Vượt qua tận cùng khổ đau
Cuộc đời của cô gái Ấn Độ Anchal Sharma khá lận đận. Cô sinh ra trong gia đình nghèo, bố nghiện rượu thường xuyên bạo hành mẹ. Học xong lớp 8, lớp 9, anh em cô phải nghỉ học đi làm để kiếm sống. Tuy nhiên, công việc khá bấp bênh, lúc thất nghiệp,cả nhà phải nhịn đói là chuyện bình thường chho đến khi cô tìm được một công việc tiếp tân ở một công ty bất động sản. Anchal gắn bó với ngành này như một duyên may và sau đó có hẳn công ty bất động sản cho riêng mình. Cô thuê được căn hộ và giúp em gái cô kết hôn với người yêu. Tuy nhiên, sau đó 5 tháng, em gái cô bị chồng sát hại.
Cuộc hôn nhân do gia đình mai mối của cô chẳng mấy chốc cũng thất bại. Căn nhà mơ ước của cô chuẩn bị xây thì bị trật tự đô thị phá hủy. Sau đó, bố cô bị lao, mẹ cô bị mắc một căn bệnh hiếm gặp ở não. Một mình cô, chạy đôn đáo khắp nơi chăm sóc cho bố mẹ. Cô không hay rằng trong cô cũng đang có một khối u ác tính. Khi phát hiện ra thì cô đã bị ung thư vú giai đoạn 3.
Rất nhiều thử thách nghiệt ngã đã đến với cô, song Anchal không gục ngã, cô vẫn sống lạc quan như sẵn sàng đối diện tất cả mọi phong ba của cuộc đời. Trong một lần đi trên đường, một nhóm trẻ em đến xin tiền cô. Anchal từ chối cho chúng tiền, song lại dẫn tất cả đi ăn. Niềm vui dâng lên trong ánh mắt những đứa trẻ khiến cô hạnh phúc vô ngần. Ngày hôm sau, cô đã tự nấu cơm rồi bỏ vào hộp mang cho lũ trẻ ở khu ổ chuột Rangpuri. Anchal sử dụng tiền tiết kiệm của mình để có thể mang ngày một nhiều hơn các suất ăn đến cho trẻ em nghèo. Sau vài tháng, số trẻ đến với cô ngày một nhiều, Anchal thành lập tổ chức phi chính phủ "Bữa ăn hạnh phúc" để mọi người cùng có cơ hội tham gia đóng góp. Hiện nay tổ chức của cô, có thể cung cấp thức ăn cho 200 trẻ em mỗi ngày.
Tấm lòng của nữ y tá với bệnh nhân nghèo
Sau khi ngất xỉu đột ngột, anh chàng người Mỹ gốc Châu Phi Jonathan Pinkard (27 tuổi) tỉnh dậy trong bệnh viện. Anh biết mình mắc bệnh nghiêm trọng và cần ghép tim. Do không có người thân bảo lãnh nên anh không được vào danh sách những người chờ đợi phẫu thuật.
Trước tình cảnh đó, bà Lori Wood (57 tuổi), y tá chăm sóc anh, đã quyết định làm thủ tục nhận anh làm con nuôi với lý do: "Nếu không được ghép tim thì anh ta chết. Không cần suy nghĩ nhiều, tôi biết đây là việc mình cần làm".
Trước khi mắc bệnh hiểm nghèo, Johnathan làm nhân viên văn phòng, sống ở một căn phòng trọ tập thể dành cho nam giới. Bà ngoại, người giám hộ duy nhất của anh, đã qua đời từ năm 2012. Mẹ anh thì đang sống tại một trung tâm phục hồi nhân phẩm. Bà Lori giải thích thêm: "Sau khi ghép tim, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn và chế độ điều trị của bác sĩ thì ca phẫu thuật mới có thể thành công. Trường hợp không người chăm sóc như Johnathan thì cơ hội phục hồi rất thấp".
Bà Lori đã gắn bó với công việc là y tá ở bệnh viện Piedmont Newna đến nay đã 35 năm. Dù rất yêu nghề nhưng bà luôn phân định ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời tư. Đây là lần đầu tiên trong đời bà phá lệ để cứu sống một bệnh nhân. Bà đã mời Johnathan đến sống cùng gia đình để tiện việc chăm sóc cho anh ấy. Bà đi chợ, nấu ăn, đưa anh ta đi tái khám định kỳ cho đến khi sức khỏe phục hồi. Nhờ bà Lori, Johnathan không chỉ có trái tim mới, mà anh còn có một mái nhà mới. Anh xúc động nói rằng: "Bà Lori xem tôi cũng giống như con ruột của bà vậy".
Một hành động nhỏ lan tỏa đến hàng vạn cuộc đời
Khi còn là một cô gái, lòng tốt của một người lạ đã cứu mạng bà Hilde Back bằng cách giúp bà trốn sang Thụy Điển, thoát khỏi sự tàn bạo của Đức Quốc xã. Nơi cả cha mẹ bà đều chết trong các trại tập trung và bà thì bị cấm đến trường. Khi trở thành giáo viên, bà quyết định sẽ cấp học bổng cho một học sinh không có cơ hội đến trường. Cậu học sinh mà bà bảo trợ đó là Chris Mburu. Mburu lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn Kenya. Gia đình anh nghèo đến nỗi không có khả năng chi trả học phí cho anh tiếp tục học trung học. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Mburu được nhận học bổng từ Thụy Điển. Với sự giúp đỡ quý báu này, Mburu ngày càng tiến xa trên con đường học vấn. Anh tốt nghiệp đại học trong nước và sang Mỹ lấy bằng từ trường Đại học danh tiếng bậc nhất, Trường Luật Harvard.
Nhớ ơn vị ân nhân của mình, năm 2001, Mburu đã thành lập quỹ giáo dục Quỹ giáo dục Hilde Back, mỗi năm giúp đỡ gần 200 trẻ em nghèo Kenya được học hết trung học. Năm 2012, bà Back đã có cơ hội đi du lịch đến Kenya, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình cùng Mburu. Không có bút mực nào tả xiết niềm vui của bà khi thấy một hạt mầm nhân ái ngày nào mình gieo đã nảy mầm, vươn lên trưởng thành tỏa bóng mát cho đời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn