Susan Sontag tên thật là Susan Rosenblatt, sinh ngày 16/1/1933 tại New York, lớn lên ở Tucson và Los Angeles (Mỹ). Mẹ bà là giáo viên tiểu học còn cha là thương nhân buôn bán đồ lông thú nhưng đã qua đời khi Sontag mới 5 tuổi.
Từ khi 3 tuổi, Sontag đã thích sách. Tiểu thuyết đầu tiên gây xúc động với Sontag là cuốn ‘Những người khốn khổ’ của Victor Hugo. Từ đó, chữ nghĩa ăn vào máu bà. Sontag còn nhớ, hồi 8-9 tuổi, bà thường nằm trên giường, ngắm không chán cái kệ sách ‘giống như tôi nhìn những người bạn thân vậy’. Với bà, ‘xem một quyển sách cũng tương tự bước xuyên tấm gương, tôi có thể đi khắp nơi, mỗi quyển sách là một cánh cửa dẫn đến một vương quốc”. Bà mê sách đến nỗi năm 14 tuổi, sau khi đọc xong kiệt tác "The Magic Mountain" (Núi thần) của Thomas Mann, Sontag ‘không thể xa quyển sách và do đó tôi đọc lại từ đầu, đọc to, mỗi đêm một chương’.
Sách đúng là ám ảnh của Susan Sontag. Cô gái nhỏ Sontag 15 tuổi là độc giả nhẵn mặt của hiệu sách Pickwick trên đại lộ Hollywood và từng bị mẹ mắng rằng nếu ‘tiếp tục ôm sách suốt ngày như thế này, con sẽ chẳng bao giờ có chồng cả!’.
Văn sĩ Susan Sontag thời trẻ. Bà có niềm đam mê sách đặc biệt từ thuở nhỏ. |
Susan Sontag tốt nghiệp Trung học North Hollywood, sau đó học 4 trường đại học (California-Berkeley, Chicago, Harvard và Oxford). Năm 1950, khi mới 17 tuổi, vừa vào Đại học Chicago, bà cảm mến với giảng viên trẻ Philip Rieff, 28 tuổi và kết hôn ngay sau đó. Hai năm sau, ở tuổi 19, Sontag sinh con trai đầu lòng. 9 năm sau khi kết hôn, vợ chồng bà chia tay nhau và kể từ đó, Sontag không bao giờ tái hôn nữa.
Năm 26 tuổi, Susan Sontag đến New York dạy triết tôn giáo tại Đại học Columbia. Từ niềm đam mê sách, bà trở thành cây bút bình luận văn học, viết về Albert Camus, Simone Weil, Jean-Luc Godard, Kenneth Anger, Jasper Johns...
Tác phẩm đầu tay của Susan Sontag được xuất bản năm 1963, sau đó bà tỏa sáng trên văn đàn với tác phẩm ‘Notes on Camp’ ra đời cách đây hơn 50 năm. Cho tới cuối đời, Sontag đã sáng tác 17 tiểu thuyết và truyện ngắn được dịch sang 32 thứ tiếng nhưng bà được đánh giá cao nhất nhờ các bài tiểu luận vừa mới mẻ về cách nhìn, vừa sâu sắc về ý tưởng. Bà là cây bút bình luận báo chí xuất sắc, với những ý kiến sắc sảo về đủ lĩnh vực, từ nhiếp ảnh, mỹ học, kịch nghệ, vũ đạo đến phê bình văn học. ‘Tôi không biết liệu có một trí thức nào lại có tư duy sáng tỏ, có khả năng liên tưởng, liên kết, so sánh cao như Susan Sontag’- nhà văn Mexico lừng danh Carlos Fuentes có lần nhận xét.
Đến cuối đời, bà là tác giả của 17 tiểu thuyết và truyện ngắn được dịch ra 32 thứ tiếng, bên cạnh đó là các bài tiểu luận, bình luận xuất sắc. |
Tác phẩm ‘In America’ giành giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ vào năm 2000 bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng khác như "The Benefactor", "Death Kit", "The Volcano Lover" cùng 13 tập sách truyện ngắn tổng hợp và kí sự nhân vật.
Năm 2003, Susan Sontag là một trong những nhà văn và trí thức Mỹ đầu tiên được được Hội Các nhà bán sách Đức trao Giải thưởng Hòa bình một giải thưởng văn học cao quý của Đức tại Hội chợ sách Frankfurt.
Năm 1977, trong nhật ký của mình, Susan Sontag đã cho thấy nguyên tắc làm việc rất đáng ngưỡng mộ của mình. Nhật ký có đoạn: ‘Bắt đầu từ ngày mai, nếu không thực hiện được từ hôm nay: Thức dậy trước 8 giờ (Có thể phá vỡ quy tắc này mỗi tuần 1 lần); Dùng bữa trưa chỉ với Roger (Không đi ra ngoài ăn trưa, có thể phá vỡ quy tắc này mỗi tuần 2 lần; Viết trong máy tính xách tay mỗi ngày; Sẽ nói với mọi người đừng gọi vào buổi sáng hoặc không trả lời điện thoại; Cố gắng giới hạn thời gian đọc sách vào buổi tối (Tôi đọc quá nhiều); Sẽ trả lời thư mỗi tuần 1 lần’.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn ở Paris gần 2 thập kỷ sau đó, Susan Sontag kể chi tiết hơn về thói quen của mình: ‘Tôi viết bằng cây bút yêu thích trên giấy vàng hoặc trắng. Tôi thích sự chậm rãi của việc viết tay sau đó gõ lại, chỉnh sửa trên máy đánh chữ, cho tới khi cảm thấy tốt nhất. Cho tới khi có máy tính, tôi viết lại 2-3 lần từng đoạn một trước khi đánh máy. Tôi viết trong những biến động lớn. Tôi viết khi áp lực tích tụ. Tôi không đi ra ngoài, phần lớn thời gian tôi quên ăn và ngủ rất ít. Cách làm việc vô kỷ luật ấy khiến tôi không sung mãn nhưng tôi không quan tâm tới điều đó’.
Bên cạnh nhà văn, nhà bình luận, nhà biên kịch… nổi tiếng, Susan Sontag còn là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng thế giới. Dành cuộc đời văn nghiệp của mình đi lại giữa châu Âu và Mỹ, Sontag đã dùng ngòi bút của mình đấu tranh cho sự nghiệp chính trị. Tác phẩm sân khấu được nhớ đến nhiều nhất của bà là ‘Waiting for Godot’ được dựng năm 1993 tại thành phố Sarajevo, Bosnia lúc đó đang còn bị vây hãm. Bà đã ở đó từ năm 1993 đến 1996 để kêu gọi sự can thiệp quốc tế.
Sontag còn là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng. Bà đã đến Hà Nội năm 1968 để lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh ở đế quốc Mỹ ở Việt Nam. |
Bà là một trong những nhà văn đứng về phía nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ những năm 1960. Những bài viết của bà về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong giới trí thức mà còn cả thế giới. Tháng 5/1968, thời điểm bom đạn Mỹ ác liệt nhất, bà đã đến thăm Hà Nội để cùng nhân dân Việt Nam tranh đấu và để lại câu nói ‘Quân da trắng là ung nhọt của lịch sử nhân loại’ gây chấn động.
Bên cạnh đó, Susan Sontag không ngần ngại lên tiếng chống chiến tranh và các cuộc xung đột từ chính sách của Israel trên lãnh thổ Palestine đến việc Serbia ném bom vào Sarajevo với thái độ thẳng thắn, rạch ròi.
Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư, Susan Sontag qua đời vào ngày 28/12/2004.
Bà từng giành giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ và Giải thưởng Hòa bình của Hội Các nhà bán sách Đức. |