Nữ ứng viên Le Pen tiến vào vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp

09:22 | 24/04/2017;
Qua kết quả bầu cử sơ bộ vòng 1 ngày 23/4, ứng viên Emmanuel Macron đạt được 23,7% số phiếu, trong khi lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen giành 21,7% phiếu bầu. Cuộc đối đầu trực tiếp giữa 2 người sẽ tiếp tục diễn ra tại vòng 2 bầu cử Pháp ngày 7/5.
bau-cu-phap-3.jpg
Bà Marine Le Pen dễ dàng vượt qua vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp
Bà Marine Le Pen (48 tuổi) là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Bà từng làm luật sư từ năm 1992 đến 1998, trở thành nghị sĩ Nghị viện châu Âu vào năm 2004. Bà Le Pen có thời điểm phải đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định gây quỹ vận động tranh cử. Tuy nhiên, bà bác bỏ mọi cáo buộc. Bà muốn Pháp rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đàm phán lại các hiệp định Liên minh châu Âu (EU).

Bà Le Pen không ủng hộ nhập cư, đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng. Bà còn đề xuất đóng cửa biên giới, triển khai kế hoạch tiêu diệt các lực lượng Hồi giáo thánh chiến, truy quét “đến tận gốc rễ” hệ tư tưởng cực đoan bởi bà cho rằng đây là vũ khí, là yếu tố định hướng hành động cho các đối tượng cực đoan. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh cần kiên quyết trục xuất những người nước ngoài thuộc diện bị cảnh sát theo dõi, truy tố và tước quốc tịch những người mang 2 quốc tịch hoặc có quốc tịch Pháp nhưng nằm trong hồ sơ S (An ninh quốc gia) của cơ quan tình báo, dựa trên điều 411-4 của Hiến pháp. Bà cũng cáo buộc chính phủ đương nhiệm chưa triển khai đầy đủ các biện pháp cần thiết khiến “cơn ác mộng quay trở lại” và kêu gọi hãy “ngừng ấu trĩ” để nhìn nhận cuộc chiến chống khủng bố với tất cả sự sáng suốt và kiên quyết.
bau-cu-phap-4.jpg
Bà Marine Le Pen trong lòng người ủng hộ
Bà Le Pen đã thu hút lá phiếu cử tri nhờ đánh trúng tâm lý người lao động với quan điểm phản đối người nhập cư, bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia. Bên cạnh các cuộc tấn công khủng bố, nước Pháp đang lâm cảnh khó khăn bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời kỳ hậu công nghiệp, những lo ngại về dân nhập cư, nền kinh tế địa phương sút kém và vỡ mộng với các yếu tố truyền thống dân tộc. Do đó, một người phụ nữ với tinh thần thép, những suy nghĩ táo bạo như bà Le Pen được xem như niềm hy vọng mới cho một nước Pháp phát triển.

Bà đã tuyên bố giành chiến thắng và gọi kết quả bầu cử là một sự kiện mang tính lịch sử. Ứng cử viên Le Pen cũng kêu gọi những người yêu nước ủng hộ bà. Thắng lợi bước đầu của bà Le Pen, người xây dựng chiến dịch tranh cử mang tinh thần dân túy, là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thế giới. Chủ nghĩa dân túy được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Anh bỏ phiếu rời EU hay còn gọi là Brexit, và chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
bau-cu-phap-7.jpg
Ông Emmanuel Macron cũng đang có cơ hội trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp
Trong khi đó, nếu giành thắng lợi cuối cùng, ông Emmanuel Macron (39 tuổi), lãnh đạo đảng Tiến lên (En Marche), sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên Macron được nhìn nhận là trẻ trung, năng động và được kỳ vọng là nhân vật có khả năng vực dậy nền kinh tế Pháp. Việc ông thành lập phong trào “Tiến bước” - một cánh trung dung mới, vượt qua ranh giới tả-hữu được cho là góp phần đổi mới nền chính trị nước Pháp. Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và vẫn duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Macron nhấn mạnh “trọng trách đầu tiên của một tổng thống là bảo vệ người dân”. Do nước Pháp sẽ còn phải chung sống lâu dài với mối đe dọa khủng bố, vì vậy cần tăng cường các nguồn lực vật chất và tinh thần cho cảnh sát. Nếu được bầu làm tổng thống, ngay trong những tuần đầu tiên, ông sẽ thành lập lực lượng chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng nhằm đảm bảo sự phối hợp thường trực giữa các lực lượng an ninh tình báo. Theo ông, kẻ thù của nước Pháp đang tìm kiếm cái chết nhằm reo rắc sự hoảng loạn cũng như làm nhiễu loạn quá trình vận động tranh cử.
bau-cu-phap-6.jpg
Ông Emmanuel Macron kêu gọi người dân Pháp đoàn kết chống lại chiến dịch dân túy của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen
Ngày 23/4, ông Macron đã kêu gọi toàn thể người dân Pháp đoàn kết chống lại chiến dịch dân túy của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen - đối thủ của ông trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Phát biểu trước những người ủng hộ tại thủ đô Paris, ông Macron tuyên bố ông muốn huy động sự ủng hộ “lớn nhất có thể” trước khi cuộc bầu cử vòng hai diễn ra vào ngày 7/5 tới. Ông Macron cũng kêu gọi người dân hãy tin tưởng vào châu Âu thay vì sợ hãi, một lời ám chỉ tới chiến dịch chống EU của bà Le Pen. Ông Macron nhấn mạnh người dân Pháp đã bày tỏ khao khát thay đổi và cuộc bầu cử sẽ đưa lịch sử chính trị Pháp bước sang trang mới.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang được dư luận quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu, quan tâm và theo dõi sát sao. Các nước thuộc EU lo ngại khả năng ứng cử viên cực hữu Le Pen thắng cử có thể kéo theo kịch bản Frexit và như vậy nguy cơ EU tan rã là khó tránh khỏi. Theo các chuyên gia chính trị, tác động của kết quả cuộc bầu cử có thể vượt ra ngoài biên giới Pháp và ảnh hưởng trực tiếp tới tư tưởng chính trị tại các nước châu Âu khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn