"Ông trùm" hàng không Hamish Harding: Biết rủi ro khi bước vào tàu Titan nhưng quyết không quay đầu

15:38 | 23/06/2023;
Mặc dù có một cuộc đời đầy nhiệm vụ kịch tính như thể được rút ra từ những cuốn sách phiêu lưu cho thiếu nhi nhưng về bản chất, ông Harding là "một nhà thám hiểm, không phải một kẻ tìm kiếm cảm giác mạnh".

Hamish Harding, "ông trùm" ngành hàng không đồng thời là một nhà thám hiểm đầy nhiệt huyết, đã thực hiện nhiều hành trình khám phá cả không gian và đáy đại dương, giúp ông ghi tên vào Kỷ lục Guinness Thế giới. Thú vui du lịch mạo hiểm đã đưa ông đi khắp thế gian để rồi dẫn đến chuyến lặn biển ngắm xác con tàu Titanic và bỏ mạng dưới đáy Đại Tây Dương.

"Ông trùm" ngành hàng không Hamish Harding: Dành cả đời phiêu lưu mạo hiểm, biết rõ rủi ro khi bước vào tàu lặn Titan nhưng quyết không quay đầu - Ảnh 1.

Chiếc tàu lặn mà ông đang cùng 4 người khác ngồi bên trong đã mất liên lạc với tàu mẹ vào ngày 18/6. Sau cuộc tìm kiếm đa quốc gia kéo dài 5 ngày trên một khu vực có diện tích bằng cả bang Massachusetts (Mỹ), công ty tổ chức chuyến đi OceanGate Expeditions thông báo rằng cả 5 người đều đã thiệt mạng.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết các mảnh vỡ của con tàu đã được tìm thấy dưới đáy đại dương vào sáng 22/6 (giờ Mỹ), cách mũi tàu Titanic khoảng 487m.

Ông Harding qua đời ở tuổi 58.

Đam mê khám phá thế giới từ khi còn nhỏ

George Hamish Livingston Harding sinh ngày 24/6/1964 tại Hammersmith, London (Anh).

Ông luôn bị thu hút bởi bầu trời và nhiều hơn thế nữa là cả thế giới xung quanh. “Tôi mới 5 tuổi khi tàu Apollo hạ cánh”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Business Aviation. “Tôi nhớ rất rõ đã xem sự kiện này trên một chiếc TV đen trắng cũ cùng với bố mẹ tôi ở Hong Kong, nơi tôi lớn lên”.

"Ông trùm" ngành hàng không Hamish Harding: Dành cả đời phiêu lưu mạo hiểm, biết rõ rủi ro khi bước vào tàu lặn Titan nhưng quyết không quay đầu - Ảnh 2.

George Hamish Livingston Harding

Ông kể tiếp: “Sự kiện này đã tạo nên giai điệu cho cuộc đời tôi theo một cách nào đó. Chúng tôi cảm thấy rằng mọi thứ đều có thể xảy ra và chúng tôi hoàn toàn mong đợi sẽ có những chuyến du lịch trọn gói lên Mặt trăng”.

Năm 13 tuổi, Harding trở thành học viên của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, chuyên lái máy bay huấn luyện Chipmunk. Ông lấy bằng phi công năm 1985 khi đang là sinh viên đại học tại Đại học Cambridge, nơi ông theo học ngành kỹ thuật hóa học và khoa học tự nhiên.

Trong những năm 1990, ông xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trở thành giám đốc điều hành của Logica India, một công ty có trụ sở tại Bangalore (Ấn Độ). Ông đã sử dụng số tiền kiếm được trong ngành đó để thành lập Action Group, một công ty đầu tư tư nhân, vào năm 1999. Harding thành lập Action Aviation vào năm 2002.

Dành cả đời cho những chuyến thám hiểm

Cùng với ông Harding, tỷ phú người Pakistan Shahzada Dawood và con trai ông Suleman Dawood, thợ lặn người Pháp Paul-Henri Nargeolet và Stockton Rush, người sáng lập và giám đốc điều hành của OceanGate, đều đã không thể trở về.

Mỗi người tham gia chuyến đi này đã trả tới 250.000 USD để có đặc quyền đi xuống độ sâu gần 4.000m dưới bề mặt đại dương để tận mắt trông thấy tàn dư con tàu huyền thoại Titanic.

Khi bắt đầu chuyến hành trình thám hiểm, ông Harding coi cơ hội này là một điều "may mắn khó xảy ra".

"Ông trùm" ngành hàng không Hamish Harding: Dành cả đời phiêu lưu mạo hiểm, biết rõ rủi ro khi bước vào tàu lặn Titan nhưng quyết không quay đầu - Ảnh 3.

Ông Harding tự nhận mình là một “chuyên gia sứ mệnh” trong chuyến thám hiểm xuống thăm xác tàu Titanic.

“Do đây là mùa đông tồi tệ nhất ở Newfoundland trong 40 năm qua”, ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 17/6. “Nó có thể là chuyến tàu có người lái đầu tiên và duy nhất tới tàu Titanic vào năm 2023".

Ông tự nhận mình là một “chuyên gia sứ mệnh” trong chuyến thám hiểm.

Ông Harding dường như đã đoán trước được số phận của chính mình trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021 sau khi lặn xuống Challenger Deep, vị trí sâu nhất của đại dương ở rãnh Mariana.

Ở độ sâu gần 11.000m bên dưới vùng biển Tây Thái Bình Dương, sâu hơn cả chiều cao của đỉnh Everest, chuyến đi kéo dài 4 giờ 15 phút đó đã đưa Harding xuống sâu gần gấp 3 lần so với địa điểm của con tàu Titanic. Sau chuyến thám hiểm đó, ông Harding cùng với nhà thám hiểm người Mỹ Victor Vescovo đã giành được 2 bằng khen của Kỷ lục Guinness Thế giới, về độ sâu nhất mà một con tàu có người lái vượt qua và thời gian lặn lâu nhất ở đó trong một lần lặn.

Như tạp chí Esquire Middle East đã chỉ ra vào thời điểm đó, chỉ có 18 người đã từng tiếp cận được đến đáy của Challenger Deep, trong khi có tới 24 phi hành gia đã bay quanh hoặc hạ cánh trên Mặt trăng, và hàng ngàn người đã chinh phục thành công Đỉnh Everest.

Ông Harding biết rõ những rủi ro. “Nếu có gì không ổn, bạn sẽ không thể quay về”, ông nói với The Week, một tạp chí tin tức của Ấn Độ. Nhưng trong kinh doanh, và trong cả cuộc đời phiêu lưu của mình, dường như ông sẵn sàng ôm lấy cả những hiểm nguy ấy.

Trong cuộc phỏng vấn với Business Aviation, ông nói rằng chuyến lặn xuống thăm xác tàu Titanic, dự kiến ban đầu vào tháng 6/2022, nhưng đã bị trì hoãn vì “tàu lặn không may bị hư hại trong lần lặn trước đó”. Thay vào đó, vào mùa hè năm ngoái, ông Harding đã leo núi Kilimanjaro ở Tanzania cùng với 20 thành viên trong gia đình và bạn bè.

Khi được hỏi về những rủi ro trong các hoạt động mạo hiểm vượt qua ranh giới của mình, ông Harding, Chủ tịch phân hội Trung Đông của Câu lạc bộ những người thám hiểm, cho biết: “Quan điểm của tôi là những rủi ro đều đã được tính toán và hiểu rõ trước khi chúng ta bắt đầu”.

“Tôi nên nói thêm rằng tôi không ra ngoài tìm kiếm những cơ hội này. Mọi người có xu hướng mang chúng đến với tôi, và tôi cứ nói 'Có!'”.

Là một phi công được cấp phép lái cả máy bay phản lực thương gia và máy bay chở khách, năm 2017, ông Harding đã bắt đầu dịch vụ cung cấp chuyến bay thương gia đầu tiên đến Nam Cực, với sự hợp tác của công ty du lịch Nam Cực sang trọng White Desert.

Chuyến bay đầu tiên, một chiếc Gulfstream G550, đã hạ cánh trên một đường băng mới có tên là Wolf's Fang.

Là một người yêu thích khám phá không gian, ông Harding đã tới Nam Cực vào năm 2016 cùng với Buzz Aldrin, phi hành gia của tàu Apollo 11, cũng là người thứ hai đi bộ trên Mặt trăng.

Ở tuổi 86, ông Aldrin trở thành người lớn tuổi nhất đặt chân đến Nam Cực. 4 năm sau, ông Harding cũng thực hiện hành trình tương tự với con trai mình là Giles. Cậu bé 12 tuổi đã trở thành người trẻ nhất đạt được kỳ tích đó.

"Ông trùm" ngành hàng không Hamish Harding: Dành cả đời phiêu lưu mạo hiểm, biết rõ rủi ro khi bước vào tàu lặn Titan nhưng quyết không quay đầu - Ảnh 4.

Ông Harding cùng con trai.

Vào năm 2019, ông Harding đã bắt đầu một dự án lập kỷ lục khác với một cựu phi hành gia. Đó là khi ông và cựu chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế, Đại tá Terry Virts, hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới nhanh nhất qua cả Bắc và Nam Cực bằng máy bay với 46 giờ, 40 phút và 22 giây.

Tháng 6/2022, ông Harding cuối cùng đã được trải nghiệm điều kỳ diệu khi tự mình trở thành một phi hành gia. Ông tham gia Sứ mệnh Blue Orgin khám phá vũ trụ bằng tên lửa New Shepard của tỷ phú Jeff Bezos.

"Ông trùm" ngành hàng không Hamish Harding: Dành cả đời phiêu lưu mạo hiểm, biết rõ rủi ro khi bước vào tàu lặn Titan nhưng quyết không quay đầu - Ảnh 5.

“Một khi tên lửa tăng cường hydro/oxy lỏng đưa con tàu đến rìa không gian, cách Trái đất 100km”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với Tạp chí Kinh doanh Hàng không, “bầu trời phía trên bạn hoàn toàn đen kịt, thậm chí là hoàn toàn bình thường, bên cạnh Mặt trời”.

Mặc dù có một cuộc đời đầy nhiệm vụ kịch tính như thể được rút ra từ những cuốn sách phiêu lưu dành cho thiếu nhi nhưng về bản chất, ông Harding là “một nhà thám hiểm, không phải một kẻ tìm kiếm cảm giác mạnh”, Đại tá Virts nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC.

Ông Harding rõ ràng đã đồng ý. Khi thảo luận về sứ mệnh Challenger Deep, ông nhấn mạnh vào khoa học chứ không phải làm theo kiểu derring-do (hành động không màng tới nguy hiểm, rủi ro).

“Là một nhà thám hiểm, tôi muốn chuyến hành trình này đóng góp vào kiến thức và hiểu biết chung của chúng ta về Trái đất”, ông Harding nói trong cuộc phỏng vấn với Esquire. Ông kể về việc thu thập các mẫu vật từ đáy đại dương “có thể chứa các dạng sống mới và thậm chí có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức sự sống trên hành tinh của chúng ta bắt đầu”.

Ông tiếp tục: “Trong việc tìm kiếm các dấu hiệu ô nhiễm do con người gây ra trong môi trường xa xôi này, chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ các nỗ lực khoa học để bảo vệ các đại dương của chúng ta và đảm bảo chúng phát triển trong nhiều thiên niên kỷ tới".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn