‘Nửa bầu trời’ thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc

07:50 | 01/10/2019;
Ở Trung Quốc, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị, kinh tế dễ dàng hơn không chỉ làm tăng quyền năng của phụ nữ, mà còn có nhiều tác động tích cực đến toàn xã hội.
Khẳng định trong lĩnh vực chính trị
 
Trung Quốc đã ban hành và sửa đổi một loạt bộ luật liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, bao gồm Luật Lao Động, Luật bảo vệ bà mẹ trẻ em, Luật hôn nhân, Luật dân số và kế hoạch hóa, Luật khế ước đất nông nghiệp, Luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ, Luật bất động sản, Luật lao đông, Luật xúc tiến việc làm”… Năm 1992, Trung Quốc lần đầu tiên ban bố một bộ luật đặc biệt, lấy chủ thể là phụ nữ, lấy bảo vệ toàn diện quyền lợi hợp pháp của phụ nữ làm nội dung chính là Luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ Trung Quốc.
 
Năm 1995, Trung Quốc lần đầu ban bố đề cương phát triển phụ nữ (1995-2000), năm 2000 đưa ra “Đề cương phát triển phụ nữ Trung Quốc” (2001-2010), xác định 6 lĩnh vực phát triển phụ nữ, trong đó có 34 hạng mục chủ yếu và hơn 100 sách lược thực thi, đối với các cấp chính phủ và bộ ngành liên quan thực hiện đề cương tiến hành lượng hóa và chi tiết hóa. Từ năm 2000, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục thực thi đề cương phát triển phụ nữ, trẻ em vào phát triển kinh tế - xã hội toàn dân, thể chế hóa pháp luật.
 
 
Bà Tôn Xuân Lan

  

Trung Quốc là nước có dân số phát triển nhiều nhất trên thế giới. Trong 1,4 tỷ nhân khẩu có 660 triệu là nữ giới, chiếm 48,7% tổng dân số. Trung Quốc hiện có 23 triệu đảng viên nữ (chiếm 26%). Khi so sánh Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (năm 2012), Đại hội Đảng lần thứ 19 tháng 10/2017 đã tăng số ứng viên nữ từ 23% lên 24% trong tổng số đại biểu.
 
Sau đại hội Đảng lần thứ 19, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 đã bầu Bộ Chính trị gồm 25 ủy viên do Tổng Bí thư Tập Cận Bình đứng đầu. Nhân vật nữ duy nhất có mặt trong Bộ Chính trị là bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan, 67 tuổi) - Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương. Trước đây, bà Tôn Xuân Lan là Ủy viên Dự khuyết Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 15 và 16 và là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 và khóa 18. Bộ Chính trị khóa 18 có hai ủy viên nữ, gồm bà Tôn Xuân Lan và bà Lưu Diên Đông. Trước bà Tôn, nữ Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc nổi tiếng là Phó Thủ tướng Ngô Nghi, được mệnh danh là “người đàn bà thép” của Trung Quốc.
 
Ngoài ra, theo Liên đoàn Phụ nữ Toàn Quốc Trung Hoa (ACWF), tỷ lệ nữ đại biểu trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội hiệp thương chính trị chiếm 23,4%. Hơn 230 lãnh đạo cấp bộ, tỉnh là nữ giới. 90% các cơ quan của tỉnh, thành, các cấp ủy đảng, đại hội đại biểu nhân dân, tổ chức hiệp thương chính trị có ít nhất 1 vị lãnh đạo là nữ giới.
 
 
Phong trào Me Too ở Trung Quốc

  

Trong khi ở phương Tây, phong trào Me Too (Tôi cũng vậy) khởi xướng từ làng giải trí thì ở Trung Quốc, phong trào này bắt đầu trong các trường đại học. Sinh viên Trung Quốc cũng đã phát động phong trào Me Too để đấu tranh với nạn xâm hại tình dục phụ nữ. Đến nay, ở Trung Quốc có khoảng 30-50 chiến dịch kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ phụ nữ. Sinh viên và cựu sinh viên hàng chục trường đại học Trung Quốc đã phát động lấy chữ ký qua mạng để kêu gọi mọi người lên tiếng chống lại bạo lực tình dục trong gia đình, phân biệt giới tính nơi công sở và trường đại học. Tên phong trào Me Too được phiên âm theo tiếng Trung là #Woyeshi.
 
Thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ về kinh tế
 
Qua “Chương trình quốc gia về phát triển phụ nữ giai đoạn 2011-2020”, địa vị của phụ nữ Trung Quốc được nâng cao rõ rệt, sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ bước vào một thời kỳ tốt đẹp chưa từng có. Tỉ lệ nữ giới có trình độ đại học và sau đại học lần lượt là 51,7%, chiếm 49% tổng số sinh viên. Phụ nữ làm trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật chiếm 41%. Tỉ lệ các nữ viện sĩ trong các viện khoa học, viện công trình ở Trung Quốc chiếm hơn 9,1%.
 
 
Phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển

  

Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế dễ dàng hơn không chỉ làm tăng quyền năng của phụ nữ trong nền kinh tế, mà còn có nhiều tác động tích cực đến toàn xã hội. “Sheconomy” (kinh tế phụ nữ, kinh tế phái đẹp, kinh tế quý cô/bà) giờ đây đã không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Thậm chí, “sheconomy” còn được dự báo sẽ là loại hình kinh tế đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, cùng với sự phát triển và gia tăng vai trò của phụ nữ về bình đẳng, chính trị và kinh tế ở Trung Quốc.
 
Tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, tỉ lệ nữ giới nắm giữ những vị trí quản lý cấp trung và cao hiện lên tới 35,6%, tăng 75% so với năm 2011. Ở thành thị, ý thức tự lập nghiệp của nữ giới không ngừng tăng cao, chiếm 21%. Đội ngũ các doanh nhân nữ không ngừng lớn mạnh, chiếm 25% tổng số doanh nghiệp của Trung Quốc. Khoảng một nửa trong số gần 20 nữ tỷ phú tự thân của thế giới hiện nay đã xây dựng nên sự nghiệp của mình tại Trung Quốc.
 
 
Những tỷ phú nổi bật

  

Phụ nữ tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng tăng và phụ nữ nước này chiếm 55% tổng mức chi tiêu mua sắm trực tuyến. Qiu Xiaodong, giáo sư kinh tế ở Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng các xu hướng văn hóa rộng lớn đã thúc đẩy sự thay đổi căn bản trong thói quen chi tiêu của phụ nữ Trung Quốc. Theo ông Qiu, thế hệ phụ nữ mới, những cô gái sinh vào thập niên 1980 và 1990, lớn lên trong giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, có mức thu nhập tăng cao và khái niệm mua sắm của họ đang thay đổi.
 
 
Bà Chen Xiaohong (trái) - Nhà sáng lập H Capital và bà Ruby Lu

  

Mặt khác, các chuyên gia cho biết Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ và có thể soán ngôi Mỹ trong một số ngành công nghệ chủ chốt. Một trong những lĩnh vực phát triển nhất quốc gia này là công nghệ. Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc chiếm 34% tổng sản phẩm quốc nội. Đây cũng là nơi đặt nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hay tập đoàn công nghệ Tencent. Làng công nghệ Trung Quốc đã có sự chuyển hướng trong việc xóa bỏ nạn phân biệt giới tính và hơn một nửa số công ty Internet ở Trung Quốc hiện nay đều do phụ nữ sáng lập.
 
Điển hình là sự góp mặt của nhiều nhân vật nữ nổi bật như bà Kathy Xu - Người sáng lập của Capital Today; Anna Fang của Zhenfund và Chen Xiaohong - Người đã xây dựng nên công ty H Capital… Chính họ là những “bà đỡ” cho những doanh nhân nữ khởi nghiệp (start-up) thành công nhất của Trung Quốc. Họ tạo bệ phóng giúp doanh nghiệp nữ Trung Quốc ngày càng phát triển hơn. Thành công của họ là niềm cảm hứng khiến nhiều phụ nữ gia nhập ngành công nghệ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc ước tính, phụ nữ sáng lập 55% số công ty Internet ở nước này và hơn 1/4 doanh nhân là phụ nữ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn