Vụ án Nguyễn Trọng Trình hiếp dâm bé gái trong vườn chuối ở Chương Mỹ đã khép lại với bản án mà tòa phúc thẩm vừa diễn ra. Mức án chung thân dành cho bị cáo Trình đã ít nhiều xoa dịu những bức xúc, phẫn nộ của dư luận trước tới nay. Rồi đây, Trình phải đối diện với bốn bức tường giam, mà chưa biết ngày trở về, để trả giá cho những hành vi tội lỗi của mình.
Tham gia vụ án này từ khi vụ việc mới bắt đầu xảy ra cho đến khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, chúng tôi đã gặp gỡ, phỏng vấn rất nhiều người liên quan đến vụ án này, nhưng có vẻ như chúng tôi đã "bỏ quên" đi một người.
Người phụ nữ ấy có mặt ở cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử Nguyễn Trọng Trình. Không khó để nhận ra gương mặt khắc khổ, u sầu và chất chứa rất nhiều nỗi niềm của bà. Đó chính là bà Trần Thị N. mẹ của bị cáo Nguyễn Trọng Trình.
Vì là phiên tòa phúc thẩm nên có nhiều vụ án được đưa ra để HĐXX xem xét, xét xử. Vì vậy, mặc dù lịch xét xử từ 8h sáng theo thông báo của tòa, tuy nhiên đến cuối giờ chiều ngày 25/12, vụ án Nguyễn Trọng Trình mới được xem xét.
Một điều khá bất ngờ, tại tòa Nguyễn Trọng Trình – kẻ ở phiên sơ thẩm vẫn quanh co chối tội thì đến phiên phúc thẩm lại khóc nức nở, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, xin lỗi gia đình nạn nhân và xin rút đơn kháng cáo. Trước thái độ ăn năn của Trình, gia đình cháu V.N.Q cũng xin rút đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt với Trình.
Trình khóc trong phòng xử, bên ngoài mẹ bị cáo cũng gạt 2 hàng nước mắt. Bà đã đừng ở ngoài hàng rào của TAND Cấp cao suốt một ngày để nghe ngóng thông tin về đứa con trai lỗi lầm của mình. "Nó có tội, nó phải chịu hình phạt về tội lỗi của nó. Nhưng dù sao, nó cũng là con tôi dứt ruột đẻ ra. Bao giờ tôi mới được gặp lại nó đây? Vợ con, gia đình nhỏ của nó cũng tan đàn sẻ nghé mất thôi", bà N. nghẹn ngào.
Bà kể, kể từ khi vụ việc xảy ra, gia đình bà cũng mất ăn mất ngủ. Bà cũng thường xuyên đi lại và mong muốn được chăm sóc, giúp đỡ cháu Q. (người bị hại) để bù lại những lỗi lầm mà con bà gây ra.
Cũng theo lời bà N., vẫn còn nhiều góc khuất đằng sau vụ án này mà bà không biết bày tỏ cùng ai. Ngay hôm vụ việc xảy ra, công an đến để bắt Trình lên để lấy lời khai, chính bà và vợ Trình đã động viên Trình: "Nếu làm thì nhận, thành khẩn khai báo để được hưởng khoan hồng". Cá nhân bà và gia đình luôn động viên Trình thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra.
Sau đó, khi Công an Chương Mỹ khởi tố vụ án, Trình bị tạm giữ. Bà cũng khá bất ngờ khi công an gọi lên làm bảo lãnh cho Trình được tại ngoại. "Khi đó, công an cũng nói với tôi, đang trong quá trình điều tra, nên có thể sẽ thay đổi tội danh khởi tố từ dâm ô sang hiếp dâm, nếu thay đổi tội danh thì sẽ bắt tạm giam. Tôi cũng đồng ý. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chúng tôi chạy tiền công an Chương Mỹ là không đúng. Lấy tiền đâu mà chạy. Đừng đổ oan cho các anh ấy", bà N. phân trần.
Cũng theo bà N., suốt thời gian qua, bà đã gửi 6 lá đơn chỉ để mong được có mặt tại phòng xét xử mà con trai bà là bị cáo. Bà hy vọng được vào để nói đôi lời đỡ cho con trai và xin lỗi gia đình cháu Q. nhưng không được chấp nhận. Vì thế, cả 2 phiên tòa, người mẹ già ấy cứ đi lại bên ngoài trụ sở tòa án với tâm trạng rối bời, đôi mắt ngấn lệ.
Phiên tòa phúc thẩm khép lại, nhiều giọt nước mắt đã rơi. Nước mắt của sự hối hận muộn màng, nước mắt của sự vị tha và cả giọt nước mắt xót xa, đau đớn của người mẹ.
Trình sẽ đối diện với mức án nghiêm khắc của tòa, đối diện với những ngày tháng tự vấn lương tâm trong trại giam. Và bên ngoài, một người mẹ vẫn hằng đêm ngóng con, vẫn âm thầm chịu đựng những nỗi niềm, đau xót.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn