Chiều ngày 5/10, BV Phụ sản TƯ đã công bố nuôi dưỡng thành công cặp song sinh 500gram ở tuần thai thứ 25. Đây là cặp song sinh non tháng, nhẹ cân nhất lần đầu tiên được nuôi dưỡng thành công tại BV.
Theo TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (BV Phụ sản TƯ), giữa tháng 5/2022, mẹ bé là N.T.H. (26 tuổi, trú tại huyện Ứng Hoà, Hà Nội) có biểu hiện vỡ ối nên nhập viện. Khi đó, sản phụ mang thai 25 tuần tuổi, mắc Covid-19.
Được biết, sản phụ có tiền sử thai lưu. Do đó, sản phụ đã phải thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng cũng phải 2 lần mới có thai.
Khi sản phụ có biểu hiện vỡ ối, gia đình nhanh chóng đưa đến BV Phụ sản TƯ để cấp cứu. Tại BV, sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng của mẹ và thai nhi, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai.
Sau hơn 1 tiếng thực hiện, kíp mổ đã đón 2 bé, 1 trai 1 gái, mỗi bé chỉ nặng 500g. "Sinh con ở tuần thai quá sớm, gia đình không nghĩ 2 bé có thể vượt qua. Vì thế, gia đình đặt tạm tên con là Nguyễn A, Nguyễn B", bác sĩ Trác chia sẻ.
Ngay khi sinh, 2 bé đã thở nấc, phải đặt nội khí quản, thở máy tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh. Quá trình chăm sóc bé phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối và đòi hỏi sự tỉ mỉ của nhân viên y tế.
Bác sĩ Trác cũng cho biết, trong 6 ngày đầu sau sinh, 2 bé chỉ ăn 1ml/bữa. Sau 2 tuần, các bé ăn tăng lên 6ml và sau 23 ngày tăng 10ml/bữa.
Hiện tại, 2 bé đã thở khí trời, ăn được 700ml sữa trong ngày. Bé gái đã nặng 3,1kg, bé trai nặng 3,6kg, tương đương với tuần thai 41 tuổi.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ đã loại trừ một số biến chứng như xơ phổi, mắt, tim mạch. Các biến chứng khác có thể cũng không xảy ra, vì bé vận động tốt, chân đạp, biết cười Vì vậy, chiều ngày 5/10, hai bé sẽ được về với gia đình. Trước khi xuất viện, nhân viên y tế đã hướng dẫn bố mẹ bé masage, chăm sóc 2 bé và hẹn tái khám định kỳ.
Những nguy cơ trẻ sinh cực non phải đối diện và lời khuyên của chuyên gia
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, cho biết, BV từng nuôi dưỡng thành công những trẻ sơ sinh chỉ nặng 400g-600g. Tuy nhiên, đây là cặp song sinh đầu tiên chỉ nặng 500g nuôi sống được thành công.
Cụ thể, năm 2021, BV đã nuôi sống em bé sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam, chào đời khi mới 27 tuần thai trọng lượng 400g. BV cũng từng nuôi sống 3 bé sinh non nặng 500g, 5 trẻ sinh non 600g. Tuy nhiên đó là trường hợp sinh đơn lẻ, không phải sinh đôi.
Còn theo TS. Trác, trẻ sinh trước tuần thai 28 được được xem là sinh cực non và xếp vào nhóm nhẹ cân. Các bé sinh cực nong cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng, bởi thời điểm này, các cơ quan từ gan, não, hô hấp, tuần hoàn, miễn dịch của trẻ đều rất non yếu và dễ bị tổn thương.
Trong đó, 8 nguy cơ có thể xảy ra với trẻ, bao gồm: Ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, phổi, khó khăn nuôi dưỡng do dễ viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu… Những nguy cơ này có thể xảy ra 2-3 ngày sau sinh.
Về lâu dài, trẻ có thể kể đến như bại não hoặc tàn tật giảm vận động; tăng động, xơ phổi, bệnh lý võng mạc, tỷ lệ đột tử cao, dễ bị nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, béo phì, còi xương…
Về nguyên nhân khiến sản phụ sinh cực non, các chuyên gia cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ sinh cực non với sản phụ. Cụ thể, những phụ nữ có tiền sử từng bị sảy thai; phai phụ mang đa thai có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng sinh cực non. Bởi lẽ, đa số những phụ nữ mang đa thai thường là những trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Những trường hợp này cũng cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mẹ bầu và thai nhi, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ sinh non.
Ngoài ra, khoảng cách giữa những lần mang thai quá gần nhau cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non; Thai phụ bị nhiễm trùng vùng kín; Thai phụ gặp phải một số vấn đề ở tử cung hoặc ở nhau thai, mắc một số bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp cao hoặc bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ sinh cực non.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa nguy cơ sinh cực non, chị em cần chăm sóc bản thân để luôn khỏe mạnh trước và trong khi mang thai. Nên có chế độ ăn nhiều dinh dưỡng và lưu ý khám thai định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và xử trí kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn