Nước ăn chân mùa mưa và cách xử lý tại nhà hiệu quả nhất

16:59 | 19/07/2023;
Bàn chân thường xuyên ẩm ướt vào mùa mưa và nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn khiến bệnh nước ăn chân gia tăng. Có biện pháp điều trị nước ăn chân tại nhà nào hiệu quả nhanh không?

Nước ăn chân (còn gọi là bệnh nấm da chân, thông thường là nấm ở kẽ chân) sau mưa là một trong những bệnh ngoài da phổ biến mùa mưa bão như ghẻ lở, hắc lào, viêm nang lông,... có nguyên nhân do tiếp xúc vùng trũng, nơi nước bị ứ đọng chứa vi khuẩn, vi nấm bám da và gây bệnh. 

Mặc dù bệnh xuất hiện chủ yếu ở bàn chân, nhưng nếu người bệnh thường xuyên phải bơi/lội tiếp xúc với nguồn nước bẩn thì nấm có thể lây lan tới các bộ phận khác như bàn tay, bẹn.

1. Các biện pháp điều trị nước ăn chân tại nhà

Nhiều biện pháp tự nhiên tại nhà có thể hữu ích trong việc điều trị nước ăn chân tại nhà. Theo Medical News Today thì dưới đây là 5 biện pháp chữa nước ăn chân mà bạn có thể tham khảo:

1.1. Tinh dầu tràm trà

Dầu tràm trà có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hỗn dịch chữa 25 - 50% dầu cây trà có hoạt động hiệu quả hơn đáng kể so với giả dược trong việc làm dịu sự khó chịu do nước ăn chân gây ra. Cũng theo nghiên cứu này thì 64% người sử dụng được chữa khỏi, trong khi chỉ 31% người dùng giả dược được chữa khỏi.

Ngoài ra, dầu tràm trà cũng thể hiện hiệu quả trong việc tiêu diệt một số loại nấm. Tuy nhiên khi sử dụng bạn nên thận trọng vì dầu tràm trà với tỷ lệ đậm đặc (chưa được pha loãng) có thể gây kích ứng. Tốt nhất là bạn nên nhỏ một vài dầu dừa hay dầu ô liu để trung hòa rồi xoa lên vùng bị nước ăn chân.

Nước ăn chân mùa mưa và cách xử lý tại nhà hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Hình ảnh bàn chân bị nước ăn chân (Ảnh: Internet)

1.2. Tỏi

Theo Đông Y và cả Tây y thì tỏi có nhiều đặc tính chống nấm và vi khuẩn như Candida nhờ hoạt chất ajoene trong tỏi. Nghiên cứu sử dụng ajoene làm dạng kem tỷ lệ 0,4% và bôi trực tiếp lên vùng da bị nước ăn chân cho thấy hiệu quả điều trị đáng kinh ngạc.

Theo Medical News Today, bạn có thể ngâm chân bằng cách nghiền nát 3 - 4 tép tỏi và cho vào chậu nước ấm rồi ngâm chân trong 30 phút, 2 lần/ngày tối đa trong vòng 1 tuần để có hiệu quả. Một cách nữa, bạn có thể chà xát trực tiếp 4 - 5 nhánh tỏi đã đập dập lên vùng da bị nước ăn chân 2 lần mỗi ngày, tuy nhiên nếu bạn có làn da dễ bị kích ứng thì nên thận trọng.

1.3. Máy sấy và phấn rôm

Nếu nấm không có môi trường sống lý tưởng thì chúng sẽ không thể tiếp tục sinh trưởng và phát triển. Vì thế loại bỏ độ ẩm của bàn chân là một giải pháp điều trị nước ăn chân cần thiết, đặc biệt là những nơi ẩm ướt như kẽ ngón chân.

Nước ăn chân mùa mưa và cách xử lý tại nhà hiệu quả nhất - Ảnh 2.

Luôn luôn giữ bàn chân được khô ráo (Ảnh: Internet)

Sau khi tắm, ngoài việc thấm nước bằng khăn bông mềm, bạn có thể tăng hiệu quả làm khô bằng máy sấy tóc. Đảm bảo rằng bạn không chỉnh mức nhiệt quá nóng khiến da chân bị bỏng, biện pháp này cũng không được khuyến khích cho người bị mất cảm giác tại bàn chân như tiểu đường,...

Khi bàn chân đã được sấy khô, rắc thêm phấn rôm lên để tối đa việc hút ẩm, mồ hôi còn sót lại. Ngoài hai biện pháp này bạn có thể đeo tất có khả năng thấm hút mồ hôi để giữ cho bàn chân khô ráo cả ngày.

1.4. Baking soda

Theo một nghiên cứu trên Mycophathologia thì baking soda có khả năng kháng nấm khi sử dụng trên da. Bạn có thể trộn 1/2 cốc baking soda vào chậu nước ấm và ngâm chân trong hỗn hợp từ 15 - 20 phút. Sau khi ngâm xong, lấy một chiếc khăn bông mềm để thấm khô từng kẽ ngón chân và không cần rửa chân lại.

1.5. Muối biển

Theo Healthline, muối biển cũng có tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh nên được xem như một biện pháp tự nhiên giúp điều trị nước ăn chân tuyệt vời đồng thời ức chế sự phát triển cũng như lan rộng của bệnh.

Nước ăn chân mùa mưa và cách xử lý tại nhà hiệu quả nhất - Ảnh 3.

Nước ăn chân nếu không điều trị đúng có thể lây lan tới các bộ phận khác của cơ thể (Ảnh: Internet)

Bạn có thể trộn muối biển với giấm để tạo ra hỗn hợp sệt hoặc hòa tan một cốc muối biển vào nước ấm và ngâm chân trong ít nhất 20 phút rồi lau khô mà không cần rửa vùng chân bị nước ăn chân lại.

Lưu ý các biện pháp chữa nước ăn chân trên đây không sử dụng để thay thế cho các phương pháp chữa bệnh được bác sĩ chỉ định. Không nên lạm dụng ngâm chân quá nhiều bởi môi trường da có độ ẩm cao thường xuyên cũng sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển, đặc biệt là để chân còn ẩm ướt đã bôi thuốc. 

Bạn cũng không nên ngâm rửa chân trong trường hợp vết nước ăn chân bị loét, chảy dịch mà nên dùng khăn mềm thấm sạch tới khi khô rồi bôi thuốc. Nếu bôi thuốc chữa nước ăn chân, nên bôi một lượng vừa phải, không bôi quá ít hoặc quá nhiều.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Nếu bạn cho rằng mình bị nước ăn chân và tình trạng bệnh không thuyên giảm sau 1 tuần điều trị tại nhà, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp hơn. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm theo đơn dạng uống hoặc bôi để loại bỏ nhiễm trùng.

Ngoài ra, nếu đang bị tiểu đường mà bị nước ăn chân, bạn nên hẹn gặp bác sĩ sớm bởi nhiễm trùng dạng này có thể nguy hiểm hơn ở người bị tiểu đường do tổn thương thần kinh sẵn có.

Nước ăn chân mùa mưa và cách xử lý tại nhà hiệu quả nhất - Ảnh 4.

Vết thương loét, có mủ cần phải được thăm khám bác sĩ (Ảnh: Internet)

Các dấu hiệu nước ăn chân bị nhiễm trùng bao gồm: sưng đỏ, có mủ, tiết dịch tại vùng nhiễm trùng và sốt. Do bệnh dễ lan sang khu vực khác nên bạn cần hạn chế gãi và chạm vào khu vực bị tổn thương. Khi bôi thuốc cần rửa tay trước và sau khi bôi thuốc xong.

PHÒNG NGỪA NƯỚC ĂN CHÂN MÙA MƯA BÃO

Có nhiều cách để bảo vệ bàn chân khỏi bị nước ăn chân mùa mưa bão, bao gồm:

- Cắt ngắn móng chân để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn

- Hạn chế đi chân trần ở những nơi ngập nước, các vũng nước tù đọng, hôi đen

- Rửa chân sau khi ở ngoài về ít nhất một lần một ngày và lau khô hoàn toàn

- Nếu có một thành viên trong gia đình bị nước ăn chân, hãy khử trùng phòng tắm và vòi hoa sen sau mỗi lần sử dụng cho tới khi người bệnh khỏi hẳn

- Không dùng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn, giày, tất hay các vật dụng có thể chạm vào chân như máy massage, chậu ngâm chân,...

- Thay giày, hong khô (khử trùng nếu có) và thay tất hàng ngày, đặc biệt khi di chuyển trong mưa bão về.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn