Nữ văn sĩ Đức “sốc” với "những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa"

12:10 | 15/11/2017;
“Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” là cuốn du ký đặc biệt về Việt Nam của nữ văn sĩ Đức Juli Zeh. Buổi ra mắt cuốn sách đã được Viện Văn hóa Đức và First News tổ chức sáng nay, 14/11, tại TPHCM.
5.jpg
Cuốn sách "Xứ sở của những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa"

Sở hữu Giải sách Đức năm 2002 và Giải Thomas Mann năm 2013, Juli Zeh bén duyên với Việt Nam khi nhận được lời mời từ Viện Goethe nhân dịp kỷ niệm 35 năm Đức và Việt Nam thiết lập quan hê ngoại giao. Với 3 tuần đi dọc Việt Nam, từ Hà Nội xuôi vào TP.HCM, Juli Zeh gần như huy động mọi giác quan của mình ở cường độ cao để xem, nghe, cảm nhận… Kết quả của hành trình này là những trang du ký vô cùng độc đáo về văn hóa, con người, đời sống Việt Nam - cuốn sách Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa.

Ngay từ những trang đầu tiên, độc giả rất dễ bị cảm giác hoang mang từ người viết lây sang mình. Bởi, nhịp thông tin dồn dập. Người đọc bị cuốn vào khoảng thời gian vội vã, quay cuồng thu xếp mà người viết phải trải qua để có thể gác lại cuộc sống trước khi bước chân đến Việt Nam, vùng đất chứa đựng rất nhiều kỳ thú trong cái nhìn của du khách phương Tây. Để rồi, sẽ phải cùng tác giả, nhìn quê hương mình với một đôi mắt hoàn toàn khác.

Việt Nam đón Juli Zeh bằng những cú sốc. Vừa đặt chân xuống sân bay: sốc nhiệt. Bước ra đường: sốc giao thông. Ẩm thực: sốc rối loạn tiêu hóa… Tất cả, dồn dập đến mức, Juli Zeh gọi Việt Nam là “đất nước của sự hòa tan những mâu thuẫn khó hiểu”.

Đồng hành cùng chứng tụt huyết áp lẫn rối loạn tiêu hóa nặng đến mức phải vào bệnh viện cấp cứu nhưng, rất lạ là những câu chuyện Việt Nam mà Juli Zeh kể, dù có những điều vi tế khiến nữ nhà văn khó chịu nhưng suốt hành trình của cô, độc giả không hề thấy sự bài xích hay miệt thị. Ngược lại, đó là thái độ của một người bạn, đang dành những góp ý chân thành của mình cho một người bạn, bằng thứ ngôn ngữ hóm hỉnh và bình dân nhất có thể.

2.jpg
Buổi giao lưu ra mắt cuốn sách tại TPHCM 

Vẫn là những cô gái đi xe máy trùm áo chống nắng, khăn, khẩu trang kín mặt, đặc trưng ở Việt Nam nhưng qua cảm nhận của Juli Zeh, đó là một... đội quân cướp nhà băng sặc sỡ. Tương tự, những quán ăn, ly trà đá lề đường hay tiếng còi xe inh ỏi... hết sức quen thuộc với người Việt đều được khoác lên vẻ tươi mới.

Viết về xe máy, Juli Zeh bảo: “...Như một dòng sông, như  là một tác phẩm nghệ thuật tổng thể không chỉ chuyển động về một hướng mà nó tràn về đủ mọi hướng. Nó hòa vào, nó tách ra, nó cuốn lấy nhau, nó đan vào nhau. Nó tự trôi chảy không ngừng nghỉ. Một hoạt cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hình thành từ quá trình cơ giới hóa nhanh chóng, kết hợp với sự vắng bóng triệt để của tất cả các loại hình giao thông công cụ đô thị...”.

Rất dễ thấy sự khác biệt từ văn hóa đến đời sống, quy tắc ứng xử… giữa Á –Âu trong trang sách của Juli Zeh nhưng sự khác biệt này lại rất dễ dàng được chấp nhận. Ở Việt Nam, mọi thứ không làm cho một cô gái lần đầu đến đây cảm thấy xa lạ và sợ hãi mà trái lại, Juli Zeh dễ dàng hòa mình vào với cuộc sống, tận hưởng hành trình khám phá của mình bằng một phong thái hết sức tự do.

Những ấn tượng về đất nước con người được ghi lại ngay lập tức khi còn tươi rói. Dịch giả Đinh Bá Anh, người chuyển ngữ cuốn sách đầy nội lực này ví von: Juli Zeh tự coi mình như là một con chó nhỏ chơi cuộn len, nó tò mò, săm soi, háo hức, lăn cuộn len ra rồi kéo lại gần, tung lên, dằn xuống…để tìm kiếm điều bí mật. Và, những “bí mật” rất con người nơi đây để Juli Zeh cho ra đời những trang viết giàu tính hài hước, tự trào nhưng cũng không kém phần sắc bén với hiện thực.

3.jpg
Dịch giả Đinh Bá Anh 

Nhận xét về tác phẩm, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam cho biết: “Độc giả Đức đã cảm nhận được sự tự diễu cợt và tâm đắc trước những quan sát tinh tế và dễ thương của tác giả về cuộc sống thường nhật ở Việt Nam. Họ cảm nhận cùng Juli và quý mến sự tháo vát của con người nơi đây, quý mến những cuộc đời khó tin nơi đường phố, trên vỉa hè hoặc trong cửa hàng. Họ bắt đầu mở lòng ra với đất nước và con người nơi đây. Họ cảm mến, ngưỡng mộ và trân trọng Việt Nam...”.

Khép sách lại, khái niệm về thời gian dường như không còn cần thiết. Ba tuần. Cái lạ lẫm đã trở thành cái bình thường. Cái khó tin đã trở thành cái đương nhiên. Thời gian rõ ràng là không quá dài nhưng vẫn đủ để Juli Zeh tạo nên một cuốn sách mỏng với sự hài hước, sự tự giễu đáng yêu về bản thân, về quê hương cũ và quê hương mới – Việt Nam.

Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa là cuốn sách được Viện Văn hóa Đức và First News phát hành ở Việt Nam trước khi xuất bản tại Đức.

1.jpg

Juli Zeh sinh năm 1974 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức. Chị là tiến sĩ luật, nhà báo, nhà hoạt động xã hội và nhà văn. Chị đã viết 5 cuốn tiểu thuyết, nhiều vở kịch, nhiều tiểu luận về văn chương và xã hội. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Đại bàng và Thiên thần (Adler und Engel) in năm 2001, được dịch ra 31 thứ tiếng, đã đưa Juli Zeh ra ngoài biên giới nước Đức, khiến chị thường được nhắc đến như một trong những đại diện của thế hệ nhà văn trẻ tài năng của Đức sau khi đất nước này thống nhất.

Juli Zeh được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, trong đó đáng kể nhất là Giải sách Đức năm 2002 và Giải Thomas Mann năm 2013. Trong lĩnh vực du ký, Juli Zeh tạo được dấu ấn với tập ký sự Sự im lặng là một tiếng động (Stille ist ein Gerausch, 2002), kể về đất nước Bosnia thời hậu chiến với những con người bị châu Âu lãng quên giữa lòng châu Âu.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn