Cho đến thời điểm ngày 7/8, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia là những đoàn thể thao Đông Nam Á đã có huy chương ở Olympic Paris 2024.
Philippines là đoàn có thứ hạng cao nhất trong bảng tổng sắp huy chương Olympic khi đang đứng thứ 22 với 2 HCV, 1 HCĐ. Thái Lan đã có 1 HCB, 1 HCĐ, Malaysia có 2 HCĐ. Những đoàn thể thao không có huy chương sẽ không được xếp hạng. Singapore, Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei, Đông Ti mo, Myanmar đều không được xếp hạng khi thành tích chỉ là con số 0.
Đoàn thể thao Việt Nam đứng trước nguy cơ lần thứ 2 liên tiếp không có thành tích tại Olympic. Ở lần tham dự Olympic Tokyo 2020, Đoàn thể thao Việt Nam đã không có huy chương nào.
Đến thời điểm hiện tại, 14/16 VĐV của Việt Nam đã thi đấu xong, chúng ta chỉ còn 2 VĐV là Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ và Nguyễn Thị Hương ở môn đua thuyền. Tay chèo trẻ Trịnh Thị Hương sẽ không thể cạnh tranh nổi với những nữ tay chèo quốc tế rất mạnh khác.
Đô cử Trịnh Văn Vinh sẽ thi đấu tại nội dung chung kết hạng cân 61kg cử tạ nam, diễn ra vào 20h tối ngày 7/8 (theo giờ Việt Nam).
Trịnh Văn Vinh là người có hành trình đến với Olympic rất đặc biệt. Đô cử quê gốc Bắc Ninh này từng là ngôi sao sáng của cử tạ Việt Nam khi giành HCV tại giải vô địch cử tạ thế giới vào năm 2017. Trịnh Văn Vinh lập kỉ lục khi cử giật đạt mức 136kg. Trịnh Văn Vinh giành HCV SEA Games 2017 với tổng cử 307 kg, vượt lên trên Eko Yuli Irawan - đô cử người Indonesia từng giành HCB tại Olympic. Sau đó, ở ASIAD 2018, Eko Yuli giành HCV còn Văn Vinh giành HCB.
Năm 2018, sau khi thử, Trịnh Văn Vinh bị kết luận có sử dụng doping và nhận án phạt cấm thi đấu 4 năm từ Liên đoàn cử tạ thế giới. Tưởng chừng như án phạt kéo dài khiến đô cử này phải giải nghệ, nhưng Văn Vinh đã trở lại và có suất tham dự Olympic.
Trong danh sách 12 VĐV thi đấu chung kết cử tạ hạng cân 61 kg tại Olympic Paris 2024, có sự góp mặt của VĐV Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đây là nội dung thi đấu có đông VĐV Đông Nam Á đua tranh. Eko Yuli Irawan của Indonesia cũng có mặt trong danh sách 12 VĐV sẽ đua tranh cùng Trịnh Văn Vinh ở nội dung này.
Theo các thông số về thành tích ở vòng loại, Trịnh Văn Vinh chỉ đứng thứ 9/12 VĐV, với mức tổng cử là 294 kg (cử tạ thi đấu bao gồm cử giật và cử đẩy, tính tổng thành tích). Các đối thủ có thành tích tốt hơn đô cử Việt Nam rất nhiều, dẫn đầu là Li Fabin (Trung Quốc) với mức vượt trội là 314kg, Hampton Morris (Mỹ) với mức 303kg, Sergio Massidda (Italia) với mức 302kg. Hai đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á cũng có mức thành tích vòng loại tốt hơn so với Trịnh Văn Vinh, đô cử Eko Yuli Irawan của Indonesia và John Ceniza của Philippines đều cùng có thông số mức tổng cử là 300kg ở vòng loại.
Với cử tạ, trước thời điểm thi đấu, các VĐV sẽ phải đăng ký mức tạ cơ sở, mức tạ cơ sở này có thể thay đổi sát giờ thi đấu. Mức 307kg là mức tốt nhất của Trịnh Văn Vinh, đạt được vào năm 2017 khi anh đang ở đỉnh cao phong độ, trẻ khỏe hơn thời điểm hiện tại.
Muốn cạnh tranh huy chương, Văn Vinh phải thi đấu đạt mức trên 300kg. Đô cử Việt Nam đã gây bất ngờ khi đăng ký mức tạ cơ sở là 303kg. Từ mức tạ đăng kí, có thể thấy Trịnh Văn Vinh đang đặt quyết tâm rất cao, vượt lên chính mình để vươn đến giấc mơ có huy chương Olympic.
Trong bảng đăng kí, Li Fabin - đô cử Trung Quốc đang là đương kim vô địch ở hạng cân này cùng Eko Yuli và đô cử Sergio Massida (Italia) đã cùng đăng kí mức tạ cơ sở là 310kg.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam đã có 2 huy chương ở Olympic, với lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (hạng 56 kg nam tại Olympic Bắc Kinh 2008) và Trần Lê Quốc Hoàn (hạng 56 kg tại Olympic London 2012).
Việc Trịnh Thu Vinh đã thi đấu rất tốt ở vòng loại, có thành tích vòng loại tốt thứ 2 ở phần bắn nhanh nội dung 25m súng ngắn nhưng chỉ đứng thứ 7/8 VĐV có mặt tại chung kết đã cho thấy việc thi đấu ở Olympic là áp lực lớn thế nào. Mọi hi vọng về việc có huy chương ở Olympic lần này giờ đây đặt vào những cú nâng tạ của Trịnh Văn Vinh, nhưng hi vọng này khá mong manh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn