Pha Long (Lào Cai) năm 1979: Cuộc chiến của 1 chọi 10

23:12 | 14/02/2019;
Trước khi cuộc chiến nổ ra, phía Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động khiêu khích. Thậm chí, chúng còn bắn chết 2 Đồng chí Nguyễn Văn Quân và Trần Văn Thực của Đại đội 177 đang đi làm nhiệm vụ và bắt đồng chí Nguyễn Đình Ấm, Bí thư Đảng ủy xã Pha Long mới được tăng cường về.

Ý đồ cố tình gây hấn và xâm lược

Từ ngày 17/7/1976, Trung Quốc đưa lực lượng cảnh sát và dân binh khoảng 30-40 người chiếm bãi bồi sông Xanh. Chúng đào đất đắp đập nắn cho dòng chảy về phía Việt Nam. Ngày 19/7/1976, Đồn trưởng, Trung úy Nguyễn Văn Lỵ cùng một số cán bộ chiến sĩ của Đồn đã trực tiếp tới hiện trường đấu tranh với phía Trung Quốc. Phía đối phương tổ chức bao vây hành hung làm cho 2 chiến sĩ của Đồn bị thương.

Giữa năm 1977, Trung Quốc huy động hàng trăm dân thường, dân binh và bộ đội đóng giả dân đế bãi bồi sông Xanh đắp đập ngăn dòng chảy tạo độ sâu sang đất ta 70m và chiếm bãi bồi Cồn Soi (xã Dìn Chin) trồng ngô. Đồn Pha Long đã huy động nhân dân ra bãi đấu tranh nhiều lần và cán bộ Đồn Pha Long sang Đồn Lao Kha (Trung Quốc) phản kháng nhưng họ vẫn cố tình lấn chiếm. Sang năm 1978 sau mùa nước lũ, phía đối phương mới hoàn trả.

d1bda2e71fa1f6ffafb0.jpg
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long tuần tra biên giới

 Từ  tháng 5 đến tháng 9/1977, phía đối phương luôn luôn tạo ra tình hình căng thẳng trên biên giới. Họ tăng cường quân đội và cảnh sát vũ trang bố phòng dọc theo đường biên hạn chế không cho nhân dân sản xuất, tuyên truyền về Việt Nam theo xét lại Liên Xô và Việt Nam chuẩn bị đánh Trung Quốc nên Trung Quốc phải chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam.

Từ tháng 11/1977, ở những địa phương trong tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1991 tách thành Lào Cai và Yên Bái) có người Hoa, Hán sinh sống như khu vực Pha Long địch tung tin như “chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc sắp xảy ra; tổ quốc Trung Hoa kêu gọi Hoa kiều về nước đem theo khoa học kỹ thuật về xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc”…khiến cộng đồng người Hoa hoang mang rồi vượt biên về nước. Từ cuối tháng 11/1977 đến ngày 15/4/1978 đã có 192 hộ với 1.035 khẩu thuộc địa bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn và 3.466 khẩu ở các tỉnh khác vượt qua biên giới Lào Cai trở về Trung Quốc. Trong số người Hoa về nước có một số cán bộ, công nhân viên nhà nước, có cả người là đảng viên.

Từ đầu năm 1978, quan hệ giữa các đồn Công an vũ trang Việt Nam và các đồn Biên phòng Trung Quốc đã có những dấu hiệu không bình thường. Tháng 5/1978, họ đơn phương cắt đứt quan hệ với các đồn Biên phòng của ta. Các thế lực thù địch kích động người Hoa về Trung Quốc, gây ra các vụ khiêu khích vũ trang, xâm lấn trái phép… gây hoang mang trong nhân dân và làm đình trệ sản xuất ở khu vực biên giới.

 Ngày 15/9/1978 có 7 tên biệt kích xâm nhập khu vực Xín Chải (Pha Long), Đồn kịp thời bắn đuổi, trong đó 2 tên đã bị thương. Ngày 20/11/1978, quân Trung Quốc đã tổ chức xâp nhập sang đất Việt Nam, chúng mật phục ở giữa khu vực mốc 20 – 21 bắn chết 2 Đồng chí Nguyễn Văn Quân và Trần Văn Thực của Đại đội 177 bộ đội huyện Mường Khương đóng trên khu vực Pha Long đang đi làm nhiệm vụ và bắt đồng chí Nguyễn Đình Ấm – Bí thư Đảng ủy xã Pha Long mới được cấp trên tăng cường về.

Kiên cường gìn giữ biên cương

Sau nhiều ngày khiêu khích, 5h45 ngày 17/2/1979, Trung Quốc dùng các loại pháo lớn đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Tại Pha Long, ngày 17/2 địch dùng 2 Trung đoàn tấn công dọc tuyến biên giới do Đồn Pha Long phụ trách, tấn công chính diện vào khu vực Pha Long.

Tuy nhiên, khi đánh vào các mục tiêu, địch gặp phải sức chiến đấu rất quyết liệt của quân ta. Sáng ngày 17/2 bộ binh địch cùng xe cơ giới tiến công vào trạm Biên phòng Lồ Cô Chin, 7 chiến sĩ biên phòng dưới sự chỉ huy của Thiếu úy Hà Văn Sặn đã bắn ngã hàng chục tên địch, nhiều lần địch xung phong vào trạm Biên phòng đều bị chặn đứng. Tức tối, địch tập trung các loại hỏa lực mạnh tiến công dồn dập làm Trạm trưởng Hà Văn Sặn và 3 chiến sĩ hy sinh. Số anh em còn lại phải rút về đồn Pha Long cùng đơn vị chiến đấu.

a3.png
Cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long trinh sát biên giới

 Trong 4 ngày từ 17 đến 20/2, địch tổ chức tiến công 20 lần với 5 đợt tấn công lớn. Mặc dù thông tin liên lạc bị cắt đứt, vũ khí đạn dược thiếu thốn, lương thực thực phẩm cạn dần nhưng cán bộ chiến sĩ Đồn Pha Long vẫn động viên nhau kiên quyết đánh địch đến viên đạn cuối cùng. Có ngày giữa ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào, dũng cảm chiến đấu để giữ vững trận địa.

Trong cuộc chiến đấu này, ngay từ đầu Thượng úy Đồn Phó Nguyễn Anh Đức đã lên chốt đi sát các khẩu đội cối, đại liên, chỉ huy đơn vị chiến đấu phòng ngự, anh đã ngã xuống chiến hào khi đợt tấn công cuối cùng trong ngày cuả địch bị đập tan. Đảng viên Lê Khắc Xuân, từ khi mở màn trận đánh đến khi đơn vị rời khỏi trận địa lúc 21h30 ngày 20/2 đã 5 lần nhận nhiệm vụ đột xuất băng mình qua lửa đạn, chiến đấu hết sức ngoan cường.

Công tác chỉ huy trong toàn bộ trận đánh được Thượng úy Trần Xuân Ngọc thực hiện linh hoạt, vừa quán xuyến các điểm phòng ngự, vừa xử lý kịp mọi tình huống. Cụm chốt của cửa khẩu đã kìm chân địch dưới chân cao điểm 1612 suốt ngày 17/2, làm cho địch không tiến đánh được Đồn. Do đó, Đồn có điều kiện tập trung lực lượng đánh chặn cánh quân vu hồi của địch ở hướng nam. Khi thấy cuộc chiến đấu quanh pháo đài Lê Đình Chinh cách Đồn 200m đường chim bay xảy ra đột ngột, Chính trị viên Trần Xuân Ngọc Ngọc ra lệnh cho thượng sĩ Lê Khắc Xuân, Đội phó đội vận động quần chúng dẫn 7 chiến sĩ lên mỏm đồi phía tây pháo đài Lê Đình Chinh, cùng một phân đội cơ động chốt ở đấy đánh chặn địch không để chúng tiến xuống đường đi Mường Khương chạy ngang trước mặt Đồn. Quyết định của người chỉ huy tăng cường lực lượng kịp thời cho hướng chủ yếu đã có tác dụng kìm chân địch.

Trong đợt tấn công lớn thứ 5 của địch vào lúc 19h ngày 19/2, một trung đội địch đã lọt vào Đồn, cuộc chiến đấu ở tầm gần trong đêm tối lại diễn ra quyết liệt. Sau những phát đạn B40 các chiến sĩ của ta đã dùng AK, lựu đạn tiêu diệt 20 tên địch, địch không đánh nổi phải tháo ra, ta thu 2 khẩu B41, 3 khẩu B 40 và nhiều lựu đạn. Ngày 20/2, địch bắn súng cối vào Đồn suốt 3 giờ, sau đó lợi dụng trời tối chúng tràn vào Đồn, các chiến sĩ Đồn Pha Long đánh trả quyết liệt. Trận này Đồn đã tiêu diệt gần 100 tên, địch lại phải rút ra.

a2.png
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long gặp gỡ, chia sẻ với người dân

 Bức điện thay lời vĩnh biệt

Trong 4 ngày đánh địch, trong số các bức điện của Đồn Pha Long đánh đi có 2 bức điện rất xúc động, đó là bức điện đánh đi trưa ngày 18/2 có nội dung: "Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu’’ và bức điện thứ hai được Ban Chỉ huy Đồn đánh đi lúc 11 giờ ngày 19/2 có nội dung: "Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các Đồng chí.’’

Nhận thấy không còn đủ số đạn để chiến đấu, sau khi xin ý kiến và được sự nhất trí của Ban Chỉ huy Công an vũ trang tỉnh, đơn vị đã đưa toàn bộ thương binh rút ra khỏi pháo đài lúc 23h về hậu cứ Suối Thầu.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, cán bộ chiến sĩ đồn Pha Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt 740 tên địch, thu được nhiều súng đạn của địch. Mặc dù địch đông quân gấp hơn 10 lần nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đồn vẫn đập tan các cuộc tấn công của địch trong suốt 4 ngày đêm.

Pha Long là xã biên giới thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai). Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Pha Long là một trong những địa điểm diễn ra ác liệt. Đồn Biên phòng Pha Long (trước năm 1979 tên là Đồn Cảnh sát vũ trang Pha Long) cùng với nhân dân vùng biên giới đã kiên cường chiến đấu, đẩy lùi các cuộc tiến công của địch, giữ vững chủ quyền an ninh Quốc gia. 

 

Trải qua hơn 30 ngày đêm chiến đấu, Đồn Pha Long đã lập công xuất sắc, tiêu diệt 740 tên, bắn bị thương 57 tên, thu 14 súng CKC, 8 AK,  2 trung liên, 8 hòm lựu đạn, 5 khẩu K54, 1 B40 góp phần cùng quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đập tan cuộc tấn công xâm lược của kẻ thù. Ngày 06/3/1979, đối phương buộc phải rút quân về nước.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn