“Tôi là người Việt Nam!”
James Joseph Kendall 34 tuổi, là con út trong một gia đình có 3 anh em ở Spring Field (Ohio, Mỹ). Lần đầu tiên Kendall đến Việt Nam là theo lời mời của anh trai đang giảng dạy tại một trường ĐH ở đây.
Ngày đó, Kendall chưa biết nhiều về Việt Nam, nên lý do để Kendall bay qua nửa vòng trái đất, chỉ đơn giản để đến thăm anh mình. Kendall nghĩ, Việt Nam cũng như một vài quốc gia châu Á mà anh từng đặt chân đến, không có gì đặc biệt để phải lưu luyến.
Nhưng, thật không ngờ, Việt Nam đã “đốn tim” Kendall bởi hình ảnh con người thân thiện, những căn nhà mái dốc lợp ngói đỏ, hoặc rơm, dạ. Kendall vô cùng ấn tượng khi Việt Nam không vấp phải vết xe đổ của một vài quốc gia khác trên con đường hiện đại hóa, nghĩa là vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc riêng có thay vì bị “bê tông hóa” bởi những tòa nhà chọc trời.
Một tháng sau, khi lên máy bay trở về Mỹ, Kendall đã òa khóc như thể là người đang phải rời xa quê hương của mình. Ngay từ lúc đó, Kendall đã nghĩ, mình sẽ phải trở lại Việt Nam.
Kendall đã làm như vậy, dù cho anh trai Kendall kết thúc công việc ở Việt Nam và di chuyển qua nước khác. Chỉ còn một mình nhưng Kendall quyết tâm sinh sống ở Việt Nam lâu dài.
“Tôi không biết lý giải sao, chỉ thấy rằng tôi hạnh phúc khi ở Việt Nam”- Kendall kể. Gia đình Kendall ở Mỹ cũng ủng hộ con trai vô điều kiện. Anh thuê một căn nhà nhỏ ở quận Tây Hồ để sinh sống và ngày ngày đi dạy tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam.
Dần dần, Kendall thuộc nhiều đường phố, quen với giao thông ở Thủ đô, hiểu cả về văn hóa, cách người Việt sinh hoạt khiến anh thấy mình đã thành người Việt từ lúc nào không hay. Mỗi năm, Kendall về Mỹ một lần để thăm bà và mẹ và sau đó lại “trở về quê hương Việt Nam”.
Rất nhiều người hỏi Kendall cảm thấy thế nào khi Việt Nam chưa thể đem lại cho Kendall cuộc sống hiện đại, đầy đủ tiện nghi như ở Mỹ. Kendall cười: “Người Việt Nam không nghèo đâu. Ở Hà Nội, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều người đi xe ô tô trong khi giá xe ô tô Việt Nam đắt hơn ở Mỹ. Quá trình đổi mới đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện. Nếu bây giờ phải về Mỹ, tôi mới là người thấy xa lạ và bất tiện”.
Ngoài Mỹ, Việt Nam chính là quốc gia thứ hai Kendall định cư lâu nhất đến nay. Kendall chưa từng đặt chân đến các quốc gia ở châu Âu, anh tâm sự: “Có thể vài năm nữa, tôi sẽ tạm xa Hà Nội đến Đà Nẵng, Đà Lạt, nhưng cũng chỉ trong phạm vi Việt Nam thôi. Tôi không muốn rời Việt Nam!”.
Kendall cũng đang hy vọng, Việt Nam sẽ mang tới cho anh một nửa của đời mình, vì anh rất trân trọng phụ nữ Việt, nhất là khi được ngắm họ tỏa sáng trong trang phục áo dài.
"Nếu ai cũng coi nơi này là nhà thì phải có trách nhiệm giữ gìn”
Cũng vì coi mình là người Việt Nam mà Kendall đã luôn ấp ủ các ý tưởng phải làm gì để cải thiện môi trường nơi anh sinh sống. Kendall cũng chính là người đã thành lập tổ chức Keep Hà Nội Clean (Giữ cho Hà Nội sạch), tập hợp những người nước ngoài và những người Hà Nội vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Cứ 1 tuần 1 lần, Kendall và những người bạn lại tìm đến các địa diểm như công viên, ao, hồ, kênh, mặc quần áo bảo hộ, lỉnh kỉnh túi, xẻng… để dọn rác làm sạch Hà Nội. Đến nay đã có hàng chục địa điểm đã trở nên xanh hơn nhờ một phần công sức của Kendall và các bạn.
Kendall tâm sự: “Tôi không sợ khó, sợ bẩn. Tôi cũng không muốn đợi chính quyền làm gì đó cho mình mà nghĩ rằng, nếu ai cũng coi thành phố này là nhà thì tất cả phải có trách nhiệm giữ gìn”.
Điều Kendall mong muốn hơn nữa là trong thời gian tới, hoạt động này của anh sẽ nhận được sự hưởng ứng đông đảo hơn từ cộng đồng, những tình nguyện viên để Hà Nôi thêm xanh, sạch, đẹp. “Tôi tin, Hà Nội- thành phố vì hòa bình của chúng ta sẽ mỗi ngày đẹp hơn”.
Kendall thường tự nói với chính mình và các bạn là đừng hỏi: “Tại sao lại là tôi?” mà hãy nói “Tại sao không phải là tôi?”, ý chỉ rằng, tại sao mỗi người không thể làm một điều gì đó cho quê hương của mình. Vì thế, những dự định Kendall sẽ làm trong thời gian tới để bảo vệ Hà Nội đang ngày một nhiều hơn.