Nuôi heo đất tại nhà tiếp sức cho phụ nữ nghèo

16:52 | 02/11/2015;
Chị Phương đã vận động chị em xây dựng mô hình “Nuôi heo đất tại nhà” để thực hành tiết kiệm, giúp nhau vay để có nguồn vốn để làm ăn.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương là Chi hội trưởng phụ nữ tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Chi hội có 98 hội viên sinh hoạt, trong đó 58 hội viên làm các công việc có thu nhập thấp như phục vụ dịch vụ ăn uống, giải khát, buôn bán nhỏ lẻ... Một vấn đề thực tế là các chị thường bị thiếu vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Trăn trở suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ các chị em giải quyết bớt một phần khó khăn về vốn để sản xuất kinh doanh, chị Phương đã vận động chị em xây dựng mô hình “Nuôi heo đất tại nhà” để thực hành tiết kiệm, giúp nhau vay để có nguồn vốn để làm ăn. Những ngày đầu, chị em không nhiệt tình hưởng ứng khi cho rằng “mình còn khó khăn thì giúp được ai”.

Chị Phương tìm cách thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để chị em hiểu ý nghĩa của việc tiết kiệm và tự bảo nhau “mình khó khăn nhưng nhiều người còn khó khăn hơn”. Từ đó, mỗi ngày đi chợ, các chị đều có ý thức tiết kiệm một khoản tiền nhất định hoặc tiền lẻ thừa cho vào lợn tiết kiệm. Chỉ sau 6 tháng, mô hình đã tiết kiệm được trên 8 triệu đồng, giúp 5 lượt chị vay.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương, Chi hội trưởng phụ nữ tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Từ mô hình “Nuôi heo đất tại nhà”, chị Phương chuyển sang mô hình quỹ “Tín dụng con heo đất” được hầu hết chị em đồng tình hưởng ứng. Sau 4 năm thực hiện, quỹ đã huy động được 20.793.000 đồng. Số tiền trên chưa đáp ứng được nhu cầu vay mượn của chị em nên chị đã mạnh dạn huy động các hội đoàn thể cho quỹ mượn tiền, nhờ đó hàng tháng có 3 chị được nhận tiền vay từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Ngoài việc cho vay để phát triển kinh tế gia đình, quỹ “Tín dụng con heo đất” còn ưu tiên cho hội viên phụ nữ gặp hoạn nạn, đau ốm nặng vay không phải trả lãi trong thời hạn 3 tháng. Đến nay, có 88 lượt chị đã tham gia quỹ tín dụng, tổng dư nợ quỹ đạt gần 38 triệu đồng. Số tiền lãi của quỹ “Tín dụng con heo đất” được dùng để tham gia xây dựng quỹ “Tiếp sức phụ nữ nghèo”, thực hiện công tác hậu phương quân đội, giúp học sinh nghèo vượt khó, thăm hội viên phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo...

Chị Phương còn vận động chị em phát huy tinh thần tương trợ giúp nhau làm kinh tế bằng cách “góp vốn xoay vòng” phát triển thêm nhiều tổ, nhóm. Năm 2011, có 3 tổ, 5 nhóm với 40 chị tham gia, số tiền góp được 480 triệu đồng/năm; đến năm 2014 có 9 tổ, 15 nhóm với 134 chị tham gia, số tiền góp được là 1,458 tỉ đồng/năm. Từ số tiền đó, hàng tháng có 15 chị được nhận tiền góp vốn từ 10 triệu đến 13 triệu đồng. Sau 4 năm huy động tiền “góp vốn xoay vòng”, số tiền đã lên gần 4 tỉ đồng.

Chị Phương tự hào: Từ việc “nuôi heo đất tại nhà” đến việc “góp vốn xoay vòng” không chỉ tạo quỹ hỗ trợ cùng Nhà nước thực thi chính sách giảm nghèo bền vững, mà còn có ý nghĩa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, góp phần giảm nghèo tại khu dân cư, nâng cao thu nhập cho chị em, từ đó thu hút chị em tham gia hoạt động Hội và các phong trào xã hội tại địa phương.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn