Nhân dịp này, phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đào Việt Hà về hành trình nghiên cứu khoa học của chị.
Hạnh phúc khi kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn, được cộng đồng ghi nhận
- Xin chào PGS.TS Đào Việt Hà! Được biết chị là chủ nhân của rất nhiều công trình nghiên cứu, khoa học liên quan đến biển, đảo, đại dương. Vậy trong số đó, chị tâm đắc với nghiên cứu nào nhất?
PGS.TS Đào Việt Hà: Tôi theo đuổi hướng nghiên cứu về độc tố và an toàn thực phẩm biển từ rất lâu. Các đề tài khoa học tôi chủ trì thực hiện luôn bám sát những vấn đề nổi cộm, nhức nhối của xã hội và nhu cầu đáp ứng về chất lượng hải sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tôi và nhóm nghiên cứu đã từng bước giải quyết những mảng trống trong hướng nghiên cứu về độc tố biển và an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Lựa chọn cách tiếp cận bám theo những ca ngộ độc thực phẩm biển khi hoàn toàn không ai biết lý do, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi là bằng chứng khoa học về bản chất, thành phần và đặc tính của độc tố trong các loài động vật biển Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu này được tích lũy, tập hợp và xuất bản trong cuốn sách chuyên khảo "Động vật độc biển Việt Nam" (NXB Khoa học Kỹ thuật, ISBN 978-604-67-1489-7). Để thực hiện, tôi đã tập hợp các tài liệu khoa học của thế giới và những kết quả nghiên cứu trong suốt gần 20 năm tại Việt Nam. Với mong muốn cung cấp một tài liệu chuyên khảo khá đầy đủ, đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người đọc, tôi đã cân nhắc, chọn lọc ưu tiên những đặc điểm cơ bản và nổi bật nhất với các hình ảnh sử dụng trong sách hầu hết được các cán bộ khoa học của Viện Hải dương học thu thập từ các chuyến khảo sát tại vùng biển Việt Nam.
Cuốn sách đáp ứng được nhu cầu của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về lĩnh vực liên quan và cộng đồng nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm độc, ngộ độc từ các động vật độc biển Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người. Cuốn sách cũng cung cấp các thông tin khoa học, là nguồn tư liệu định hướng cho các nghiên cứu khai thác và ứng dụng nguồn độc tố biển phục vụ đời sống. Đặc biệt, cuốn sách là sự đóng góp của tôi hưởng ứng hoạt động về "Các hành trình trong thập kỷ Khoa học đại dương của Liên Hợp Quốc vì sự Phát triển bền vững (2021 - 2030)".
- Điều gì là động lực mạnh mẽ nhất giúp chị nuôi dưỡng đam mê theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học của mình?
PGS.TS Đào Việt Hà: Là người Việt Nam đi tiên phong trong hướng nghiên cứu về độc tố biển - một hướng nghiên cứu khó, có thể nói chúng tôi bắt đầu với nhiều khó khăn về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Nhưng sau đó, với những cố gắng không ngừng, từng bước, hướng nghiên cứu độc tố biển tại Việt Nam được quốc tế ghi nhận, kinh nghiệm, kiến thức của của chúng tôi trong lĩnh vực này đang được đánh giá cao, có giá trị tham chiếu và khẳng định quan trọng về khoa học trong đối thoại của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu và tăng cường uy tín về năng lực khoa học của Việt Nam.
Đặc biệt, tôi từng có giây phút mừng rơi nước mắt khi các bác sĩ y khoa liên hệ với tôi để cảm ơn vì họ đã điều trị thành công, cứu sống nạn nhân của những ca ngộ độc thực phẩm từ động vật độc (cá nóc, so, cua rạn…) từ các thông tin khoa học về bản chất độc tố mà tôi cung cấp. Hay những lần được nghe chính người dân ven biển nói họ đã từ bỏ thói quen ăn cá nóc từ khi họ biết rằng thịt cá nóc vẫn độc dù được nấu chín kỹ vài tiếng đồng hồ… Những ví dụ này chứng tỏ kết quả nghiên cứu của chúng tôi có giá trị thực tiễn, được cộng đồng ghi nhận và đã hướng tới một cuộc sống nơi con người Việt Nam chúng ta mạnh khỏe hơn, tốt đẹp hơn. Đó động lực nuôi dưỡng đam mê, theo đuổi hướng nghiên cứu trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp của môi trường biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng ngộ độc thực phẩm biển cũng trở nên phức tạp hơn, với sự xuất hiện của một số độc tố biển mà trước đó chưa được ghi nhận tại Việt Nam.
- Được biết, chị là nữ Viện trưởng duy nhất trong tổng số 16 Viện trưởng của Viện Hải dương học từ năm 1922 đến nay, điều đó có thuận lợi và khó khăn như thế nào đến quá trình nghiên cứu khoa học của chị?
PGS.TS Đào Việt Hà: Là nữ viện trưởng duy nhất trong tổng số 16 Viện trưởng Viện Hải dương học từ năm 1922 đến nay, bản thân tôi được kế thừa những kinh nghiệm và thành tựu của các thế hệ trước và được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Nhà nước và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam trong xây dựng tiềm lực, trong phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và trong định hướng chiến lược về khoa học công nghệ biển. Tôi có được sức mạnh tập thể từ sự đoàn kết, thống nhất và ý thức trách nhiệm cao của mỗi cá nhân cán bộ, viên chức Viện Hải dương học trong các hoạt động của đơn vị.
Do tính chất đặc thù về nghiên cứu khoa học công nghệ biển, có những công việc của lãnh đạo đơn vị tưởng chừng không dành cho phụ nữ, ví dụ tổ chức, điều hành hay trực tiếp tham gia những chuyến khảo sát biển; ứng phó, xử lý tình huống và cần có những quyết định phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng con người, bảo vệ tài sản nhà nước (các thiết bị khảo sát…) nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc, hoàn thành nhiệm vụ…
Giai đoạn gần đây, Viện Hải dương học đã phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, khắc phục những khó khăn, thử thách để xây dựng tiềm lực khoa học và đạt được những thành tích trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý và phát triển cơ sở vật chất để trở thành một trung tâm nghiên cứu mạnh về hải dương học trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định được uy tín, vị thế trên trường quốc tế.
Để đeo đuổi đam mê, phải chịu khó, chịu khổ, chịu áp lực từ nhiều phía
- Được biết, với vai trò Giám đốc Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, chị đã xây dựng ý tưởng và triển khai những giải pháp đổi mới, mở rộng hệ thống trưng bày nhằm lan tỏa và nhận rộng ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền biển đảo trong cộng đồng. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động này?
PGS.TS Đào Việt Hà: Trong giai đoạn gần đây, nhằm tạo nên những điểm nhấn nổi bật trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi đã đưa ra ý tưởng và thực hiện các chuyên đề trưng bày mới. Điển hình là Khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa" và Khu trưng bày bộ bản đồ biển xuất bản thời Pháp "Hiện diện trên Biển Đông". Khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa" là điểm trọng tâm của hoạt động truyền thông về chủ quyền biển đảo được xây dựng bố cục đa dạng với nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng tài nguyên trong lịch sử Việt Nam và các mẫu vật tiêu bản cũng như sinh vật sống có liên quan đến hai quần đảo thiêng liêng này.
Chuyên đề trưng bày mới mang chủ đề "Sức sống Đại dương" thuộc khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa" bao gồm tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn với công nghệ hiện đại đã được chúng tôi đưa vào hoạt động từ năm 2020 nhằm giới thiệu những thành quả ứng dụng khoa học công nghệ của Viện cũng như sự phong phú về tài nguyên biển của hai quần đảo thiêng liêng này. "Sức sống Đại dương" đã tạo nên sức hút lớn, gây tiếng vang đối với cộng đồng; qua đó, thông điệp về giá trị của tài nguyên và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được chuyển tải và lan tỏa. Khu trưng bày bản đồ "Hiện diện trên Biển Đông" là thông điệp truyền thông quá trình liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Sau hơn 30 năm tham gia nghiên cứu khoa học, hiện tại mong muốn và trăn trở lớn nhất của chị là gì?
PGS.TS Đào Việt Hà: Sau hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, điều mà tôi luôn tâm niệm, mỗi người để đeo đuổi đam mê của mình phải chịu khó, chịu khổ, chịu áp lực từ nhiều phía. Trăn trở nhất lớn nhất hiện nay của tôi chính là việc duy trì tính kế thừa thông qua đào tạo và làm sao để tạo được môi trường làm việc thật tốt cho thế hệ trẻ, từ đó khích lệ các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những nhà khoa học nữ mạnh dạn tham gia nghiên cứu đối diện và vượt qua thử thách.
- Xin trân trọng cảm ơn chị!
Ở Việt Nam, kể từ năm 1985, giải thưởng Kovalevskaia được dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong 38 năm qua, đã có 22 tập thể và 53 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được vinh danh.
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 được trao cho 2 cá nhân là: PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và GS.TS Hoàng Thị Thái Hoà, Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn