Tư thế bắn với thói quen đút tay túi quần, chiếc kính đặc biệt và chuyện VĐV sẽ vận chuyển súng đạn như thế nào khi đi thi đấu là điều nhiều người thắc mắc ở bộ môn bắn súng.
Sau khi nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh lọt vòng chung kết tranh huy chương tại 2 nội dung bắn súng của Olympic, đồng thời nhiều VĐV bắn súng của thế giới gây sốt trên mạng xã hội, đông đảo cư dân mạng đã quan tâm hơn đến "trend" bắn súng. Thắc mắc nhiều nhất là việc chiếc kính của các nữ xạ thủ rất lạ, có cấu tạo khác biệt.
Trịnh Thu Vinh của Việt Nam và Manu Bhaker đều đeo chiếc kính này khi thi đấu. Chiếc kính với 1 bên tròn ở mắt ngắm bắn và 1 bên có dụng cụ để che đi mắt còn lại. Nữ xạ thủ được mệnh danh là "bước ra từ truyện tranh" Kim Yejin người Hàn Quốc cũng luôn thi đấu với chiếc kính này.
Thực chất, chiếc kính này là 1 dụng cụ được chấp nhận trong thi đấu bắn súng. Với tất cả các môn thể thao, qui định về dụng cụ thi đấu được phép sử dụng và không được phép sử dụng rất chặt chẽ. Với bắn súng, VĐV không được phép sử dụng bất cứ công cụ, dụng cụ điện tử nào có tác dụng hỗ trợ, tăng khả năng thi đấu. Chiếc kính này chỉ có cấu tạo vật lí thông thường, không hề có thiết bị vi mạch, điện tử hay chip điện tử nào được gắn vào nhằm hỗ trợ, tăng khả năng ngắm bắn cho xạ thủ.
Điểm khác duy nhất là 1 bên mắt kính có dụng cụ hỗ trợ che mắt, bởi đa phần VĐV thường nheo 1 bên mắt khi ngắm bắn. Chiếc kính được thiết kế cho việc thuận lợi hơn cho thi đấu bắn súng, được chấp nhận, cho phép sử dụng rộng rãi trong các cuộc thi đấu bắn súng, và chủ yếu được các VĐV súng ngắn sử dụng. Chiếc kính này được bán rộng rãi giống như các dụng cụ luyện tập thể thao khác.
Trong bắn súng, xạ thủ bị cận, viễn, có vấn đề về mắt được phép đeo kính để thi đấu, trọng tài sẽ kiểm tra kính nếu thấy cần thiết, xác định chiếc kính này chỉ là kính thông thường. Mỗi VĐV bắn súng có 1 thói quen khác nhau, 1 kĩ thuật ngắm bắn khác nhau, có VĐV sử dụng kính thi đấu, nheo mắt khi ngắm bắn, có VĐV lại mở cả 2 mắt. Xạ thủ nam 51 tuổi Yusuf Dikec người Thổ Nhĩ Kỳ đã gây sốt khi chỉ đeo kính cận, đút tay vào túi quần khi thi đấu.
Xạ thủ từng giành 1 HCV - 1 HCB Olympic của Việt Nam là Hoàng Xuân Vinh cũng đeo kính khi thi đấu, và không dùng đến kính hỗ trợ hoặc miếng che 1 bên mắt kính
Cả Hoàng Xuân Vinh và Trịnh Thu Vinh đều đút tay còn lại vào túi quần khi bắn súng. Việc này ngằm giữ thăng bằng, ổn định cơ thể hơn khi ngắm bắn.
Mỗi VĐV sẽ luyện tập, thi đấu với khẩu súng của riêng mình, khẩu súng là điều rất quan trọng với xạ thủ. Khẩu súng gắn với cá nhân, nên xạ thủ sẽ phải vận chuyển súng và mang theo cả đạn của mình đến với những giải đấu quốc tế diễn ra ở nhiều nơi khác nhau. Các loại súng và đạn đều phải tuân theo qui định chung, là loại súng và đạn thể thao được phép sử dụng trong thi đấu ở mỗi nội dung.
VĐV bắn súng Trung Quốc Zhang Qiongyue được chú ý khi trang trí khẩu súng của mình với các phụ kiện, hình dán hoạt hình vui nhộn. Theo các chuyên gia và các VĐV bắn súng kỳ cựu của Việt Nam, súng thể thao được cấp phép riêng và quản lý chặt chẽ, chỉ được phép sử dụng trong phạm vi trường bắn, khu vực luyện tập và thi đấu. Khi đi thi đấu, các VĐV sẽ phải có xác nhận về việc tham gia thi đấu thể thao, sau đó được lực lượng hải quan cấp phép vận chuyển theo danh mục hàng hóa đặc biệt. 1 số dụng cụ của môn đấu kiếm hoặc các loại binh khí của biểu diễn võ thuật cũng thực hiện tương tự.
Nữ xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền cũng vừa thi đấu môn súng trường tại Olympic và cùng Trịnh Thu Vinh về nước trong ngày hôm nay. Mộng Tuyền được trang bị khẩu súng luyện tập và thi đấu riêng. Nữ xạ thủ trẻ này cũng đã trang trí nhiều hình dán trên khẩu súng của mình. Với môn súng trường, VĐV còn phải có bộ áo giáp riêng, bộ giáp này khá nặng.
Mộng Tuyền và hộp đựng súng trong 1 giải thi đấu.