Ợ hơi là một chức năng tự nhiên của cơ thể giúp giải phóng không khí dư thừa từ dạ dày. Mặc dù ợ thường không có mùi hoặc chỉ có mùi nhẹ nhưng trong một số trường hợp ợ hơi có thể gây mùi khó chịu, nhiều người cho rằng họ cảm thấy như mùi trứng thối.
Ợ hơi có mùi là do khí chứa trong dạ dày có chứa hydro sunfua (nguồn tạo ra mùi trứng thối) cũng như hỗn hợp nitơ, carbon dioxide, oxy, hydro và thậm chí một lượng nhỏ khí metan. Đây là một tình trạng phổ biến có thể gây ra sự khó chịu và mất tự tin trong giao tiếp xã hội.
Ợ hơi có mùi có thể chỉ do ảnh hưởng từ chế độ ăn uống nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn hoặc rối loạn tiêu hóa.
Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ợ hơi có mùi hôi. Việc ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn hoặc tiêu thụ quá nhiều các loại thức ăn có mùi hôi như tỏi, hành, cá, thịt đỏ, trứng và các loại gia vị mạnh có thể làm tăng khí thải từ dạ dày, gây ra ợ hơi có mùi khó chịu.
Ngoài ra, những bữa ăn có nhiều bơ, dầu và các chất béo khác cũng là một nguyên nhân khác gây ra chứng ợ hơi có mùi. Thực phẩm giàu chất béo có xu hướng đọng lại trong dạ dày của bạn lâu hơn và dạ dày sẽ phải tiêu hóa lâu hơn, điều này làm tăng khả năng bị ợ chua sau đó. Khi thức ăn từ từ đi qua đại tràng, vi khuẩn trong ruột sẽ ăn hết tinh bột và đường, tạo ra sản phẩm phụ là khí hôi thối.
Hơn nữa, nếu chế độ ăn uống của bạn có quá nhiều chất xơ thì cũng có thể gây ra hiện tượng ợ hơi có mùi. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt chia, đậu và đậu Hà Lan có thể dẫn đến đầy hơi và ợ hơi có mùi ở một số người.
Tuy nhiên, chất xơ có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ như cải thiện tiêu hóa; kiểm soát lượng đường trong máu, mức cholesterol và giúp bạn có cảm giác no sau khi ăn, từ đó có thể giúp bạn giảm hoặc duy trì cân nặng.
Việc bổ sung chất xơ sẽ cho bạn nhiều lợi ích hơn là một số phản ứng phụ như ợ hơi có mùi. Do vậy, bạn vẫn cần bổ sung đầy đủ chất xơ trong mỗi bữa ăn.
Mỗi ngày nên bổ sung bao nhiêu chất xơ? Theo Healthline, lượng chất xơ cần bổ sung cụ thể là:
- Phụ nữ dưới 50 tuổi: 25 đến 28 gram mỗi ngày
- Đàn ông dưới 50 tuổi: 31 đến 34 gram mỗi ngày
- Phụ nữ từ 51 tuổi trở lên: 22 gram mỗi ngày
- Đàn ông từ 51 tuổi trở lên: 28 gram mỗi ngày
Trẻ em từ 1 đến 18 tuổi nên ăn 14 đến 31 gram chất xơ mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Nếu bạn ợ hơi có mùi kèm theo là hàng loạt triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa như đầy hơi, chuột rút, tiêu chảy, táo bón và thậm chí buồn nôn thì bạn có thể mắc chứng không dung nạp thức ăn.
Không dung nạp thực phẩm là tình trạng một người không tiêu hoá được một số loại thực phẩm cụ thể vì họ không có các enzyme cần thiết để phân hủy chúng, chẳng hạn như thức ăn có gluten (một tập hợp protein có trong lúa mì và một số loại ngũ cốc) hoặc lactose (một loại đường có trong sữa).
Ợ hơi có mùi cũng có thể là triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hoá do Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
Mặc dù nhiễm trùng đường tiêu hoá do vi khuẩn Helicobacter pylori thường vô hại nhưng khi vi khuẩn phát triển, chúng có thể gây ra chứng ợ hơi và đau bụng thường xuyên. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiêu hoá do HP có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
Nếu tình trạng ợ chua của bạn đi kèm với đau bụng dữ dội hoặc liên tục, nôn mửa, phân có máu hoặc màu đen thì bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám.
Sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non, hay còn gọi là SIBO có thể gây ra ợ hơi có mùi và đầy hơi vì vi khuẩn dư thừa tạo ra lượng lớn khí hydro, metan và hydro sunfua trong ruột non.
Thông thường, ruột non của bạn tương đối ít vi khuẩn so với ruột già, nhưng sự gia tăng vi khuẩn có thể khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng và dẫn đến ợ chua cũng như đau bụng, chướng bụng, chuột rút, tiêu chảy phân nước.
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit trào lên thực quản, khí mà vi khuẩn thải ra trong quá trình tiêu hóa cũng đi vào thực quản của bạn, điều này có thể khiến bạn ợ hơi có mùi đặc biệt khó chịu.
Ngoài ợ hơi có mùi, người bị trào ngược dạ dày còn cảm thấy ợ nóng hoặc chua, nuốt vướng, đau vùng thượng vị, buồn nôn, đắng hoặc hôi miệng, ho.
Ợ hơi có mùi kèm theo đó là tình trạng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc đau bụng cũng có thể cho thấy bạn đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ: bạn có thể mắc hội chứng ruột kích thích (IBS), gây đau bụng mãn tính và thay đổi thói quen đại tiện hoặc làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày (hay còn gọi là liệt dạ dày), khiến dạ dày của bạn mất nhiều thời gian hơn bình thường để chuyển thức ăn xuống ruột non.
Một số loại thuốc, như các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống vi khuẩn và thuốc kháng axit, cũng có thể gây ra hiện tượng ợ hơi có mùi hôi. Hãy thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gây ra mùi hôi từ ợ hơi khi sử dụng thuốc.
Để khắc phục tình trạng ợ hơi có mùi thì điều cần thiết là phải xác định được nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một vài lời khuyên giúp cải thiện tình trạng ợ hơi có mùi:
Điều chỉnh thói quen ăn uống là một cách hiệu quả giúp giảm ợ hơi có mùi hôi. Bạn hãy cố gắng ăn chậm, nhai kỹ thức ăn và tránh tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm có mùi. Ngoài ra, hạn chế uống các loại đồ uống có ga và rượu, vì chúng có thể tăng độ axit trong dạ dày và gây ra mùi hôi khi ợ hơi.
Ngoài ra, một số loại rau củ như cây cúc, cây ngò, và cây mùi tây có tác dụng giúp loại bỏ mùi hôi từ dạ dày. Thêm những loại rau củ này vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp cân bằng hệ vi sinh trong dạ dày và giảm mùi hôi khi ợ hơi.
Có một số phương pháp điều trị tự nhiên có thể giúp giảm mùi hôi khi ợ hơi như:
- Uống trà bạc hà vừa hỗ trợ tiêu hóa lại có thể làm giảm chứng hôi miệng hoặc ợ hơi có mùi hôi. Các loại trà thảo dược khác như trà xanh và trà hoa cúc cũng có thể giúp ích.
- Uống nhiều nước trong ngày. Để hỗ trợ tiêu hóa khoẻ bạn nên uống một ly nước đầy trước mỗi bữa ăn.
- Các hoạt động như đi bộ có thể giúp khí di chuyển trong cơ thể ra nhanh hơn.
- Bổ sung probiotic, đây là thực phẩm và sản phẩm có chứa vi khuẩn sống, có lợi cho sức khỏe tổng thể và tiêu hóa. Probiotic có thể hữu ích nếu vi khuẩn trong đường tiêu hóa của bạn bị rối loạn.
Nếu bạn ợ hơi có mùi do một số bệnh lý tiêu hoá như trào ngược dạ dày thực quản thì bạn có thể sử dụng thuốc như thuốc giảm axit và bổ sung enzyme tiêu hóa. Những loại thuốc này này giúp điều chỉnh mức axit trong dạ dày và cải thiện tiêu hóa, hạn chế tình trạng ợ hơi có mùi. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Ợ hơi có mùi thường không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như trong giao tiếp của người mắc phải tình trạng này. Do đó, chủ động phòng ngừa là điều tốt nhất để giúp bạn cảm thấy tự tin cũng như tạo sự thoải mái:
Để ngăn ngừa tình trạng ợ hơi có mùi, việc cần thiết là phải chú ý đến chế độ ăn của bạn. Một số thực phẩm được biết đến là gây ợ hơi có mùi bao gồm rau giàu lưu huỳnh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có ga, và rượu. Bằng cách tránh những thực phẩm này hoặc tiêu thụ chúng một cách hạn chế, bạn có thể giảm thiểu sự xuất hiện tình trạng ợ hơi có mùi.
Việc tập thể dục thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tiêu hóa khoẻ mạnh. Tham gia vào các hoạt động thể chất sẽ giúp kích thích tiêu hóa, giảm phình, và giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của tình trạng ợ hơi có mùi. Một số bài tập bạn có thể tập luyện hàng ngày như đi bộ, bơi lội, đạp xe.
Uống đủ nước suốt cả ngày giúp duy trì một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Điều này có thể giúp cải thiện tình trạng khó tiêu hoặc mùi hôi khi ợ. Mỗi ngày bạn nên duy trì uống khoảng 2 lít nước cũng như bổ sung các nguồn chất lỏng khác như canh, nước ép,...
Stress cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu hóa và góp phần gây ra tình trạng ợ hơi có mùi. Bạn có thể tập yoga, thiền, chia sẻ với bạn bè để giữ tinh thần thoải mái, từ đó sẽ giúp bạn có một sức khoẻ tổng thể tốt và sức khoẻ tiêu hoá khoẻ mạnh.
Hầu hết các trường hợp ợ hơi có mùi đều không nguy hiểm nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh bảo một số tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng. Do đó, nếu ợ hơi có mùi kèm theo một số triệu chứng dưới đây, bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm:
- Khó nuốt
- Đau bụng dữ dội
- Phân có máu
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
Trên đây là một số thông tin chi tiết về hiện tượng ợ hơi có mùi, bao gồm nguyên nhân, cách khắc phục và phòng ngừa. Nếu bạn thường xuyên gặp triệu chứng này và bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dù đã cố gắng khắc phục nhưng không có kết quả thì bạn nên đến bệnh viện thăm sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn