'Ông bầu' đội bóng làng ươm mầm cho bóng đá nữ Việt Nam

07:43 | 08/05/2018;
Hơn 20 năm qua, cựu binh Dương Khắc Kiểm 71 tuổi (làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã và đang huấn luyện, đào tạo ra nhiều ngôi sao của bóng đá nữ Hà Nội cũng như đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Cái nghiệp với bóng đá nữ

Từng là một người lính, khi về lại quê hương ông phải bươn chải với bao nghề đề kiếm sống, nuôi gia đình. Năm 1986, nhân một lần ra Hà Nội mua bánh kẹo và tình cờ đọc được một tờ báo đưa tin về một đội bóng nữ ở Na Uy giành giải vô địch thế giới.

img_7651.JPG
Các em nhỏ ham mê đá bóng
 

Khi ấy, ở Việt Nam chưa có bóng đá nữ, ông đã đặt ra một câu hỏi “tại sao con gái trong làng mình lại không thể trở thành những cô gái quần đùi áo số được chứ”. Từ lúc ấy, với suy nghĩ và ý định thành lập đội bóng đá nữ ở làng cứ trăn trở và thôi thúc ông...

Năm 1993, làng Nghiêm Xá đón nhận danh hiệu di tích lịch sử, mọi người nghĩ cần phải có trò chơi nào đó để khuấy động phong trào ở địa phương. Ông Kiểm đưa ra ý định thành lập đội bóng đá nữ: Sao không thành lập đội bóng dành cho các thôn nữ trong làng để lôi kéo được các cô gái chân lấm bùn tham gia hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe? Lúc đó, nhiều người can ngăn, cho rằng ông gàn dở.

img_7677.JPG
Ông Kiểm hướng dẫn đá bóng cho các cháu

Được sự đồng ý của chính quyền xã, ông Kiểm tập hợp các cháu thanh, thiếu niên lại, hình thành Câu lạc bộ bóng đá, chia làm 2 đội  lấy tên Tuổi Trẻ và Thanh Xuân. Cầu thủ lớn nhất 25 tuổi, cầu thủ ít tuổi nhất là con gái ông mới 13 tuổi.

Ông kể: Ban đầu, để huấn luyện cho những thôn nữ thật chẳng dễ dàng gì. Ông để quả bóng ở giữa sân mà không ai đá trúng quả bóng, trong khi đó thời gian luyện tập lại gấp rút. Cái khó ló cái khôn, ông nghĩ ra cái “mẹo” là để quả bóng ở giữa, xếp 2 hàng và cho đá qua đá lại, bóng đến ai người đó đá để làm quen, cảm giác bóng, dần dần kỹ thuật của các nữ cầu thủ tiến bộ rõ rệt.

Sau 15 ngày tập luyện, trận đấu đầu tiên ra mắt khán giả đúng dịp hội làng. 60 cầu thủ đầu tiên từ 13 - 23 tuổi bắt đầu ra sân như hai đội bóng nữ chuyên nghiệp, ngoài sân hơn 4.000 cổ động viên hò reo cổ vũ nhiệt tình. Ngay sau trận đấu, Sở TD-TT tỉnh Hà Tây (cũ) nhận đội bóng về tỉnh.

'Lão phù thủy' của nhiều học trò thành danh

Năm 1996, đội bóng đá nữ do ông dẫn dắt được đi dự giải bóng đá nữ Hà Tây, rồi giải Phù Đổng toàn quốc và đều được giải nhì. Đến năm 1998, Sở TD-TT Hà Tây mới bắt đầu tuyển chọn đội bóng đá đầu tiên đại diện cho tỉnh, và thôn Nghiêm Xá của xã Nghiêm Xuyên trở thành cái nôi của bóng đá nữ Hà Tây (cũ) nay là đội bóng đá nữ Hà Nội.

Hơn 20 năm qua, "ông bầu" của đội bóng thôn nữ hay ông Kiểm "khùng", "lão phù thủy"... (biệt danh mà người làng yêu mến đặt cho ông) đã dìu dắt, huấn luyện  nhiều cô thôn nữ chân lấm, tay bùn trở thành những ngôi sao của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam như cầu thủ Đỗ Thu Trang, người đoạt danh hiệu thủ môn hay nhất mùa bóng năm 2005. Năm 1996, Thu Trang trở thành “cầu thủ nữ nhí” cho đội bóng do ông Kiểm làm huấn luyện viên. Là cầu thủ có tiềm năng, Trang được gọi lên đội tuyển quốc gia. Trong 2 năm 2005 - 2006, Đỗ Thu Trang nhận danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất toàn quốc.

img_7634.JPG
Cháu bé tâng bóng thuần thục
 

Cầu thủ Nguyễn Thị Thành cũng được thầy Kiểm nhắc đến đầy tự hào với danh hiệu là cầu thủ xuất sắc nhất toàn quốc năm 2002. Thành có chân sút tốt, có những pha bóng hiểm hóc, đột phá trong mỗi trận đấu... và còn nữa những cái tên tiêu biểu như thủ môn Dương Khánh Ly, cầu thủ Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Kiều Diễm, Nguyễn Thị Thắm, Phạm Hải Yến, Đỗ Huyền My...

Hiện tại, ông Kiểm vẫn duy trì lớp huấn luyện bóng đá nữ cho các cháu từ 6 đến 18 tuổi. Lớp thường xuyên có khoảng 30 cháu, chiều nào thầy trò cũng ra sân miệt mài tập luyện. Ngoài ra, ông Kiểm còn được mời huấn luyện viên cho đội bóng năng khiếu nữ khối tiểu học của huyện Thường Tín.

Chia tay ông vào lúc chiều muộn khi cơn mưa đã nặng hạt, ông bảo, chỉ ước một điều mình có sức khỏe đi tiếp đam mê để ươm những mầm non cho bóng đá nữ nước nhà.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn