Theo kết quả điều tra về Gia đình Việt Nam do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc thực hiện, trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ chồng trong độ tuổi từ 22-30. Trong đó, trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con.
Cha mẹ ly hôn, trẻ bị xáo trộn tâm lý, cuộc sống, đến cả thói quen (ảnh minh hoạ) |
Cha mẹ ly hôn đồng nghĩa với cuộc sống của con trẻ bị xáo trộn từ tâm lý, cuộc sống, điều kiện vật chất đến cả những thói quen. Nhiều trẻ bị sốc, dẫn đến những hành động tiêu cực và vô cùng đáng tiếc. Như em gái Phạm Thị Quyên Ng. (sinh năm 2001) ở Hà Nội hay một em trai 16 tuổi ở Đắc Lắc đã thắt cổ tự tử hồi tháng 10 năm ngoái vì cha mẹ ly hôn. Nhiều trường hợp khác, khi bố mẹ ly hôn, con cái sống lang thang, bơ vơ, học hành sa sút, dễ mắc vào những tệ nạn xã hội…. Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ đang chuẩn bị ly hôn hoặc đã ly hôn cần phải có hướng giáo dục con để chúng mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực vượt qua giai đoạn này.
Gần gũi con trẻ
Khi cha mẹ ly hôn, con cái đều cảm thấy rất lo lắng, sợ hãi. Trẻ có thể thay đổi tâm tính, cách ăn nói, hành động theo hướng tiêu cực ví như trẻ bị stress nặng, tự kỷ, trầm cảm, cáu giận hoặc có xu hướng thích bạo lực hơn. Thay vì chỉ đối xử với bé như một người cha/ người mẹ, hãy trở thành một người bạn thân của con để thấu hiểu mọi nỗi niềm đang chất chứa trong con.
Đặc biệt khi gia đình tan vỡ, con trẻ cảm thấy rất cô đơn, rất ít hoặc hầu như không nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của bố mẹ. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho con để động viên tinh thần, giúp con cố gắng trong học tập, chia sẻ cùng con những nỗi buồn mà con đang phải đối mặt.
Đừng nói xấu "nửa kia" với trẻ (ảnh minh hoạ) |
Đừng nói xấu về cha/mẹ của bé
Nhiều người muốn “tiêm” vào đầu con những ấn tượng, lời lẽ không tốt về cha/mẹ để tìm “đồng minh”. Đây là hành động nông cạn, gây nên những tác động vô cùng xấu với trẻ. Trong suy nghĩ của trẻ sẽ luôn hiện hữu hình ảnh một người cha hoặc một người mẹ thật tồi tệ, trẻ sẽ có những hành động coi thường, thậm chí là hỗn láo với người đã sinh ra chúng. Bạn chỉ nên nói với con rằng, bố mẹ không còn chung sống thì vẫn chăm sóc, yêu thương con. Nên lịch thiệp, rộng lượng khi chồng cũ/ vợ cũ đến thăm con hoặc muốn dành cho con những cử chỉ yêu thương, chăm sóc.
Đừng bắt con vội chấp nhận "người mới" (ảnh minh hoạ) |
Đừng bắt trẻ vội chấp nhận “người mới”
Đừng chọn thời điểm nhạy cảm này để “giới thiệu” và bắt con phải chấp nhận sự có mặt của “người mới”. Khi trẻ đã lấy lại được thăng bằng tâm lý mới nên làm điều này. Sự vội vã, nóng lòng muốn trẻ có tình cảm với “người mới” của bạn có thể khiến bạn phải tổn hao nhiều công sức, thời gian hơn mà không nhận được những tín hiệu “tích cực” từ trẻ.