Ông Putin sẽ dẫn dắt nước Nga nhiệm kỳ thứ tư

08:53 | 19/03/2018;
Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử trung ương Nga công bố sáng 19/3 (theo giờ Hà Nội), sau khi hơn 90% số phiếu đã được kiểm, đương kim Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục dẫn đầu với 76,41% số phiếu ủng hộ, chiến thắng áp đảo so với các đối thủ.
vladimir-putin-2.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin


Ông Vladimir Putin (66 tuổi) tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và đang dẫn đầu, giành chiến thắng cách biệt để bước vào nhiệm kỳ thứ tư dẫn dắt đất nước tới năm 2024. Ứng viên đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin xếp ở vị trí thứ hai với 11,2% số phiếu, tiếp theo là ứng viên đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky và ngôi sao truyền hình Ksenia Sobchak với lần lượt 6,7% và 2,5% phiếu ủng hộ. Còn nữ ứng cử viên Ksenia của đảng Sáng kiến Công dân đã thừa nhận chiến thắng của đương kim Tổng thống Putin.

 
Theo hãng tin Reuters, chiến thắng sẽ tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng chính trị rộng lớn của ông Putin với nước Nga trong gần 1/4 thế kỷ khi ông 71 tuổi. Ông Putin đã có phát biểu trước báo giới tại trụ sở vận động tranh cử ở thủ đô Moscow. Ông Putin bày tỏ sự cảm ơn đối với những người ủng hộ và đề cập tới những nhiệm vụ sắp tới. 
 
Phát biểu trước các phóng viên, ông Putin bày tỏ: “Việc duy trì sự đoàn kết này là điều rất quan trọng. Chúng ta sẽ nghĩ về tương lai của Tổ quốc vĩ đại. Kết quả này cho tôi thấy một sự ghi nhận cho kết quả đã làm được những năm qua trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tôi cũng thấy được niềm tin và hy vọng, hy vọng vào người dân của chúng ta sẽ cùng nhau làm việc một cách tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Cảm ơn vì chúng ta là một đội mạnh với hàng triệu con người. Thành công đang chờ đợi chúng ta”.
 
Bên cạnh đó, ông Putin đã cam kết sẽ dùng nhiệm kỳ mới để củng cố sức mạnh phòng thủ của Nga trước phương Tây và nâng cao mức sống người dân, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh còn rất nhiều nhiệm vụ phức tạp và khó khăn trước mắt nhưng cũng bày tỏ tin tưởng rằng nước Nga có thể tạo ra bước đột phá trong tương lai. Ông Putin kêu gọi các lực lượng chính trị hành động dựa trên lợi ích của nước Nga. Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng đề cập tới khả năng thay đổi các vị trí trong Chính phủ Nga sau khi ông chính thức nhậm chức. Ông Putin còn cho biết thêm có kế hoạch tổ chức một cuộc gặp với tất cả các ứng cử viên tham gia tranh cử lần này.
 
Trước đó, thông điệp mà ông chủ Điện Kremlin gửi tới người dân về một nước Nga mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của ông. Ông Putin kêu gọi đầu tư vào công nghệ và giảm tỷ lệ đói nghèo. Ông cam kết chi hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mới và vạch ra tham vọng tăng trưởng kinh tế đạt mức 8%.
Trong khi đó, phản ứng trước các động thái của phương Tây liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các nỗ lực của phương Tây nhằm gây sức ép và ảnh hưởng tới cuộc bầu cử là rõ ràng và chưa từng có tiền lệ. 
 
 
Sau hàng loạt xung đột với phương Tây về vấn đề Syria, Ucraina, những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và các cuộc tấn công mạng cùng nghi án đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh cùng con gái ông này, mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang ở điểm rất thấp trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Ông Putin nói, sẽ thật ngớ ngẩn khi ai đó cho rằng Moscow đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này tại Anh. Ông tuyên bố Moscow sẽ hợp tác với London điều tra vụ việc.
 
Ông Putin là người rất được lòng dân. Ông vốn là đại tá KGB (Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô), tức thuộc cộng đồng "siloviki" gồm các nhà chính trị xuất thân từ các cơ quan an ninh, quân đội, tình báo. KGB trở thành FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) sau khi Liên Xô tan rã, nổi tiếng là cơ quan tình báo huyền thoại trong và ngoài nước. Thế hệ cử tri trẻ tuổi hình thành thế hệ Putin (những người chào đời vào năm Putin cầm quyền) đã nhìn thấy ở ông là "người bảo vệ các giá trị Nga". Đáng chú ý, luận điểm chính của giới trẻ trong yêu cầu cải cách không phải là tự do hóa đời sống chính trị, mà là vấn đề công ăn việc làm và chất lượng dịch vụ xã hội.
 
Cử tri Nga dường như không có sự chọn lựa nhà lãnh đạo khác bởi ông Putin đã tạo dựng hình ảnh một người đứng đầu Điện Kremlin quá mạnh mẽ trong vài thập niên gần đây.Từ hơn 10 năm qua, ông Putin đã chứng tỏ có khả năng giữ vững vai trò, vị trí Tổng thống khi trả lời hỏi - đáp trực tiếp với người dân trong các buổi phát hình kéo dài nhiều giờ. Từ các buổi trò chuyện này, ông đã trở thành con người dễ gần gũi.
 
Trên tất cả là giai đoạn ông Putin cầm quyền đã tạo bước ngoặt sau thời kỳ nước Nga yếu thế trong những năm Boris Yeltsin giữ chức tổng thống. Từ thập niên 2000, Nga đã dần dà khôi phục uy tín quốc tế với việc cùng các đối tác thành lập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Nga tiếp tục khẳng định lợi ích của Nga, sức mạnh Nga và khả năng phản ứng với bên ngoài khi phản ứng về hệ thống phòng thủ tên lửa, củng cố sự hiện diện quân sự của Nga ở vùng Baltic, tiến hành dự án hiện đại hóa quân đội năm 2009, tham chiến ở Gruzia năm 2008, tham chiến ở Ucraina và đưa quân can thiệp quân sự ở Syria.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn