Ngày 24/9, bác sĩ Nguyễn Thị Hưởng, Phụ trách Đơn nguyên Mắt (BV Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, BV vừa tiếp nhận một bệnh nhi 32 tháng tuổi (trú tại Vĩnh Phúc) bị bỏng giác mạc mắt trái do chọc điếu thuốc lá đang cháy vào mắt.
Gia đình cho biết, chiều ngày 17/9, bé chơi cạnh ông nội hút thuốc lá. Do bất cẩn, bé bị điếu thuốc lá đang cháy của ông chọc vào mắt trái. Sau tai nạn trẻ tỉnh, đau mắt trái nhiều, không mở được mắt. Gia đình nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu. Đến ngày hôm sau, bé đau mắt nhiều, không mở được mắt trái nên gia đình đưa đến BV Sản Nhi Vĩnh Phúc thăm khám.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ thăm khám mắt trái của bé đã phát hiện hai mi sưng nề không có nốt phồng, lông mi cháy xém vùng trung tâm; Kết mạc xung huyết cương tụ nhiều, có giả mạc; Giác mạc trợt nông biểu mô, đục nông vùng trung tâm. Các bác sĩ chẩn đoán, bé bị bỏng giác mạc mức độ 2 do nhiệt. Ngay lập tức, bé được chuyển đến Đơn nguyên Mắt cấp cứu.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã lấy dị vật kết giác mạc là tàn thuốc lá còn sót, đồng thời rửa mắt trái liên tục, chống nhiễm khuẩn toàn thân và tại chỗ. Sau 5 ngày điều trị, trẻ đã mở được mắt, mi hết nề, giác mạc trong trở lại. Trẻ được xuất viện theo dõi tiếp tại nhà.
Theo bác sĩ Hưởng, bỏng mắt là một cấp cứu đáng lo ngại trong nhãn khoa do tình trạng nặng nề và tiên lượng phụ thuộc điều trị sớm hay muộn. Có 4 tác nhân chính gây bỏng mắt, nhưng thường gặp nhất là do nhiệt độ và hóa chất.
Để đề phỏng bỏng mắt trẻ em, phụ huynh cần để các hóa chất độc hại xa trẻ; Không cầm hút thuốc lá hoặc vật dụng gây cháy ngang tầm với của trẻ; không để lẫn thuốc nhỏ mắt với các loại thuốc khác hoặc lấy ống thuốc nhỏ mắt đã hết đựng các hóa chất khác,…
- Bỏng do hóa chất, dầu mỡ
+ Khi bị bỏng do hóa chất, dầu mỡ, việc đầu tiên cần làm là rửa mắt ngay bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% (hóa chất ở lâu trong mắt gây nhiều tổn thương cho mắt).
+ Nếu không có dung dịch rửa mắt thì dùng nước máy thông thường hoặc nước đun sôi để nguội để rửa mắt ít nhất trong 10 phút.
- Bỏng do nhiệt, hàn điện
+ Các trường hợp bỏng mắt do nhiệt, hàn điện người nhà cần băng mắt người bị nạn rồi chuyển đến chuyên khoa mắt gần nhất để xử lý.
+ Đối với trường hợp này do đặc tính riêng nên việc sơ cứu đơn thuần không thực hiện được, vì vậy người nhà tuyệt đối không tự ý sơ cứu theo chủ quan của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn