Ông Vũ Trọng Lương - người sửa điểm thi ở Hà Giang - là ai?

15:13 | 18/07/2018;
Ông Vũ Trọng Lương, người trực tiếp can thiệp làm thay đổi điểm thi của 114 thí sinh, là một cán bộ có nhiều năm công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang.

Ông Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên quán huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trước khi về công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang là giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang. Ông Lương là giáo viên dạy môn Vật lý.

Được đánh giá là người có năng lực, phụ trách đội tuyển thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý của trường Chuyên Hà Giang nhiều năm. Sau đó, ông Lương về Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, biên chế tại Phòng THPT.

Năm 2010, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng được thành lập, ông Vũ Trọng Lương được chuyển sang phòng này, giữ chức vụ Phó phòng Khảo thí từ năm 2010 đến nay.

Tại kỳ thi THPT QG năm 2018 tại Hà Giang, ông Lương là Thư ký Hội đồng thi THPT QG năm 2018 của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang.

ong-vu-trong-luong-la-ai.jpg
Ông Vũ Trọng Lương
 

Ông Vũ Trọng Lương được xác định là đối tượng chính trong việc thao tác, can thiệp làm thay đổi điểm số của 114 thí sinh với hơn 330 bài thi.

Ông Lương được giao nhiệm vụ phụ trách máy tính để quét bài thi trắc nghiệm. Nhiều năm qua, Sở GD-ĐT vẫn phân công cho ông Lương phụ trách trực tiếp và là người sử dụng máy này để thao tác xử lý các công việc hàng ngày. 

Sau khi có kết quả đáp án của Bộ GD&ĐT, ông Lương đã lên mạng tải toàn bộ những đáp án đó về chuyển sang phần mềm Ecxel, lưu ở trong máy và sau đó đã sử dụng cách thức này để làm sai lệch kết quả thi của nhiều thí sinh.

Đồng thời, máy tính này được mang đến phòng quét xử lý bài thi trắc nghiệm. Trong quá trình này, ông Lương đã tiến hành thao tác quét được file ảnh và chuyển sang file excel, lấy kết quả đáp án đã được mình xử lý trước đây copy và paste vào file ảnh bài thi của thí sinh, đánh lừa máy quét chấm điểm tự động.

luong.jpg
Trường THPT Chuyên Hà Giang, nơi ông Lương công tác trước khi về Sở GD-ĐT Hà Giang
 

330 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm thi, trong thời gian 2 tiếng. Tốc độ trung bình được tính ra là 6 giây cho một bài thi được làm sai lệch.

Ngoài ra, kiểm tra điện thoại của ông Lương có rất nhiều tin nhắn đến liên quan và căn cứ vào đó nhập các số báo danh vào máy tính.

“Quy trình kiểm tra, giám sát của công an và của thanh tra sở hay Bộ đều chưa chặt chẽ, để cho ông Lương thực hiện xử lý điểm số toàn bộ các thí sinh khi các thành viên vẫn đang ở đấy. 

Những thành viên khi tham gia tổ chức về cơ bản cũng không nắm được quy trình và các thao tác liên quan nên để cho ông Lương qua mặt về việc này mà không hề hay biết”, đại diện A83, Bộ Công an, nói.

Máy tính của ông Lương thời điểm tổ công tác xác minh sự việc vẫn còn dữ liệu điểm thi của năm 2017. Ông Lương sau đó đã tự nguyện chuyển giao máy tính với tất cả cơ sở dữ liệu của năm 2017 và năm 2018 để tổ công tác mang về Bộ GD&ĐT.

Sáng ngày 18/7, ông Vũ Trọng Hiền, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Giang, cho biết sáng nay ông Lương vẫn đi làm bình thường. 

“Anh Vũ Trọng Lương vẫn đang công tác tại Sở bình thường. Hiện nay các cơ quan điều tra, cụ thể là bên công an vẫn chưa có kết luận gì về vụ việc nên anh Lương đến Sở. Chưa có án thì làm sao có thể tạm giam, tạm giữ được?”, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Giang nói.

Ông Hiền cũng cho biết, hiện tại, ông Lương đã bị đình chỉ chức danh thư ký tại Hội đồng thi Hà Giang.

Trao đổi với PV Báo PNVN, luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Với hành vi của cá nhân ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hà Giang - người trực tiếp can thiệp nâng điểm của 330 bài thi, luật sư Thiệp khẳng định hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định của Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, đối tượng này có thể bị xử phạt tới 15 năm tù, cùng với đó là tội bổ sung về việc cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm, phạt tiền lên tới 100 triệu đồng.

Liên quan đến việc liệu một cá nhân có đủ sức sửa tới 330 bài thi chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, Luật sư Lê Văn Thiệp khẳng định đây là điều không tưởng, rất khó thực hiện.

“Chỉ 2 tiếng và sửa đến 330 bài thi khác nhau chứ không sắp xếp theo thứ tự thì đây là điều rất khó để thực hiện một mình. Cơ quan điều tra cần tiếp tục xem xét có hay không có đồng phạm. Nếu có đồng phạm thì phải được xử lý theo tội danh tội phạm có tổ chức” - Luật sư Lê Văn Thiệp nói - "Vụ việc này cần phải được xử lý hình sự, mới có thể bảo đảm răn đe, phòng ngừa, tránh tiền lệ xấu đối với các địa phương khác".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn