Tranh cãi lớn đã nổ ra khi Ủy ban Olympic quốc tế IOC cho phép 2 nữ võ sĩ quyền Anh (Boxing) từng bị loại khỏi giải Vô địch thế giới năm ngoái do không vượt qua được bài kiểm tra giới tính (thừa hormone sinh dục nam), nhưng giờ sẽ được thi đấu ở Paris 2024.
Imane Khelif của Algeria và Lin Yu‑ting của Đài Bắc (Trung Hoa) đều bắt đầu chiến dịch Olympic của mình trong tuần này: Khelif sẽ gặp vận động viên người Italy Angela Carini ở hạng cân 66kg và Lin dự kiến sẽ đối đầu với một đối thủ chưa xác định ở hạng cân 57kg vào ngày 1/8.
Các cuộc tranh luận đã nổ ra gay gắt trên khắp các diễn đàn quyền Anh thế giới, nhất là sau khi đoạn video trận đấu giữa Imane Khelif với đối thủ người Mexico Brianda Tamara hồi tháng 12 năm 2022 được đăng tải.
Khi ấy, trọng tài đã phải cho dừng trận đấu ở hiệp 3 sau khi Tamara không thể tiếp tục thi đấu do liên tục hứng chịu những cú đấm như búa bổ của đối phương. "Ơn Chúa là tôi đã rời sàn đấu an toàn ngày hôm đó," Tamara sau đó kể lại, theo Telegraph.
Thế nên, quyết định của IOC đã gây sốc, cựu vô địch thế giới Barry McGuigan bày tỏ sự lo lắng của mình. Trong một bài đăng trên X , ông viết: "Thật sốc khi họ thực sự được phép tiến xa đến vậy, chuyện gì đang xảy ra vậy?".
Ở giải Vô địch thế giới năm ngoái do Hiệp hội Quyền anh Quốc tế IBA tổ chức, chủ tịch của hiệp hội này, Umar Kremlev, đã nói với hãng thông tấn Nga Tass rằng xét nghiệm DNA đã "chứng minh họ (Imane Khelif và Lin Yu‑ting) có nhiễm sắc thể XY và do đó bị loại khỏi các sự kiện thể thao."
IBA nói với tờ Guardian rằng họ đã đưa ra quyết định này “sau khi xem xét toàn diện và nhằm mục đích duy trì tính công bằng và toàn vẹn của cuộc thi.”
Tuy nhiên, sau đấy IBA lại bị IOC cấm tổ chức môn quyền Anh tại Olympic Paris 2024 do các bê bối về trọng tài. Thế nên, việc tổ chức môn quyền Anh ở Olympic Paris 2024 hiện đang do bộ môn Boxing (PBU) của IOC trực tiếp đảm nhiệm, mà đơn vị này lại có các quy tắc thoải mái hơn IBA.
Trong một tuyên bố, IOC cho biết: “PBU đã sử dụng các quy tắc quyền Anh được áp dụng tại Olympic Tokyo 2020 làm cơ sở để xây dựng các quy định của mình. Các quy tắc đó bắt nguồn từ Olympic Rio 2016. PBU nỗ lực hạn chế các sửa đổi để giảm thiểu tác động đến quá trình chuẩn bị của các vận động viên và đảm bảo tính nhất quán giữa các Thế vận hội Olympic.”
Tuy nhiên, trang web MyInfo của IOC thừa nhận rằng cả hai võ sĩ đều không vượt qua được bài kiểm tra đủ điều kiện về giới tính vào năm ngoái.
Trong hệ thống nội bộ của mình, được cung cấp cho các nhà báo ở Paris, IOC tuyên bố rằng Khelif đã "bị loại chỉ vài giờ trước cuộc đối đầu giành huy chương vàng với Yang Liu tại giải vô địch thế giới năm 2023 ở New Delhi, Ấn Độ, sau khi mức testosterone cao của cô không đáp ứng được tiêu chí đủ điều kiện". IOC cũng thừa nhận rằng Lin đã "bị tước huy chương đồng sau khi không đáp ứng được các yêu cầu đủ điều kiện dựa trên kết quả xét nghiệm sinh hóa.
Trước những tranh cãi như vậy, Lin chọn cách im lặng. Nhưng theo AFP, Khelif tuyên bố mình là nạn nhân của một "âm mưu lớn" sau khi bị loại ngay trước trận chung kết tại giải Vô địch thế giới năm ngoái.
Đây không phải là lần đầu tiên những tranh cãi về giới tính xuất hiện ở Olympic. Nữ vận động viên điền kinh người Nam Phi Caster Semenya từng giành 2 Huy chương Vàng cự li 800m tại các kỳ Olympic London 2012 và Rio 2016.
Nhưng trước đó, năm 2009, cô từng bị Liên đoàn Điền kinh quốc tế IAAF xét nghiệm giới tính. Dù kết quả không được công khai, song một văn bản rò rỉ với giới truyền thông cho thấy cô có các tiết tố sinh dục nam cao hơn bình thường nhiều lần. Tuy nhiên, Semenya vẫn được giữ các tấm huy chương của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn