Nuôi con theo kiểu Platonic

15:59 | 15/04/2022;
Nuôi dạy con theo kiểu “Platonic” (trao nhau sự tin tưởng-tình cảm thuần túy) là một xu hướng mới. Hình thức nuôi con theo xu hướng này là người đang làm cha/mẹ đơn thân chọn một người bạn, đối tác tin cậy để cùng nuôi dạy, chăm sóc con cái.
Đồng nuôi dưỡng

Một bà mẹ đơn thân 33 tuổi ở New York (Mỹ), tâm sự: "Khoảng 5 năm trước, sau khi ly hôn, tôi và con trai 5 tuổi phải chuyển đến một nơi ở mới. Khi đó giá thuê căn hộ trung bình khoảng 3.000 USD/tháng và mức lương trung bình của một người mẹ đơn thân như tôi chỉ hơn 50.000 USD/năm và tôi không có nhiều lựa chọn. Cùng lúc đó, người bạn thân nhất của tôi, Tia, một bà mẹ hai con mới ly hôn cũng đang trong tình trạng không có đủ khả năng thuê một căn hộ. Vì vậy chúng tôi đã quyết định cùng chung sống và nuôi dạy con cái.

Một tháng sau, tôi và Tia thuê một căn hộ có ba phòng ngủ ở khu chung cư Bed-Stuy, New York. Chúng tôi quyết định tạm thời sống ở đây, cùng chia sẻ chi phí và kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Chúng tôi thay phiên nhau chuẩn bị các bữa ăn, dạy học, và dạy cách cư xử cho bọn trẻ. Nói cách khác, chúng tôi chọn cách "đồng nuôi dưỡng", cùng nuôi dạy con trẻ. Sáu tháng sau, khi tình hình tài chính tốt hơn, chúng tôi quyết định vẫn giữ mối quan hệ này. Giờ đây, tôi là một bà mẹ đơn thân độc lập về tài chính, có cuộc sống thoải mái ở Brooklyn với tư cách là một nhà văn và biên tập viên tự do. Tôi tin rằng cộng đồng những người mẹ đơn thân đã hỗ trợ, giúp tôi vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc sống.

Trải nghiệm này cũng đã thay đổi định nghĩa của tôi về mô hình gia đình, một gia đình hạt nhân truyền thống - gồm bố mẹ kết hôn và cùng nuôi dạy con cái - đã lỗi thời và không phải là mô hình duy nhất đáng theo đuổi. Điều này đã thay đổi nhiều suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của việc làm cha mẹ.

Tôi chưa từng nghĩ sẽ có những người như Tia và tôi cùng chung tay, tin tưởng, nuôi dạy con cái mà không có bất kỳ mối quan hệ ràng buộc nào. Tôi tin rằng phong cách nuôi dạy con kiểu Platonic - trao nhau sự tin tưởng, tình cảm thuần túy, sẽ dần được phổ biến và được nhiều người chú ý tới".

Gia đình hạt nhân kiểu mới

Jamaine Smith và Tanisha Barnes, hai người bạn thân ở Philadelphia (Mỹ), đã cùng nhau nuôi cậu con trai 7 tuổi Artum của Tanisha kể từ khi cha ruột cậu bé bỏ đi. Smith và Barnes không phân chia nhiệm vụ và không đẩy phần lớn trách nhiệm cho Tanisha chỉ vì cô ấy là mẹ ruột. Thay vào đó họ tập trung vào thế mạnh mà mỗi người có thể làm tốt nhất để chăm sóc Artum.

Amer Woods là một nhà văn, chưa bao giờ xác định mối quan hệ nghiêm túc với cha của đứa con trai 12 tuổi của cô. Trong cộng đồng người da đen, mẹ đơn thân, có con trước hôn nhân thường bị kỳ thị, chê trách. Nhưng Woods không bận tâm với định kiến đó. Khi biết có thai, cô đã có ý định tiến tới một quan hệ nghiêm túc, nhưng sau khi cân nhắc, cô nhận ra đối phương không phù hợp và quyết định "đường ai nấy đi". Sau đó, cô và người bạn thân nhất cùng nuôi dạy con trai

"Bài học rút ra từ câu chuyện của Woods, Smith - Barnes, và kinh nghiệm của riêng tôi với tư cách là một người đồng phụ huynh, đó là những đứa trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh", người mẹ đơn thân 33 tuổi ở New York, cho biết. Cho dù trẻ sống trong một gia đình có cha mẹ hay cha mẹ đồng nuôi dưỡng, điều quan trọng nhất vẫn là sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng cùng một người bạn đời hay bạn đồng hành không bao giờ quyết định triển vọng tương lai của một đứa trẻ. Qua bất kỳ câu chuyện nào được đưa ra ở trên thì đồng nuôi dưỡng theo kiểu "Platonic" vẫn hướng tới mục tiêu cuối cùng: nuôi dạy trẻ em phát triển.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn