Paris bị chuột cống xâm chiếm, thành phố gấp rút tìm cách “sống chung” với loài gặm nhấm

18:56 | 13/06/2023;
Các biện pháp “chung sống hòa bình” được nhiều người ủng hộ.

Paris là thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Nhưng cũng như nhiều thành phố lớn trên thế giới, ví dụ như New York hay London, Paris phải hứng chịu sự tàn phá của một loài gặm nhấm “tai quái”: chuột cống!

Chuột cống hiện diện khắp nơi đến mức mọi người đã quá quen với sự có mặt của chúng. Các phương tiện truyền thông địa phương thường nói đùa chuột giống như “món đồ trang trí không đẹp mắt của Paris”. Kể cả trong nhà hàng, bạn vẫn có thể thấy chuột bò qua lại đâu đó, khi bạn đã bày tỏ ý kiến với người phục vụ, họ chỉ dặn bạn là không cần quá lo lắng. Người ta ghét chuột, nhưng vì đuổi mãi không được nên đã coi chuột như lẽ đương nhiên.

Đến lượt Paris bị chuột cống xâm chiếm, thành phố gấp rút tìm cách để “sống chung” với loài gặm nhấm - Ảnh 1.

Đến lượt Paris bị chuột cống xâm chiếm, thành phố gấp rút tìm cách để “sống chung” với loài gặm nhấm - Ảnh 2.

Một bảng cảnh báo về chuột

Trên thực tế, Paris là thành phố có nhiều chuột thứ tư trên thế giới, sau Deshnoke ở Ấn Độ, London và New York, ở Paris nếu như số lượng dân số chỉ khoảng 2 triệu thì số lượng loài gặm nhấm nhiều hơn gấp 3 lần, tức là có đến 6 triệu cá thể.

Chuột là nguyên nhân gây nên bệnh dịch hạch chết chóc vào thế kỷ 19, cái chết đen là sự kiện đen tối đã cướp đi sinh mạng của 50 triệu dân châu Á. Nhưng về sau chuột lại xuất hiện trong cuộc sống của người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung theo một cách không ai nghĩ đến.

Có thời điểm, các thành phố ở châu Âu đã treo thưởng nóng cho người diệt được nhiều chuột nhất. Hơn 2.500 con chuột có thể bị giết chỉ trong một đêm. Da được thu gom để bán cho những người thợ, họ sẽ làm những chiếc găng tay sang trọng mới nhất, được các công tử và quý bà ở London săn lùng.

Tại cuộc vây hãm Paris năm 1870 trong cuộc chiến Pháp - Phổ, chuột thậm chí còn trở thành nguồn lương thực chính cho những cư dân đang chết đói. “Được chuẩn bị kỹ lưỡng, nấu chín để tránh nhiễm độc, chúng giúp lấp đầy bụng những kẻ đói - người ta nói rằng thịt của chúng gần giống thịt chim”.

Tìm cách “chung sống” với chuột

Thị trưởng Paris Anna Hidalgo giải thích thành phố vẫn đang duy trì chiến dịch diệt trừ chuột bắt đầu từ năm 2017. Theo đó, thành phố đã lắp đặt hàng nghìn thùng rác và bẫy mới. Nhưng vì rác thải vẫn tràn ngập trên mặt đất nên loài chuột có điều kiện, môi trường để sinh sôi nảy nở không ngừng. Hidalgo đã bị chỉ trích nặng nề vì chưa nỗ lực đủ nhiều để loại bỏ số lượng loài gặm nhấm, đặc biệt là vào đầu năm nay, khi các cuộc đình công diễn ra, rác thải chất đống khắp thành phố.

Đến lượt Paris bị chuột cống xâm chiếm, thành phố gấp rút tìm cách để “sống chung” với loài gặm nhấm - Ảnh 3.

Rác thải tràn lan là điều kiện lý tưởng để chuột phát triển.

Đến lượt Paris bị chuột cống xâm chiếm, thành phố gấp rút tìm cách để “sống chung” với loài gặm nhấm - Ảnh 4.

Chó nghiệp vụ giúp hỗ trợ săn chuột

Sau nhiều thập kỷ chiến đấu và diệt trừ chuột cống, Tòa thị chính Paris hiện đã thành lập một ủy ban để cùng tìm ra phương pháp “sống chung” với chuột cống. Nhóm vẫn có kế hoạch mua hàng nghìn thùng rác mới, cũng như lắp đặt bẫy trong trường hợp cần thiết, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến chuột một cách trực diện như trước. Quan trọng là nhóm sẽ đề xuất các biện pháp ngăn chặn cư dân thành phố xả rác ra đường phố - điều kiện lý tưởng để chuột phát triển.

Tờ Politico giải thích: “Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đang muốn gửi đến một thông điệp ‘làm bạn’ với lũ chuột”. Cụ thể, “chung sống hòa bình” ở đây không phải là sống chung với chuột trong nhà, mà là đảm bảo rằng những con vật này không chịu đựng đau đớn, đồng thời người dân cũng không bị quấy rầy.

Sáng kiến mới này là một phần của nghiên cứu có tên Dự án Armageddon, nhằm “giúp quản lý chuột ở Paris và phát triển kiến thức về đa dạng sinh học đô thị”.

Theo văn phòng thị trưởng, mặc dù “chuột ở Paris không gây ra nguy cơ ‘đáng kể’ cho sức khỏe cộng đồng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên để lũ chuột lang thang trong thành phố”, bởi chuột là vật mang mầm bệnh.

Đối với các nhà bảo vệ môi trường, chuột rất hữu ích cho hệ sinh thái và “nỗi sợ hãi bất thường” mà chúng gây ra là “không chính đáng”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn