Xã hội phát triển, không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trẻ phải làm nhiều bài tập về nhà hơn, độ khó của bài tập cũng tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả những bậc làm cha làm mẹ cũng rơi vào cuộc chiến mới mang tên giúp con làm bài về nhà.
Gần đây, có một ông bố ở Trung Quốc cũng đang trên bờ vực suy sụp tinh thần vì phải dạy con làm bài tập đến tận khuya. Vì vậy, vào đúng 0h giờ đêm, ông bố này đã nhắn vào group chat phụ huynh 5 chữ, đồng thời tag thẳng tài khoản của cô giáo chủ nhiệm lớp vào: "Cô giáo, cô ngủ chưa?".
Sau khi đọc được tin nhắn, cô giáo liền trả lời: "Tôi ngủ rồi, có chuyện gì sao phụ huynh?".
Không ngờ chỉ một câu trả lời đơn giản như vậy đã lập tức khiến ông bố kia nổi giận. Anh ta nhắn tiếp một tràng dài vào nhóm: "Cô nói cô ngủ rồi, trong khi con gái tôi còn chưa được ngủ đây này. Cô ngủ cái gì mà ngủ? Cô bắt học sinh làm nhiều bài tập như thế, tại sao cô được đi ngủ? Con tôi 12 giờ đêm rồi lại không được đi ngủ?".
Vốn dĩ các phụ huynh khác trong nhóm chat còn tưởng ông bố này tính gây sự gì, nhưng đọc xong đoạn đối đáp giữa ông bố và giáo viên, họ không khỏi thấy bức xúc. Nhiều phụ huynh than thở con họ cũng đang phải ngồi làm bài tập. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và nghỉ ngơi của tụi trẻ, nhưng không làm cũng không được, bởi nếu không chúng sẽ bị phạt đứng vào ngày hôm sau.
Vậy là chỉ bằng câu hỏi 5 chữ của ông bố nọ, cả group chat "sục sôi" lên. Các phụ huynh đã thống nhất quan điểm: Cô giáo không nên giao nhiều bài tập như vậy, nhất là những bài có độ khó tương đối. Con chưa giải được là chuyện bình thường, lúc này chúng cần sự hướng dẫn của phụ huynh. Thế nhưng phụ huynh cả ngày cũng phải đi làm, rất mệt mỏi. Vậy là chỉ vì yêu cầu của cô giáo mà gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe của học sinh lẫn cha mẹ học sinh.
Một số người công tâm hơn thì cho rằng: Cô giáo đi ngủ sớm là quyền của cô, ngay cả việc cô giao bài tập về nhà cho học sinh cũng không sai. Nhưng nếu giao quá nhiều bài thì nó lại thành vấn đề cần bàn luận.
1. Bài tập về nhà khó
Hiện nay bài tập của trẻ ngày càng thiên về độ khó, khó từ giai đoạn tư duy đến giai đoạn tìm ra lời giải. Đây là nguyên nhân khiến trẻ làm bài chậm và thường phải thức học bài, làm bài đến khuya. Tuy nhiên, đây cũng là một hiện tượng tất yếu do sự cạnh tranh giữa học sinh ngày càng gay gắt, số lượng môn học nhiều, khối kiến thức đồ sộ.
2. Phạm vi bài tập rộng, kiến thức của trẻ không đủ
Đôi khi phạm vi của bài tập tương đối rộng, nếu trẻ không hình dung ra được sẽ bị bế tắc trong tư duy, sự bế tắc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả. Cha mẹ nên kịp thời giúp trẻ tìm kiếm thông tin, hoặc hướng dẫn trẻ tạm gác lại những chủ đề mà trẻ chưa biết.
3. Trẻ kém tập trung, mệt mỏi, hiệu quả giảm sút
Nếu bài tập về nhà quá nhiều, trẻ sẽ bị "ngợp", sợ hãi và dần trở nên mệt mỏi. Hoặc nếu trẻ bị phân tâm bởi những việc khác cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm bài và dẫn đến phải làm thêm giờ.
1. Không nên đặt nhiệm vụ học tập quá nặng nề cho trẻ
Mỗi trường có một chỉ tiêu thành tích riêng nhưng không nên vì thế mà đặt kỳ vọng quá nặng lên trẻ và bài tập cũng không nên giao quá nhiều. Không phải phụ huynh nào cũng có khả năng và điều kiện để hỗ trợ con ở nhà. Sẽ là tốt nhất nếu giáo viên có thể chủ động liên lạc với phụ huynh để trao đổi và đặt ra một lượng bài tập về nhà mà trẻ có thể hoàn thành trong khoảng thời gian phù hợp, từ đó đạt được sự cân bằng giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh.
2. Kích thích trẻ tự học
Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, khối lượng nhiệm vụ học tập không quá nặng, giáo viên có thể kích thích hứng thú của trẻ, nâng cao hiệu quả học tập. Trẻ biết cách tự học sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn so với việc thầy cô, cha mẹ không ngày đêm chỉ bảo.
Về vấn đề này, giáo viên cũng có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn để thu hút hứng thú học tập của trẻ. Cha mẹ cũng cần nói với trẻ nhiều hơn, gần gũi với con nhiều hơn sau giờ tan sở, giao tiếp tự nhiên, chân thành để con hứng thú học tập hơn.
Học tập là nhiệm vụ của trẻ em, giáo viên cần đảm nhận trách nhiệm giáo dục và cha mẹ cần đóng vai trò khuyến khích và hướng dẫn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn