Phải hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt phân biệt tuổi tác

17:46 | 01/10/2018;
Đó là khẳng định của bà Trần Bích Thủy - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge) tại buổi tọa đàm “Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước” ở Hà Nội chiều 1/10.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên 21 triệu người, chiếm 20% vào năm 2038.
 
nguoi-cao-tuoi-2.JPG
Câu lạc bộ dưỡng sinh của người cao tuổi

 

Theo dự báo của Tổng cuộc thống kê, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế- xã hội nếu không có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ướng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.
 
Trong bối cảnh đó, mặc dù có nhiều nỗ lực để thay đổi cái nhìn về người cao tuổi và tuổi già trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng “các định kiến và thái độ tiêu cực coi người cao tuổi như là những người già yếu, không được đụng đến, là gánh nặng hoặc phụ thuộc đang rất phổ biến”. Điều đó dẫn đến phân biệt đối xử về tuổi tác. Thái độ phân biệt tuổi tác có thể dẫn tới sự đối xử ngược đãi với người lớn tuổi trong quá trình chăm sóc. Phân biệt đối xử xảy ra nhiều ở gia đình, cộng đồng, nơi làm việc, nhà dưỡng lão, bệnh viện…  Việc gạt người cao tuổi ra ngoài lề và không coi trọng giá trị của người cao tuổi đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
 
Bà Trần Bích Thủy - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge) nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt phân biệt tuổi tác, đặc biệt xóa bỏ suy nghĩ cho rằng người cao tuổi là gánh nặng, thụ động và phụ thuộc bởi điều đó hoàn toàn trái với những gì chúng ta đang nhìn thấy hàng ngày. Phân biệt tuổi tác chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ cản trở già hóa tích cực, cản trở việc đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)”.
 
nguoi-cao-tuoi-3.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước”

 

Để hạn chế tình trạng phân biệt tuổi tác, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh- Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng, cần xoá bỏ các rào cản về tuổi tác trong các chính sách, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường xã hội để đảm bảo người cao tuổi có thể tham gia vào hoạt động kinh tế-xã hội. Hiện nay, mô hình câu lạc bộ người cao tuổi như câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đang hoạt động rất hiệu quả, cần phát triển các mô hình này tại các địa phương.
 
Còn bà Astrid Bant - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho rằng, phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với tuổi già vui vẻ và hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hơn nữa quyền của người cao tuổi và đảm bảo người cao tuổi được tham gia một cách đầy đủ trong các hoạt động xã hội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn