Shahzado Shar, sống tại tỉnh Sindh (Pakistan) là một trong hàng trăm phụ huynh có trẻ em bị nhiễm HIV do vụ bê bối tái sử dụng kim tiêm. Cuộc khủng hoảng HIV năm 2019 đã khiến hơn 1.000 người trở thành nạn nhân của căn bệnh hiểm nghèo này. Đặc biệt, nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em và trẻ sơ sinh.
Dù đã 2 năm trôi qua, ông Shar vẫn đang rất khó khăn đứng giữa bờ vực lựa chọn chi trả cho thực phẩm để sinh sống hoặc thuốc để điều trị HIV cho đứa con trai 5 tuổi của mình. Theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Sindh (Pakistan), số nạn nhân nhiễm HIV ảnh hưởng từ vụ bê bối năm 2019 hiện đã lên tới 1.500 người.
Một trung tâm xét nghiệm và điều trị HIV lớn nhất của Pakistan được thành lập ở thị trấn nông thôn Rota Dero, thuộc tỉnh Sindh sau thảm họa để cung cấp các loại thuốc kháng virus cứu người. Tuy nhiên, các gia đình bị ảnh hưởng phải tự trang trải thêm các chi phí phát sinh.
"Họ bảo chúng tôi đi kiểm tra thêm tại các bệnh viên tư, nhưng chúng tôi không có đủ tiền. Con trai tôi vẫn thường xuyên bị sốt, đau bụng, thậm chí ảnh hưởng đến thận", ông Shar ngậm ngùi cho biết.
Tại địa phương, nhiều người vốn chưa từng nghe đến HIV, nay lại bị chính căn bệnh hiểm ác này đè nặng lên đôi vai và cuộc sống vốn đã khó khăn từ trước. Chính phủ không cung cấp thêm vitamin hoặc thuốc kháng sinh cho các bệnh nhân. Và họ thì không đủ tiền để mua những loại thuốc bổ sung này.
Cách đó vài cây số, tại làng Subhani Shar, khoảng 30 trẻ em khác cũng dương tính với HIV từ vụ bê bối tái sử dụng kim tiêm trên. Hơn nữa, các bệnh viện nhà nước của Pakistan thường tập trung tại các thành phố lớn và thủ tục khám bệnh cũng còn khá phức tạp. Điều này khiến người dân phải chật vật "ký gửi" sức khỏe của mình tại các bệnh viện tư. Tuy nhiên, chi phí tại đây thường rất đắt đỏ nhưng chất lượng khám chữa bệnh lại không đảm bảo.
Bác sĩ Nhi khoa Fatima Mir, từ Đại học Aga Khan ở Karachi (Pakistan) cho biết, ít nhất 50 trẻ em đã chết kể từ khi được chẩn đoán dương tính với HIV vào năm 2019. Tuy nhiên, tình hình có thể tồi tệ hơn vì cuộc sống đói nghèo và tình trạng suy dinh dưỡng liên tục xảy ra trong khu vực.
Muzaffar Ghangro, bác sĩ chủ mưu trong vụ việc tái sử dụng kim tiêm lại đang được tại ngoại trong các phiên tòa vì hoãn thời gian xét xử. Ghangro phủ nhận các cáo buộc và phản án rằng bị các bác sĩ khác đùn đẩy trách nhiệm. Điều này gây ra làn sóng phẫn nộ cho các gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng và người dân sống tại khu vực.
Pakistan có khoảng 150.000 người lớn và trẻ em phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo này. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 1.200 trẻ em được điều trị HIV.
Kiểm soát lây lan HIV trên đất nước Pakistan vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Một phần do thiếu hụt chi phí nên các bác sĩ phải tái sử dụng các thiết bị y tế, trong đó có kim tiêm. Một phần do lòng tham của một bộ phận nhân viên y tế.
Kể từ sau vụ việc bê bối tái sử dụng kim tiêm, một cuộc điều tra để kiểm soát các nhân viên y tế hành nghề không có giấy phép. Trong 3 tháng đầu tiên, những người hành nghề trái phép đã bị niêm phong phòng khám. Tuy nhiên, sau đó các phòng khám này lại được thông quan hoạt động trở lại.
Kể từ đó, chính phủ cũng cấm nhập khẩu kim tiêm thông thường, thay vào đó sẽ sử dụng kim tiêm một lần có khóa tự động. Tuy nhiên, một bác sĩ giấu tên đã cho biết, nhiều người đã bất chấp lệnh cấm, nhập loại kim tiêm rẻ hơn để giảm tải chi phí.
Ngoài hỗ trợ thuốc retrovirus, loại thuốc chuyên biệt được sử dụng cho các bệnh nhân HIV, chính quyền nơi đây cần phải hỗ trợ các biện pháp thăm khám và điều trị vượt trội hơn cho những nạn nhân của vụ khủng hoảng năm 2019. Cung cấp thuốc là một phần thiết yếu giúp phòng tránh lây nhiễm HIV từ cha mẹ sang con cái hoặc người thân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn