Ông Macron trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp

07:00 | 08/05/2017;
Với 65,9% phiếu ủng hộ của cử tri Pháp, ông Emmanuel Macron đã chiến thắng áp đảo bà Marine Le Pen và sẽ trở thành Tổng thống mới của đất nước có nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới, thay ông Francois Hollande.
Chiến thắng của Đảng Tiến lên
 
Đối với người dân Pháp, cuộc bỏ phiếu ngày 7/5 đã kết thúc một trong những mùa bầu cử Tổng thống gây nhiều tranh cãi, thị phi và cũng khó dự đoán nhất trong lịch sử nước này.
Cuộc bầu cử này chứng kiến thất bại nặng nề của các đảng phái truyền thống của cánh hữu và cánh tả ngay từ vòng 1, cũng như sự thăng tiến mạnh mẽ của các ứng cử viên cực hữu và cực tả để rồi nước Pháp có một vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử là ông Macron ở tuổi 40. 
Ông Macron chiến thắng bất chấp vụ rò rỉ dữ liệu thư điện tử liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông ngay trước ngày bỏ phiếu.
marine-le-pen.jpg
Bà Marine Le Pen thừa nhận thất bại
Ngày 7/5, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã thừa nhận thất bại trong vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trước đối thủ Emmanuel Macron, đồng thời khẳng định đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cần phải có nhiều cải cách sâu rộng. 
Bà Le Pen khẳng định đảng FN phải có những sự thay đổi sâu sắc để nắm bắt những cơ hội lịch sử cũng như đạt được sự kỳ vọng của người dân Pháp. Bà Le Pen khẳng định sẽ thay đổi FN để tạo ra một lực lượng chính trị mới.
Cựu chủ tịch đảng FN cũng chúc ông Macron thành công trong việc giải quyết những thách thức khổng lồ mà tân Tổng thống Pháp phải đối mặt.
Bà Le Pen cũng tuyên bố sẽ dẫn dắt FN trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6/2017.
emmanuel-macron-2.jpg
Ông Emmanuel Macron đọc phát biểu sau chiến thắng tại Paris
Sau chiến thắng, ông Macron đã có mặt tại quảng trường bảo tàng Louvre để chia vui với những người ủng hộ.
Phát biểu trước hơn 10.000 người, ông Macron tuyên bố sẽ bảo vệ nước Pháp và châu Âu và hứa hẹn một trang mới đã mở ra cho nước Pháp.
“Tôi sẽ bảo vệ nước Pháp, bảo vệ các lợi ích sống còn và hình ảnh của nước Pháp. Tôi sẽ bảo vệ châu Âu. Nền văn minh và lối sống tự do của chúng ta đang bị thách thức. Tôi sẽ hành động để siết chặt mối liên hệ giữa châu Âu với các công dân của mình. Tôi muốn gửi đến toàn thể thế giới lời chào của một nước Pháp bác ái. Một trang mới đã mở ra cho nước Pháp và tôi muốn đó là trang của niềm hy vọng và niềm tin”, ông Macron nhấn mạnh.
 
Theo ông, châu Âu và thế giới đang mong đợi nước Pháp có những việc làm nhằm bảo vệ những “tư tưởng Ánh sáng” vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi, bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ những người bị áp bức.
Ông Macron cam kết sẽ chiến đấu với tất cả sức lực của mình để chống lại sự chia rẽ đã làm nước Pháp suy yếu, sẽ phục vụ nước Pháp với tất cả sự tận tụy, lòng quyết tâm và sự khiêm nhường vì các giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái”.

macron.jpg
Vợ chồng ông Emmanuel Macron vui mừng trước chiến thắng
Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và cam kết duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chiến dịch tranh cử của ông Macron đưa ra lời hứa hẹn về một cuộc cải cách hệ thống phúc lợi và hưu trí ở Pháp. Ông đã nêu kế hoạch thực hiện hàng loạt biện pháp có lợi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước nếu đắc cử. Ông Macron cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp dần xuống mức 25% từ mức hiện tại là 33%. Ông cũng muốn hạ thấp các loại thuế nhà đất địa phương cho phần lớn người dân Pháp. Ngoài ra, ông Macron còn là một tiếng nói chống chủ nghĩa khủng bố mạnh mẽ, đề cao pháp quyền. Ông muốn thuê thêm nhiều cảnh sát hơn nữa để đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống người dân trước bối cảnh Pháp thời gian gần đây liên tục trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố.
 
Các lãnh đạo Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt chúc mừng ông Macron, một chính trị gia với quan điểm thân EU. “Tôi vui sướng vì ông đã bảo vệ một châu Âu tiến bộ và mạnh mẽ” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gửi thư đến ông Macron. Tại Mỹ, tổng thống Donald Trump cũng vừa gửi lời chúc mừng ông Macron. Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng ông Macron đắc cử tổng thống, đồng thời khẳng định Paris là một trong những đồng minh thân cận nhất của London. Thủ tướng May bày tỏ mong muốn hợp tác với tân Tổng thống Pháp trong hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
 
"Chúc mừng ông Emmanuel Macron thắng lớn trở thành tổng thống kế tiếp của nước Pháp. Tôi rất hy vọng được làm việc với ông ấy" - ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
 
Thách thức ở phía trước

Trước mắt ông Macron sẽ là quá trình chuyển giao quyền lực được dự đoán sẽ có không ít thách thức. Vào ngày 10/5 tới, Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ chính thức thông qua kết quả bỏ phiếu cuối cùng để xác nhận chiến thắng của ông Macron và đến ngày 14/5, ông Macron sẽ chính thức bước vào điện Elysees để tiến hành lễ chuyển giao quyền lực với ông Francois Hollande.
 
Tuy nhiên, thách thức lớn với ông Macron sẽ là việc thành lập chính phủ mới. Do ông Macron không thuộc một đảng phái lớn và phong trào “Tiến bước” mà ông sáng lập vào tháng 4/2016 chưa từng tham gia một cuộc bầu cử nào nên hiện không có ghế nào trong Nghị viện. Vì thế, muốn điều hành được chính phủ mới một cách hiệu quả, ông Macron sẽ buộc phải tìm cách liên minh với các đảng phái chính trị khác trong bối cảnh các đảng này đang có nhiều toan tính cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới.
emmanuel-macron-3.jpg
Người ủng hộ ông Macron ăn mừng ở Paris
Quan trọng hơn, việc gần 25% cử tri Pháp không đi bầu và 12% trong số đi bầu bỏ phiếu trắng đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng đến nhà lãnh đạo mới của Pháp, đó là ông Macron sẽ cần phải tiếp tục hành động rất nhiều để tập hợp lại người dân Pháp vốn đã bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử này. Sự chia rẽ trong nước Pháp thể hiện rõ ngay trong số phiếu kỷ lục dành cho ứng viên cực hữu Le Pen trong cuộc bầu cử. Trước mắt, ông còn phải giành được thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội vào đầu tháng sau.
 
Giới phân tích cũng cho rằng ông sẽ mất nhiều thời gian để cải cách kinh tế với các lời hứa tranh cử bao gồm cải tổ thị trường lao động có tỉ lệ thất nghiệp gần 10%, đơn giản hoá hệ thống thuế và lương hưu … Dù có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, các cải cách của ông có thể mất nhiều năm mới đem lại kết quả. Ông cũng sẽ đối mặt với thách thức đối phó với khủng bố và vấn đề cải tổ EU.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn