Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vừa công bố trên website kết quả kiểm tra một số điểm kinh doanh sản phẩm Tết tại Hà Nội và Hòa Bình.
Theo đó, ô mai mơ chua ngọt (mẫu sản xuất 17/11/2015; hạn sử dụng 17/11/2017) của Công ty cổ phần Hồng Lam (địa chỉ Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, hàm lượng saccharin công bố ≤200 mg/kg, nhưng kết quả kiểm nghiệm là 1.336 mg/kg; hàm lượng cyclamate công bố ≤1.000 mg/kg, kết quả kiểm nghiệm tới 8.310 mg/kg.
Saccharin và cyclamate là các loại chất tạo ngọt, đường hóa học được phép sử dụng trong thực phẩm. Tài liệu của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM cho hay, một số công trình nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng liều cao saccharin trong thời gian dài có thể gây ung thư. Vì thế để đảm bảo an toàn, mức độ sử dụng hằng ngày chấp nhận được của con người đối với saccharin là 2,5 mg trên một kg thể trọng.
Ô mai mơ chua ngọt bị phát hiện có chất tạo ngọt vượt ngưỡng cho phép |
Đường hóa học cyclamate trước đây bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Từ năm 2013, chất này được cho phép sử dụng. Hiện nay, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex) đưa cyclamate vào Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng đối với một số nhóm thực phẩm. Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, cyclamate được xếp vào nhóm 3, là chất không phân loại vào nhóm gây ung thư cho người.
Hồng Lam là công ty lớn, sản phẩm có mặt ở gần như tất cả các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc, có hệ thống khá nhiều cửa hàng riêng... Thương hiệu ô mai Hồng Lam đã thuộc với người dân từ nhiều năm nay.
Facebooker Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: "Các mẹ thông báo rộng rãi đến cho người thân, bạn bè được biết để phòng tránh nhé. Kinh khủng quá, mai đang định mua ô mai từ Hà Nội về làm quà Sài Gòn cơ đấy".
Tài khoản Kent Le than thở: "Trời ơi, em vừa mới mua 20 hộp ô mai đem qua Anh làm quà Tết, giờ lại phải đem đi vứt rồi". James Doan đặt câu hỏi: "Tết này nên ăn gì?". Còn Hoàng Lệ Quyên cho rằng: "Tốt nhất nên tự làm mứt ăn".
Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình với những ý kiến trên. Facebooker Bê Blu Sao viết: "Sao mọi người không đọc kỹ mà loạn hết lên thế không biết. Chỉ có 1 loại ô mai không đạt chuẩn thôi mà vơ hết cả Hồng Lam vào là sao?"
Bên cạnh ô mai Hồng Lam, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 sản phẩm không đạt chất lượng:
Kim chi cải thảo cắt lát (sản xuất 2/1/2016, hạn sử dụng 1/4/2016) không đạt về chỉ tiêu coliforms (1,3x102 CFU/g). Sản phẩm này của Công ty cổ phần CJ Foods Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP HCM.
Ô mai mơ cam thảo (sản xuất 5/12/2015, hạn sử dụng 5/12/2016), sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát, Long Biên, Hà Nội; không đạt về chỉ tiêu cyclamate (natri cyclamate 1595 mg/kg).
|