PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan: Người phụ nữ thứ hai giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020

16:51 | 14/05/2020;
Ba công trình đạt giải (hai giải chính, một giải trẻ) đều là các nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín, nhà khoa học được đề cử là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình.

Ba nhà khoa học PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (trường Đại học Y Dược TPHCM), PGS. TS Phạm Tiến Sơn (trường ĐH Đà Lạt) và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã trở thành những gương mặt xuất sắc giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020. 

Với kết quả này, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng, sau PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương).

Công trình của PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries” được xuất bản trên The New England Journal of Medicine, một trong ba tạp chí hàng đầu ngành y (Cell, The Lancet và The New England Journal of Medicine). 

Nghiên cứu này xác định ra: đối với phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang, khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, việc chuyển phôi đông lạnh không làm tăng có ý nghĩa tỉ lệ thai diễn tiến hay tỉ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi”. Không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt học thuật, công trình này còn có giá trị ở chỗ “góp phần làm vào thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam. Ước tính ở Việt Nam hiện nay mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. 

Việc trả lời câu hỏi khi nào thực hiện kiểu chuyển phôi nào giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân”, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết. Điều đáng chú ý là vấn đề nghiên cứu so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những vấn đề nóng trong lĩnh vực y học sinh sản. 

Trên thế giới, có khoảng 10 nhóm nghiên cứu ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch, Hồng Kông,… đều thực hiện cùng lúc việc nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan, gồm các nhà nghiên cứu trẻ ở trường đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện Mỹ Đức (TPHCM), đã cùng một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc hoàn thành trước. 

Do đó, The New England Journal of Medicine đã quyết định đăng tải kết quả của cả hai công trình nghiên cứu này trong cùng một số báo. Với kết quả này, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan đã trở thành nhà khoa học nữ thứ hai và cũng là đại diện thứ hai của ngành y sinh được vinh danh trong giải thưởng sáng giá nhất của khoa học Việt Nam.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng - Ảnh 1.

Ba nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 (từ trái qua: PGS.TS Phạm Tiến Sơn, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu) - Ảnh: NAFOSTED

Đây là kết quả được Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu do GS. TS Ngô Việt Trung làm chủ tịch Hội đồng, lựa chọn trên cơ sở 8 hồ sơ lọt vào chung kết.

Tất cả các hồ sơ này đều trải qua một quá trình sàng lọc, đánh giá một cách nghiêm cẩn và khách quan, bắt đầu từ hội đồng khoa học chuyên ngành Quỹ Nafosted đến phản biện độc lập từ bên ngoài (ít nhất mỗi công trình ba phản biện độc lập). Dù ở giải chính hay giải trẻ thì ba công trình này (hai giải chính, một giải trẻ) đều đáp ứng yêu cầu của những tiêu chí cơ bản: các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó; công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.

Theo Bộ KH-CN, các đề cử Giải thưởng năm nay ghi nhận sự đa dạng của các đơn vị nghiên cứu đến từ các khu vực miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), miền Nam (TP.HCM) và khu vực Tây Nguyên (Đà Lạt). Điều này cho thấy phát triển đồng đều của khoa học Việt Nam tại các vùng miền trên cả nước, ngoài hai trung tâm khoa học lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Đặc biệt, đây là năm thứ hai một nhà khoa học nữ trong lĩnh vực y sinh dược học đoạt giải thưởng.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hàng năm của Bộ Khoa học và công nghệ do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia làm cơ quan thường trực - là giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Lễ trao giải thưởng năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 tại Hà Nội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn