Chị Đinh Thu Hồng, giáo viên tại trường tiểu học Mount Zion thuộc tiểu bang Georgia (Mỹ) |
Chị Đinh Thu Hồng, giáo viên tại trường tiểu học Mount Zion thuộc tiểu bang Georgia (Mỹ): "Giáo viên Mỹ mặc quần đùi dạy học có thể bị kỷ luật"
Tôi không đồng tình với trang phục của GS Thành khi lên giảng đường bởi ngay tại Mỹ, một quốc gia được cho là khá cởi mở, không phải giáo viên muốn mặc thế nào trước học sinh cũng được.
Các trường phổ thông ở Mỹ đều có quy định về trang phục của giáo viên (dress code) với nhiều nội dung chặt chẽ như: Phải đi giày có mũi, không được đi sandal bệt. Ai muốn đi giày thể thao hay giày hở mũi phải có giấy của bác sĩ vì lý do bệnh hay tai nạn...
Giáo viên nữ không được mặc váy quá ngắn, áo không được xẻ cổ sâu. Giáo viên nam mặc áo sơmi hoặc áo có cổ. Giáo viên không được mặc quần bó, không được mặc quần jeans, trừ khi được cho phép hoặc trong một số sự kiện ngoại khóa.
Đặc biệt, phong cách ăn mặc của giáo viên là yếu tố đánh giá tính chuyên nghiệp của giáo viên đó. Ngay cả ở bậc ĐH, trang phục của giảng viên cũng vẫn phải quy củ, có chăng chỉ một số sinh viên ăn mặc “thoáng” hơn nhưng vẫn trong phạm vi chấp nhận được. Rất ít sinh viên mặc áo ngắn, quần cộc lên giảng đường vì làm như vậy là không tôn trọng giảng viên.
Ở Mỹ, nếu giáo viên mặc quần đùi như trường hợp GS Trương Nguyện Thành là có thể bị kỷ luật theo các mức cảnh cáo vài lần, bị đánh giá trong hồ sơ giáo viên rồi nếu tái phạm sẽ bị đuổi việc.
Để có thể hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra gây tranh cãi không đáng có, các trường ở Việt Nam nên có quy định chặt chẽ về trang phục của giảng viên và học sinh khi đến trường, in trong sổ tay và phát cho giảng viên, sinh viên.
Chị Nguyễn Dương, tốt nghiệp ĐH Lapland University of Applied Sciences ở Phần Lan và Augsburg University of Applied Sciences ở Đức |
Chị Nguyễn Dương, tốt nghiệp hai trường ĐH Lapland University of Applied Sciences ở Phần Lan và Augsburg University of Applied Sciences ở Đức: "Kiến thức của thầy quan trọng hơn trang phục"
Tôi không cổ vũ giảng viên ăn mặc như vậy. Ở những trường mà tôi từng học tại nước ngoài, giảng viên và sinh viên ăn mặc khá thoải mái, đơn giản nhưng ở lớp tôi chưa thấy có thầy giáo nào mặc quần đùi như vậy.
Nếu giảng viên thường xuyên chọn trang phục không phù hợp lên lớp thì cần bị lên án, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn dạy sinh viên minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo như GS Trương Nguyện Thành thì có thể chấp nhận được.
Người thầy làm vậy có thể để tạo điểm nhấn và hiệu ứng tác động lớn lên sinh viên. Cá nhân tôi, tôi không câu nệ giảng viên phải quần trùng áo dài nhưng nếu mặc như vậy sẽ lịch sự hơn.
Giữa trang phục và kiến thức, tôi đề cao kiến thức của người thầy hơn. Đôi khi giảng viên giỏi thì cá tính hoặc có cách tiếp cận, thể hiện hơi khác biệt.
GS Trương Nguyện Thành: "Lớp đầu tiên của “Lộ trình sáng tạo” là ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM vào giữa năm 2016. Lúc ấy tôi phát cho mỗi sinh viên một chiếc áo thun và nói với các em tự sáng tạo với cái áo ấy. Phần lớn các em chỉ dám vẽ lên áo, có vài em “táo bạo” chút thì cắt nhiều lỗ nhỏ trên áo. Tôi nói với sinh viên là làm như thế thì có gì khác lạ lắm đâu. Người ta thường nghĩ cái áo thun thì phải đều 2 tay, phải che rốn. Thế thì tôi cắt tay áo không đều nhau và khoét chỗ rốn thành cái lỗ vuông. Bộ trang phục đó cũng được tôi sử dụng trong một thời gian ngắn để minh họa cho bài giảng. GS Thành đang sử dụng liệu pháp sốc (shock therapy), kèm câu nói “Không có gì làm rào cản trong tư tưởng” để gây chú ý với sinh viên". |
Ban giám hiệu Đại học Hoa Sen khẳng định: GS Trương Nguyện Thành không mặc quần đùi lên giảng đường. Hình ảnh xuất hiện trên mạng chỉ là ví dụ trực quan trong sân chơi tư duy sáng tạo ở khóa học Innvation Roadmap (Lộ trình sáng tạo) diễn ra vào ngày 22 và 23/4/2017. Cụ thể, GS Trương Nguyện Thành đã lấy chính mình làm công cụ trực quan. Bộ quần áo như là đạo cụ để phục vụ cho kịch bản trên sân khấu, với mục đích truyền thông điệp, nguồn cảm hứng đến cho sinh viên. Đây là phương pháp sáng tạo mà các giáo viên, giảng viên trên thế giới đã thực hành và rất hiệu quả. |