Nữ ứng cử viên Tổng Thư ký LHQ than phiền: 'Không có cơ hội cho nữ!'

09:25 | 20/10/2016;
Bàn về nguyên nhân thất bại trong đường đua vào chức Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), nữ ứng cử viên Susana Malcorra đã lên tiếng than phiền rằng phụ nữ không có cơ hội ở Hội đồng Bảo an. Đó không chỉ là “bức trần kính” mà là “bức trần thép” khó phá vỡ.
tong-thu-ky-lhq-5.jpg
Những gương mặt từng sáng giá trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ
Bình đẳng giới là một vấn đề được LHQ quan tâm từ lâu và nhiều nước thành viên thời gian qua đã kêu gọi cần phải có một nữ Tổng thư ký. Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của  LHQ (UNESCO) Irina Bokova (Bulgaria) được xem là ứng cử viên nổi bật khi vừa là đại diện của khu vực Đông Âu và lại có mối quan hệ khá thân thiết với chính phủ Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Bà Bokova đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền khoa học, giáo dục thế giới. Một nữ ứng cử viên khác cũng thu hút được nhiều sự chú ý là Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Bà Clark từng được mệnh danh là “một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở LHQ”. Vai trò của bà tại UNDP đã được nói đến rất nhiều và các quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ đều yêu mến bà. Trong 7 năm qua, bà Clark cũng đã và đang lãnh đạo UNDP một cách hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, còn có bà Christiana Figueres - nhà ngoại giao người Costa Rica, cựu giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu của LHQ; cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic, cựu ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman; bà Susana Malcorra - hiện là Ngoại trưởng Argentina và từng là Trợ lý Tổng thư ký LHQ giai đoạn 2008-2012.
tong-thu-ky-lhq-6.jpg
Các nữ ứng cử viên được đánh giá cao năng lực
Liên hợp quốc (LHQ) từng hy vọng năm 2016 sẽ là một năm bước ngoặt trong việc trao quyền cho phụ nữ trên thế giới. Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson (người Thụy Điển) từng bày tỏ tin tưởng: “Việc trao quyền cho phụ nữ sẽ trở thành hiện thực. Đáng chú ý trong năm nay là ứng cử viên sáng giá cho vị trí của Tổng thư ký LHQ đều là phụ nữ”. Đầu tháng 8/2016, Tổng thư ký Ban Ki-moon từng lên tiếng kêu gọi, đã đến lúc LHQ cần có một người phụ nữ lên làm Tổng thư ký sau 8 đời Tổng Thư ký trước đó đều là nam giới. Trợ lý Tổng thư ký LHQ Lakshmi Puri cũng khẳng định rằng việc nữ giới điều hành thế giới hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Khi nữ giới có thể nắm quyền trong LHQ, họ sẽ thay đổi lịch sử và trò chơi chính trị suốt những năm qua.
 
Có thể thấy rõ tỷ lệ nữ giới chiếm tới 50% trong cuộc đua này và việc lựa chọn ra một người phụ nữ làm Tổng thư ký LHQ đã gần như rất thuận lợi với nhiều cánh cửa mở rộng. Thế nhưng, với 13 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không bị lá phiếu phủ quyết nào, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, người đứng đầu cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) trong 10 năm (2005 - 2015) Antonio Guterres đã vượt qua hàng loạt ứng cử viên sáng giá khác để giữ cương vị Tổng Thư ký LHQ từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021. Kết quả này đã khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì họ từng đặt nhiều kỳ vọng rằng vị trí này sẽ dành cho nữ giới.

Khi kết quả về ông Guterres được công bố, đại diện cho nhóm tổ chức chiến dịch Elect a Woman UN Secretary-General (Bầu một nữ Tổng Thư ký LHQ) đã gọi đây là một “thảm họa cho sự bình đẳng giới”. Trong một tuyên bố, đại diện nhóm tổ chức chiến dịch nói trên cho rằng: “Có nhiều nữ ứng cử viên xuất sắc nhưng rốt cuộc họ chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc”. Còn nữ ứng cử viên Christiana Figueres, kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận thay đổi khí hậu toàn cầu đã ký kết tại Paris năm 2015, gọi đây là kết quả của "buồn vui lẫn lộn". Bà Figueres cho biết lý do bỏ cuộc là vì kết quả các cuộc thăm dò lấy tín nhiệm ở Hội đồng Bảo an cho thấy bà không đủ khả năng để tiếp tục cuộc đua.
tong-thu-ky-lhq-2.jpg
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, người đứng đầu cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) Antonio Guterres được chọn giữ chức Tổng Thư ký LHQ
Trong 2 cuộc thăm dò không chính thức hồi tháng 8 tại LHQ trước khi kết quả cuối cùng được đưa ra, ứng cử viên nữ nhận được sự ủng hộ cao nhất, bà Irina Bokova chỉ đứng thứ 3 trong khi cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres liên tục dẫn đầu cả 2 cuộc thăm dò nói trên. Nữ ứng cử viên Susana Malcorra đã lên tiếng than phiền rằng chính phụ nữ không có cơ hội ở Hội đồng Bảo an. “Đấy không phải là “bức trần kính” mà là “bức trần thép” khó phá vỡ”, bà Susana chia sẻ với tờ Foreign Policy. Ngày 5/10, khi chúc mừng ông Guterres, bà Susana đã khẳng định lại trên trang Twitter của mình rằng giới tính vẫn là một vấn đề trong cuộc chạy đua vào vị trí Tổng Thư ký LHQ.

Bàn về điều này, bà Sheryl Sandberg, một trong những giám đốc điều hành của Facebook, cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bà Sheryl lên tiếng: “Đàn ông vẫn điều hành thế giới và tôi không chắc điều này sẽ tốt hơn nữ giới… Chúng ta cần thay đổi tư duy này vì còn nhiều người tiếp tục chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa nam quyền. Nếu giữ quan niệm đó, chúng ta chẳng bao giờ khai thác được đầy đủ tiềm năng của con người, nhất là người phụ nữ”. Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ trên thế giới chiếm trên 50% nhưng hiện chỉ có 22% số đại biểu Quốc hội tại các quốc gia là nữ giới. Trong số đó, chỉ có khoảng 21 người đóng vai trò là người đứng đầu vùng/lãnh thổ hoặc chính phủ. Những con số biết nói này cho thấy sự chênh lệch về giới rất rõ ràng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn