Người dân lao đao với cuộc chiến nâng đường, nâng nhà
Những cơn mưa đầu mùa ở TPHCM đã khiến người dân phải vật lộn trên các tuyến đường ngập nước. Con đường từ nơi làm việc đến nhà trở trên xa hơn bởi tốc độ di chuyển giảm hẳn. Anh Trần Hữu Toàn (ngụ Khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) kể, hơn 10 năm trước, thị trấn Nhà Bè chưa đông đúc như bây giờ.
Dần dần, đường sá trở trên chật chội hơn với dòng người xuôi ngược. Nhiều căn nhà mọc lên khiến Nhà Bè trở nên sầm uất hơn. Trên con đường về nhà, anh Toàn không còn được tận hưởng cảm giác của 10 năm về trước. Mà giờ đây, mỗi khi trời mưa lớn, nước ngập suốt quãng đường về. Năm ngoái, dọc tuyến đường Huỳnh Tấn Phát kéo dài từ quận 7 đến Nhà Bè được cơ quan chức năng đầu tư hệ thống thoát nước.
Anh Toàn kể, mặt đường nâng lên, cao hơn nền nhà. Những căn nhà lần lượt trở thành "vùng trũng" đọng nước sau mỗi cơn mưa. Nhiều hộ dân lại phải chạy đua với việc tiếp tục nâng nền nhà để cao hơn mặt đường.
Đối với những hộ dân ở dọc con đường Huỳnh Tấn Phát là vậy, nhưng với các hộ dân nằm sâu hun hút trong các con hẻm không có điều kiện nâng đường lại khác. Như trường hợp của anh Toàn, đành sống chung với những cơn ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn. Nước ngập từ đầu hẻm vào đến tận nhà khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
Chị Trần Thị Quyên (ngụ Khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) nói, gia đình chị đã bán nhà phố trong hẻm để chuyển đến căn hộ chung cư nhằm thoát cảnh ngập lụt triền miên. Chị bán nhà được gần 3 tỷ đồng và chuyển đến căn hộ trên địa bàn quận 7 với mức giá tương đương. Dù mỗi tháng phải trả một khoản phí quản lý chung cư nhưng gia đình chị vẫn đang hài lòng với các dịch vụ ở đây.
Không thể giải được bài toán nước ngập trong mùa mưa
Chia sẻ với Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân – chuyên gia kinh tế phân tích, tình trạng cơ quan chức năng nâng mặt đường khiến người dân phải "đôn" nền nhà để tìm giải pháp "chống ngập" nước vào nhà là do quy hoạch đô thị của TPHCM không đồng bộ. Tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, nhưng hệ thống giao thông không theo kịp đã làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Những khi trời mưa, nước không thể thoát. Hệ thống thoát nước từ nội ô ra ngoại thành đều ở trong tình trạng tê liệt. TPHCM được báo động đang dần thấp hơn mực nước biển nên nước mưa không có lối thoát.
Cơ sở hạ tầng của thành phố không đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị khiến người dân gánh chịu cảnh nước ngập vào nhà là điều tất nhiên. Câu chuyện ngập úng sau mỗi cơn mưa lớn ở TPHCM đã được nói đến và đề cập từ rất lâu nhưng vẫn chưa có một giải pháp căn cơ, hiệu quả. Lý do, để giải được bài toán ngập sau mỗi cơn mưa lớn thì TPHCM phải thay đổi đồng bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn.
Để làm được điều này sẽ rất mắt thời gian, tiền bạc và công sức. Do đó, mỗi khi mưa lớn thì nước ở ngoài đường lại chảy vào nhà dân. Nhiều nơi làm đường cao hơn nhà dân đến 1 mét. Người dân lại tiếp tục nâng nhà để cao hơn mặt đường, có nơi nhà dân cao hơn mặt đường đến gần 1 mét. Đến khi nhà dân không còn là nơi chứa nước sau mỗi cơn mưa thì đường lại có nhiệm vụ thay thế. Vòng luẩn quẩn liên tục lặp lại sau hàng chục năm.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân phân tích, cần phải có giải pháp căn cơ là nạo vét kênh mương, đặt các ống cống, tạo rãnh để nước thoát nhanh ra ao hồ trong cơn mưa. Hoặc, có thể nghiên cứu để đầu tư hệ thống thoát nước một cách khoa học hơn, đồng bộ hơn và tránh làm manh mún như hiện nay.
Người dân TPHCM luôn có câu cửa miệng: "Nước ngập đường, nâng đường; nước ngập nhà, nâng nhà". Với cách "chống ngập" như hiện nay thì không thể giải được bài toán nước ngập trong mùa mưa.
Tìm đến căn hộ chung cư vẫn có tính khả thi
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, người dân mòn mỏi chờ đợi cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu để chống ngập nhưng có thể còn rất lâu, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống mưu sinh khiến người dân phải sống trong những căn nhà bức bách, ngập nước. Chính vì các vấn đề trên, nhiều người đã đi tìm nơi khác có vị trí đất nền cao hơn để tránh ngập.
Tiến sĩ Nhân đưa ra nhận định, xu hướng ở căn hộ chung cư cao cấp sẽ không thuận tiện với những người dân đã có thói quen ở nhà phố mà chỉ là giải pháp để thoát khỏi cảnh phải đối diện với tình trạng nước ngập. Góc độ của người dân, sở hữu nhà phố chỉ dành cho những người có thu nhập cao và dành làm nơi kinh doanh, mua bán hoặc mưu sinh.
Đã gọi là căn hộ là chỉ để ở và không dành cho mở cơ sở kinh doanh buôn bán. Chỉ ở trong tình huống không thể khác đi được thì người dân phải chấp nhận để có môi trường sinh hoạt tốt hơn. Trong mùa mưa – ngập không phải xảy ra quanh năm. Người dân linh động kinh doanh một ngành nghề nào đó trong mùa nắng và chuyển sang một nghề khác phù hợp trong mùa mưa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn