Oanh bị động thai nên phải nằm viện đến 20 ngày mà không thấy bóng dáng ai bên nhà chồng cô đến thăm nom. Điện thoại reo, thấy số máy của mẹ chồng, lòng Oanh lại tức nghẹn: “Ngày nào cũng hỏi han nhưng có yêu thương thiệt lòng đâu...”. Cũng gần tháng nay rồi, mẹ đẻ cô phải xuống Hà Nội chăm con gái, đôn đốc cháu ngoại học hành trong khi mẹ chồng chỉ gọi điện hỏi thăm.
Lâu nay, Oanh vẫn hậm hực với mẹ chồng vì hễ vợ chồng cô có việc gì cần nhờ vả thì mẹ chồng cô đều thoái thác: “Con nhờ bà ngoại chăm cháu chứ mẹ dạo này yếu lắm”, hay “thiếu tiền mua nhà, con hỏi ông bà ngoại xem, bố mẹ về hưu rồi nên chẳng có chi”.
Lại nhớ, năm ngoái, con trai Oanh lên cơn co giật, phải đi cấp cứu. Tiếng là cưng cháu nội lắm nhưng mãi đến 1 tuần sau, khi cu Bin đã ra viện thì bà nội mới ra Hà Nội thăm cháu. Oanh nói mát mẻ với chồng: “Cháu cấp cứu không biết sống chết thế nào mà ông bà vẫn ngủ ngon, vẫn xem hết từng tập phim truyền hình mỗi tối. Thế mà gọi là ông bà nội ư? Có mà ông bà... hàng xóm ấy”. Trong khi đó, bố mẹ Oanh sau khi nhận được tin báo cháu ngoại đi cấp cứu, ông bà đã tức tốc xuống Hà Nội. Đêm cu Bin nằm phòng cấp cứu thì ở ngoài hành lang bệnh viện, ông bà ngoại cũng thức trắng chờ mong.
Oanh tính nóng như hổ vồ nên lời nói không dao mà khiến người nghe đau nhói nhưng kỳ thực, cô lại là người yếu đuối và dễ tủi thân. Lần này cũng thế, Oanh vừa từ bệnh viện về nhà thì thấy mẹ chồng ra thăm. Oanh vẫn giận nên cả ngày chẳng nói năng gì với mẹ chồng. Ngày hôm sau, mẹ chồng cô lại được dịp gọi mấy người cháu họ đang công tác ở Hà Nội đến nhà vợ chồng Oanh để... làm bữa sum họp. Oanh được thể chua ngoa với chồng: “Mẹ lên thăm người ốm hay là đi liên hoan?”.
Đã vậy, mọi việc từ chợ búa đến nấu nướng cho buổi sum họp ấy một tay mẹ đẻ Oanh đảm nhận. Một phần vì bà ngoại năng xuống Hà Nội với con cháu nên bà thông thạo khu chợ cũng như siêu thị xung quanh tòa nhà này. Một phần vì bà nội thuộc tuyp “chém to kho mặn”, xưa nay ngại chuyện bếp núc trong khi bà ngoại đã khéo nấu nướng lại siêng năng. Vậy là bà nội tuy là người khởi xướng buổi tụ tập nhưng chỉ đóng vai phụ khi chuẩn bị.
Vì không thể nuốt nổi “cục tức” trong lòng nên khi cả nhà ở ngoài phòng khách cứ “zô zô” thì bên trong phòng ngủ, Oanh nằm một mình khóc. Chẳng hiểu Oanh khóc vì cái gì nữa, khóc vì tủi thân khi mà mình ốm nhưng những người bên nhà chồng, nhất là mẹ chồng, vẫn vui vẻ ăn uống. Khóc vì bà ngoại thương con gái mà chẳng khác nào “osin” của nhà cô. Thỉnh thoảng, cu Bin như thiếu hơi mẹ, lại đẩy cửa chạy lại bên cô.
Mẹ Oanh cũng vậy, lúc thì mang cho con bát miến, khi lại miếng cam. Phải, chỉ có mẹ và cu Bin là nhớ đến sự tồn tại của cô mà thôi.
Bữa ấy, khi mọi người đã ra về, Oanh gọi chồng vào phòng nói cho bằng hết những ấm ức trong lòng cô bấy lâu nay. Chí, chồng cô khẳng định, việc cu Bi nằm cấp cứu mà ông bà nội không ra thăm ngay là do anh không gọi điện báo với ông bà, sợ các cụ lo quá mà đâm ra ốm. Còn việc cô nằm viện mà mẹ không ra giúp cũng là do anh bảo bà không cần ra, đã có bà ngoại lo.
Đến nước này thì Oanh không khác gì “lên đồng”: “Anh lo cho bố mẹ anh, vậy sao anh không lo cho bố mẹ em?”. Chí chẹp miệng: “Thì cháu bà nội, tội bà ngoại...”. Oanh không thể chấp nhận được cái lí do mà Chí đưa ra nên hai vợ chồng to tiếng, khiến 2 bà thông gia bên ngoài cũng ít nhiều hiểu được câu chuyện. Chẳng thế mà sáng hôm sau, mẹ chồng Oanh đã nhanh chóng cáo lui về quê.
Chí từng tuyên bố với bạn bè: “Ở đời này, nhất định phải có một cô con gái, các ông à” và anh đã được toại nguyện khi biết em bé trong bụng Oanh là một “công chúa”. Chí mừng ra mặt, anh hăng hái sắm quần áo sơ sinh cho con gái, rồi mua gấu bông, cũi... toàn màu hồng mà anh nghĩ con gái sẽ rất thích. Oanh được thể chế giễu chồng: “Con gái là con người ta, có chi mà anh mừng thế, mai này nó đi lấy chồng, rồi chúng ta lại phải đi theo mà hầu gia đình nó ấy. Cháu bà nội, tội bà ngoại mà!”. Chí biết vợ vẫn giận mình nên anh ngượng ngùng gãi đầu, không đáp lại.
Tết năm ấy, Oanh xin phép bố mẹ chồng cho mẹ con cô về ngoại ăn Tết với lí do: “Cu Bin chưa năm nào được đón Giao thừa với ông bà ngoại”. Ông bà nội nghe vậy thì buồn lắm, gọi ngay cho con trai để góp ý về việc này. Nhưng hơn ai hết, Chí hiểu nỗi lòng vợ anh và bản thân anh cũng thấy mình cần thay đổi thái độ “trọng nội hơn ngoại”.
Chiều 30 Tết, Oanh bất ngờ khi thấy Chí cầm trên tay cành đào phai xuất hiện ở thềm cửa nhà ông bà ngoại. Anh thưa với bố mẹ vợ: “Năm nay bố mẹ cho con ăn Tết bên này với nhé!”, rồi anh đon đả nói với vợ: “Anh tính rồi, mình ạ, chúng mình sẽ một năm ăn Tết nhà nội, một năm ăn Tết nhà ngoại, để sau này con gái mình cũng theo lệ đó”. Oanh bật cười: “Anh xứng đáng là... ông ngoại tương lai đấy!”.