụ nữ ở miền xuôi học tập giỏi giang, làm được nhiều việc như thế mình cũng phải học tập theo họ. Mình học tập được nhiều thì phụ nữ trên địa phương mình sẽ phấn đấu theo, con, cháu mình sẽ học tập theo, lúc đó mọi người sẽ có cái nhìn tốt hơn, công bằng hơn với phụ nữ. Bởi vậy mà tôi luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên.
- Chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm của bản thân hay là một lời động viên đối với những chị em nữ DTTS trẻ muốn theo đuổi ước mơ, đam mê trên con đường phát triển tri thức của mình?
Tôi rất ngưỡng mộ những nữ trí thức là người DTTS đã vươn lên, có những vị trí cao, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước, cho đồng bào DTTS như bác Hà Thị Khiết, bác Tòng Thị Phóng…, đó là những tấm gương sáng để học tập và noi theo.
Tôi cũng luôn tâm đắc với câu nói: "Chúng ta không được quyền chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta có quyền quyết định cách chúng ta sống" và "Tri thức là sức mạnh". Trong cuộc sống, người phụ nữ DTTS sẽ gặp rất nhiều những khó khăn, rào cản như: định kiến giới, định kiến dân tộc, những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại.
Tuy nhiên, ngày nay xã hội đã có cái nhìn công bằng và cởi mở hơn với người phụ nữ nói chung và người phụ nữ DTTS nói riêng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển toàn diện đối với phụ nữ.
Bởi vậy, tôi tin tưởng rằng, nếu mỗi chị em phụ nữ DTTS chúng ta có ước mơ, khát vọng, dám đứng lên đấu tranh cho sự bình đẳng, xóa bỏ các định kiến và luôn luôn cố gắng, phấn đấu hết mình thì sẽ đạt được thành công!
- Xin trân trọng cảm ơn chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn