Ở nơi 'nhường' Tết cho khách du lịch

12:55 | 07/02/2019;
Ngày Tết, lượng khách đổ về khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tăng đột biến. 25 năm làm nghề chèo đò, chị Thảo đã quen với việc này. Gia đình chị cũng như hơn 1.000 chủ đò ở đây dường như không có Tết. Tất cả tập trung tại bến thuyền bởi mùa mưu sinh cao điểm bắt đầu.

Chị Thảo là một “hộ đò”. Chị vốn là con gái ở trung tâm thành phố Ninh Bình. Về làm dâu ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) từ 25 năm trước. Nhà chị cách bến thuyền khu du lịch Tam Cốc khoảng hơn 100 mét. Cũng như các hộ dân trong thôn. Khi các vạt ruộng hai bên dòng Tam Cốc được trưng dụng vào phục vụ du lịch nhà chị được phân bổ “một số thuyền” (mỗi hộ khẩu được phát một số thuyền, không phân biệt số người trong sổ hộ khẩu). Ngay sau khi cưới chồng, chị đã tham gia vào đội quân chèo đò phục vụ du khách cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình.

tam-coc-2.jpg
Lối nói chuyện hài hước của chị Thảo khiến quãng đường hơn 7 km cả đi lẫn về trở nên hấp dẫn hơn

 

Chúng tôi đón được đò của chị Thảo khi vừa đến lượt. Chị chủ động làm quen và giới thiệu thông tin về khu du lịch cho khách. Mấy chục năm làm nghề chèo đò, cũng như hầu hết các lái đò nơi đây, chị Thảo tự trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp với khách du lịch. Lối nói chuyện hài hước của chị khiến quãng đường hơn 7 km cả đi lẫn về trở nên hấp dẫn hơn. Lúc đò ngang hang Cả, chiếc hang đầu tiên cũng là dài nhất trong số 3 hãng động ở Tam Cốc, một bạn đò đi ngang qua bất ngờ hỏi “Đã biết cổng nhà bà ngoài chưa?”, chị Thảo đáp lại: “11h đêm hôm qua rồi”. Hoá ra, ngày 30 và mùng Một Tết, chị Thảo và các bạn đò phải có mặt ở bến từ 6h sáng đến chiều tối.

tam-coc-5.jpg
Ngày Tết, lượng khách tham quan đổ về khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tăng đột biến

 

Chị kể, ngày Tết, ở đây các gia đình hầu như phải dậy thật sớm. 5h sáng đã xong cơm cúng để mời các cụ. “6 giờ sáng gõ kẻng mời các cụ về hưởng thụ cho con cháu còn đi làm. Các cụ ở đây khi sống cũng làm nghề chèo đò nên giờ con cháu có đánh thức sớm để mời về nhà thì chắc cũng thông cảm”. Nhà chồng cách nhà đẻ có 15km nhưng có khi 6 tháng chị mới về thăm mẹ được một lần. “Ở đây, có khi đang cúng các cụ mà nghe tiếng kẻng ngoài bến gọi là phải bỏ đó mà chạy ra. Không nhanh thì ban điều hành không chờ mà sẽ phát số đò cho người khác, là mất lượt”.

Thời gian cao điểm, mỗi đò cứ hai ngày được nhận một chuyến. Ngoài những chuyến “định mức”, những người chèo đò chuyên nghiệp như chị Thảo sẽ nhận chèo “hộ” những nhà có đò mà thiếu người chèo hoặc những ai bận bịu có việc phải nghỉ. Mỗi chuyến nhận như vậy sẽ được nhận 1/2 tiền công.

Đội quân chèo đò giờ mấy năm trở lại đây hầu hết chỉ còn toàn “ông già bà già và gái chửa”. Thanh niên trong thôn không mấy mặn mà với nghề này. “Cánh trẻ đi tìm các công việc ổn định ở khu công nghiệp”, chị Thảo cho biết. Làm nghề dịch vụ, trẻ là một lợi thế ngay cả khi lái đò. Nhiều khách ngoại quốc, lúc xuống bến đò chỉ chăm chăm chọn đò có cô lái trẻ. Rất may là ở đây khách không được chọn chọn đò mà đò cũng không được chọn khách nên các đò đều được phân bổ “nốt” như nhau. Đối với người dân ở đây, việc mỗi gia đình có một số đò được coi là “lộc của làng” do đó những người chèo đò không ngại việc phục vụ du khách. Đã có đò là phải có người phục vụ. Ở đây chiếc đò còn là phương tiện để phục vụ sản xuất nên một công đôi việc.

Từ năm 2015, sau khi khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được bàn giao cho doanh nghiệp Xuân Trường quản lý, đội quân chèo đò của thôn Văn Lâm tham gia hoạt động phục vụ khách du lịch do Xuân Trường quản lý. Người dân tự chủ trong việc sắm đò, chính quyền thôn quản lý việc cấp số đò. Mỗi chuyến đò, người chở đò sẽ được nhận khoản công là 150 nghìn đồng.

Trong khi khách du lịch khi đến Tam Cốc – Bích Động đa số đều sẵn lòng bỏ tiền mua vé để được tham gia tour tham quan trên dòng sông Ngô Đồng thì người lái đò đều có cảm cảm giác ái ngại thay cho khách vì… giá vé ngắm cảnh 120 nghìn một khách là cao quá. Theo người dân nơi đây, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động sau hơn 40 năm khai thác vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, không có sự can thiệp nhân tạo do đó nên giảm giá vé ngắm cảnh để thu hút thêm khách du lịch.

 

tam-coc-3.jpg
Ông Chu Văn Dư, Trưởng thôn kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã Văn Lâm, cho biết, tốc độ thay đổi của thôn Văn Lâm trong mười mấy năm gần đây khá mạnh mẽ

 

Đổi đời nhờ du lịch

Con đường chính xuyên qua thôn Văn Lâm hôm nay còn sầm uất hơn nhiều thị trấn. Dọc hai bên đường là các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch. Theo ông Chu Văn Dư, Trưởng thôn kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã Văn Lâm, tốc độ thay đổi của thôn Văn Lâm trong mười mấy năm gần đây khá mạnh mẽ. Thôn Văn Lâm hiện có số dân 3700 với hơn 1260 hộ gia đình. Đường làng ngõ xóm phong quang. Khoảng hơn 8 km đường thôn xóm đều được trải bê tông rộng rãi.

tam-coc-6.jpg
Hơn 8km đường thôn xóm đều được trải bê tông rộng rãi

 

Ông Dư cho biết, tỉnh Ninh Bình chọn thôn Văn Lâm là điển hình kiểu mẫu thực hiện phong trào nông thôn mới. Bốn tiêu chí được tỉnh giao cho thôn thực hiện là đường điện thắp sáng, cổng chào thôn, hoa trên đường và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên tiêu chí thứ tư thôn chưa làm được thường xuyên.

Người dân Văn Lâm ngoài hoạt động nông nghiệp còn có nghề truyền thống khá nổi tiếng là thêu ren. Sản phẩm của thôn hiện được lan toả đi khắp thế giới nhờ du khách quốc tế. Dịch vụ du lịch là nguồn thu khá ổn định trong đó có hai mảng chèo thuyền phục vụ du khách thăm quan thắng cảnh Tam Cốc và dịch vụ home stay. Những người như chị Thảo khi không chở  khách thì lại quay sang hoàn thiện các sản phẩm thêu ren.

Từ năm 2018, nhằm quảng bá đẩy mạnh hoạt động du lịch, tỉnh Ninh Bình quyết định tổ chức và duy trì tuần lễ “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An” vào dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch. Mọi năm khu vực cánh đồng dọc bờ sông Ngô Đồng được gieo xạ. Năm nay để phục vụ cho hoạt động này huyện Hoa Lư quyết định hỗ trợ giống cho mỗi hộ dân có ruộng trong khu vực 20 héc ta, và thống nhất một loại giống để đồng trà lúa chín.  Trước đây, dân gieo trồng tự phát nên sử dụng nhiều loại giống, có loại dài ngày, loại ngắn ngày nên lúa chín không đều.

Theo ông Dư, trước kia, khi Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm dưới sự quản lý của Công ty du lịch Ninh Bình thì công tác động viên hỗ trợ người dân tốt hơn. Mỗi năm thôn được hỗ trợ từ 10 đến 12 triệu đồng để phục vụ công tác điều tiết nước trong mùa nước cạn, duy trì mức nước cần thiết phục vụ thắng cảnh và công việc chèo đò đỡ vất vả. Tuy nhiên, từ năm 2015, bàn giao cho doanh nghiệp Xuân Trường quản lý, khoản hỗ trợ này không còn nên khá khó khăn.

tam-coc-4.jpg
 

Trong lúc ông Trưởng thôn đang chia sẻ về hoạt động của thôn thì một người khách vào chúc tết. Đó là ông Đinh Trường Sinh, nguyên Chủ tịch xã Ninh Hải hiện đang công tác tại Đảng uỷ khối doanh nghiệp của tỉnh Ninh Bình. Vui chuyện, ông Sinh cũng góp chuyện.

Năm 2001, Dự án đầu tư trùng tu nâng cấp có kinh phí 198 tỷ được cấp cho khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Những năm đó, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là khâu khó khăn nhất. Ông Sinh tự hào chia sẻ, 9 năm tham gia công tác này nhưng ở khu vực này không hề có một đơn thư khiếu kiện nào.  Ông nhớ lại thời kỳ làm Chủ tịch xã “Có hai cuộc giải phóng mặt tưởng rằng khó nhất. Đó là đường vào đền Thái Vi và chỗ Tai Voi (Bích Động),  lúc đó phải giải phóng hơn 100 hộ. Có thông tin là có nhiều đối tượng chống đối. Trước lúc gặp dân, đoàn làm việc chỉ mong muốn may mắn lắm thì ký được 50%. Sau khi lắng nghe ý kiến của dân và giải đáp các thắc mắc, kết quả đạt được thật bất ngờ: 85% số hộ thuộc hai khu vực này đồng ý ký vào biên bản giải phóng mặt bằng”. Theo ông Sinh, thành công này có được là nhờ công tác dân vận. Do đó, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động mới có được diện mạo mới làm tiền đề cho quy hoạch phát triển như hiện nay.

tam-coc-1.jpg
 

Nhờ tiềm năng du lịch, không chỉ có người trong độ tuổi lao động được hưởng mà từ trẻ em đến người già nơi đây đều được hưởng lợi. Mỗi lứa tuổi lại có những sản phẩm du lịch phù hợp để phục vụ du khách. Người dân các thôn, xã lân cận cũng được hưởng lợi gián tiếp. Trước đây, con cua con tôm đánh bắt được có khi cả ngày không bán được cho ai. Từ khi du lịch phát triển, những sản phẩm này trở thành đặc sản. Giờ đây, 7 giờ sáng mang đến chợ đã bán hết ngay và giá lại cao vì khách du lịch mua mang về. 

Với mục đích đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch Ninh Bình, đặc biệt của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, tuần lễ “Sắc vàng Tam Cốc -Tràng An” được tổ chức từ năm 2018.

Năm 2015, Tam Cốc đã từng lọt top 15 địa danh “tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến” do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Năm 2018, hình ảnh dòng sông Ngô Đồng như dải lụa mềm mại, nhẹ nhàng vắt lên thảm lúa đang chuyển dần sang màu vàng óng, uốn lượn quanh những ngọn núi ở Tam Cốc đã xuất hiện trên tạp chí Business Insider khi đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn