Hầu hết những đứa trẻ người dân tộc Macoong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được sinh ra ở nhà. Phụ nữ nơi đây thường là tự đỡ đẻ cho mình. Mọi người sống chan hòa với thiên nhiên, nên những đứa trẻ cũng sống và lớn lên hồn nhiên.
Những nét sinh hoạt cổ xưa vẫn tồn tại ở đất này. Việc giã gạo đều do phụ nữ đảm nhiệm. Trẻ em mới 6-7 tuổi cũng tham gia làm phụ giúp mẹ. Trẻ em nơi đây lớn lên trên lưng mẹ. Hàng ngày mẹ làm việc gì chúng cũng ở yên trên cái địu. Phụ nữ nơi đây vẫn sinh đẻ nhiều. Một gia đình có 4-6 con. Những đứa trẻ cũng vì thế mà lớn lên trong gian khó. Ngoài trồng lúa rẫy, bà con nơi đây có thêm nguồn lương thực bổ sung là sắn. Trong bữa cơm của người Macoong vô cùng đơn giản, chỉ có cơm trắng, sắn trộn và hầu như không có thức ăn tươi. Những đôi chân trần đặt lên khắp các ngõ ngách bản làng, rừng núi. Các đôi trai gái nơi đây lấy vợ, lấy chồng từ rất sớm. Những đứa trẻ sinh ra khi bố mẹ của chúng mới 16-17 tuổi. Trẻ em cứ hồn nhiên lớn lên mà không được chăm sóc đến nơi đến chốn. Ở trung tâm xã Thượng Trạch cũng có trường mầm non. Tuy nhiên chỉ có 1 bản là trẻ em đến được trường. 10 bản còn lại đều nằm xa trung tâm xã Thượng Trạch nên việc học của các em rất khó khăn. Những đứa trẻ nơi đây sinh ra và lớn lên luôn gắn liền với người mẹ. Lưng của mẹ như lưng núi dìu dắt những đứa con.