Bà Võ Thị Trà My (30 tuổi, Việt kiều Mỹ) vừa có đơn gửi đến các cơ quan chức năng, báo chí liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh xảy ra tại cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ Abisalab Clinic, số 28/11A đường Tôn Thất Tùng (quận 1, TPHCM).
Trong đơn, bà My cho biết, vào ngày 28/8, thông qua người quen, bà đã tìm hiểu và liên hệ với người được giới thiệu là bác sĩ Huỳnh Ngọc Huy làm việc tại Abisalab Clinic - đây là một trong những cơ sở kinh doanh thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Hoa Song Tử (căn cứ theo thông tin ghi nhận trên website của Abisalab Clinic) với mong muốn thực hiện dịch vụ trị nám, tàn nhang bằng phương pháp chiếu laser.
Ngày 30/8, bà đến Abisalab Clinic theo lịch hẹn để thăm khám và tiến hành trị liệu tàn nhang bằng phương pháp chiếu laser.
Theo thỏa thuận ban đầu, bác sĩ Huy sẽ trực tiếp thăm khám và trị liệu cho bà My. Tuy nhiên, tại thời điểm theo lịch hẹn, bác sĩ Huy bị ngộ độc thực phẩm nên không thể trực tiếp trị liệu được mà thay vào đó là một nhân viên khác.
Theo bà My, trong quá trình thực hiện trị liệu tàn nhang trên da mặt bằng phương pháp chiếu laser, nhân viên của Abisalab Clinic hoàn toàn không thực hiện các biện pháp bảo hộ như kính che mắt, vải che mắt hay hình thức khác tương tự đối với bà. Đồng thời, cũng không cảnh báo về sự nguy hiểm hay tác dụng phụ khi sử dụng tia laser.
"Trong lúc đang thực hiện chiếu tia laser lên vùng mặt của tôi, nhân viên/kỹ thuật viên trực tiếp thực hiện trị liệu đã chiếu tia laser vào mắt phải của tôi khiến thị lực mắt phải của tôi bị ảnh hưởng, tầm nhìn bị mờ ngay tại thời điểm đó", nội dung đơn nêu.
Ngay sau đó, bà đã thông báo tình trạng mắt của mình cho bác sĩ Huy, Abisalab Clinic. Theo bà My, bà được hướng dẫn rửa mắt bằng nước muối sinh lý, dùng thuốc nhỏ mắt hằng ngày thì mắt sẽ trở lại bình thường.
Ngày 31/8, bà My trở lại Mỹ và đã liên hệ với bệnh viện địa phương tại Mỹ để thăm khám tình trạng mắt khi thấy có dấu hiệu trở nặng. Bệnh viện đã kết luận mắt phải của bà bị "sẹo màng đệm do tai nạn da liễu, laser".
Theo bà My, ngày 15/9, bà trở về Việt Nam, cùng đại diện của Abisalab Clinic liên hệ với một bệnh viện mắt tại TPHCM để thăm khám. Bệnh viện kết luận mắt phải của bà bị mất thị lực.
Ngày 23/9, bà My đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Theo bệnh án và kết luận cho thấy thị lực mắt phải 1/10; chẩn đoán: mắt phải có sẹo do tổn thương RPE/laser; kết luận: mắt phải tiên lượng xấu, khả năng phục hồi thị lực thấp.
Bà My cho rằng hoạt động cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Abisalab Clinic có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Theo đó, Abisalab Clinic có khả năng chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực da liễu; trong đó chưa được phép thực hiện dịch vụ chiếu tia laser trị nám, tàn nhang. Bên cạnh đó, các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên của Abisalab Clinic cũng có khả năng chưa có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Phía bà My yêu cầu Abisalab Clinic bồi thường với tổng số tiền 5,165 tỉ đồng. Số tiền bồi thường này do bà My và gia đình tính toán căn cứ vào những tổn thất về vật chất và tinh thần mà bà và gia đình phải gánh chịu trong cuộc sống hiện tại và tương lai sau này.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Huỳnh Ngọc Huy cho biết, bà My là em gái của một khách hàng lâu năm. Trước đó, ông cũng đã thực hiện thẩm mỹ như chăm sóc da, cấy tế bào gốc cho bà My tại nhà của mình ở Đắk Lắk.
Bác sĩ Huy đặt ra những nghi vấn của ông xung quanh vụ việc liên quan đến bà My. Trong đó, ông cho rằng không có việc tia laser bắn vào mắt bà My mà đó chỉ là tia dẫn màu đỏ chiếu vào mắt. Bên cạnh đó, không thể xác định được vết sẹo trong mắt bà My có từ khi nào, bởi trước đó bà My từng mổ cận.
Ngoài ra, một số giấy tờ, chứng từ thanh toán theo yêu cầu bồi thường không rõ ràng. Phía bác sĩ Huy và Abisalab Clinic cho rằng số tiền bà My đòi bồi thường là không hợp lý.
Bác sĩ Huy cho hay bản thân có chứng chỉ ứng dụng laser trong thẩm mỹ. Công việc chính của ông tại Abisalab Clinic là đào tạo cho các nhân viên về kiến thức da, mỹ phẩm. "Tôi không có mặt tại lúc đó và cũng không phải là người làm cho chị My. Chuyện điều tra đúng sai, phải trái thuộc về quyền của cơ quan chức năng. Tôi không thể khẳng định được bên tôi đúng hay sai", bác sĩ Huy chia sẻ.
Người thực hiện laser cho bà My là Thiều Thanh Hồng Trúc, nhân viên của Abisalab Clinic. Người này không phải là bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ ứng dụng laser trong thẩm mỹ. Theo Trúc, thời gian thực hiện laser cho bà My được thực hiện trong khoảng 5-10 phút, trong quá trình làm bà My được che mắt bằng băng bông y tế.
Được biết, Abisalab Clinic là cơ sở chăm sóc da thông thường và kinh doanh mỹ phẩm; không được cấp phép dịch vụ laser để trị nám, tàn nhang. Việc có máy laser tại cơ sở được bác sĩ Huy lý giải do "lịch sử" để lại và máy đang chờ thanh lý.
Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Phương Nam - người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Hoa Song Tử cho rằng Abisalab Clinic không thuộc công ty, đây chỉ là một đơn vị được đứng tên. Tuy nhiên, ông Nam cho hay sẽ có thông cáo báo chí về vụ việc và nói thêm đơn vị luôn luôn theo đúng tinh thần bảo vệ cho quyền lợi của tất cả những người liên quan đến vụ việc, đảm bảo được không ai phải thiệt hại trong công việc, không bao giờ muốn lại mang lại hậu quả xấu cho khách hàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn