Khi được phân công tham mưu giúp việc cho lãnh đạo TW Hội Phụ nữ Việt Nam về nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, qua những chuyến công tác cơ sở, được chứng kiến, suy nghĩ về những khó khăn, thách thức của ngành nông nghiệp nước nhà như vấn đề tiêu thụ sản phẩm, phong trào “trồng - chặt”, “nuôi - bỏ”, đời sống còn nhiều khó khăn của bà con trên các vùng miền của Tổ quốc, tôi có nhiều suy nghĩ về vai trò của hợp tác xã. Đặc biệt, khi đọc được bài viết của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về thực trạng, vai trò của kinh tế tập thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới thì nhận thức mới của tôi càng trở nên rõ nét và chắc chắn hơn, khẳng định hơn về hợp tác xã là hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Do vậy, Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế đã tham mưu để Trung ương Hội LHPN Việt Nam ban hành định hướng hoạt động cho các cấp Hội trong việc hỗ trợ phát triển các mô hình phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020.
Mô hình trồng hoa của HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang - Bắc Giang) Ảnh: Anh Thơ |
Mong muốn là vậy, nhưng khi bắt tay vào triển khai, Hội cũng gặp phải rất nhiều rào cản từ đội ngũ cán bộ đến hội viên, phụ nữ. Tâm tư đầu tiên của chị em là “chúng tôi sợ HTX lắm rồi, thành lập ra để làm gì, ai sẽ tham gia ?”. Hội đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ và cho chính những chị em đang sản xuất cùng 1 loại hàng hóa trên một địa bàn. Nội dung của lớp học được đặt ra nhằm thảo luận những khó khăn, vướng mắc, kể cả những cơ hội, thuận lợi và giải pháp của từng khâu trong chuỗi sản xuất của chính loại hàng hoá, dịch vụ mà các thành viên lớp học đang làm. Sau thảo luận mọi người đều nhận ra rằng: “Chúng ta phải làm cùng nhau thôi, phải tin nhau thôi, phải cùng đứng về 1 phía”. Trong quá trình tập huấn, chúng tôi đã cho chị em thảo luận về ý kiến đề nghị của chị em với Nhà nước “Chính phủ phải mua sản phẩm để cứu bà con, không thể để bà con trồng rồi lại chặt, phá bỏ”. Qua những cuộc tranh luận sôi nổi ấy, chính chị em đã nhận thấy vai trò của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương là có trách nhiệm trong xây dựng quy hoạch, cung cấp thông tin về thị trường và người sản xuất phải đưa ra được quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, giá bao nhiêu, bán cho ai, thông qua kênh tiêu thụ nào... Chúng tôi rất vui vì chị em đã thấy được vai trò chủ thể của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hiểu được tầm quan trọng của hợp tác xã. Hợp tác xã không làm mất đi vai trò kinh tế hộ mà nó giải quyết được những hạn chế, khó khăn của kinh tế hộ và đồng thời còn làm cho kinh tế hộ hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, ngay tại lớp tập huấn, chị em đã thảo luận về cách tổ chức hoạt động của HTX, tổ hợp tác và phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Ban quản lý, việc ghi chép sổ sách, báo cáo tài chính như thế nào cho phù hợp nhất. Như vậy, đội ngũ giảng viên chúng tôi chỉ đóng vai trò là người thúc đẩy, hỗ trợ, hướng dẫn và gợi mở các vấn đề để chính chị em thảo luận và đưa ra quyết định.
Mô hình Tổ phụ nữ liên kết nuôi gà Yên Thế tại xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang |
Với tất cả nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Hội, 3 năm qua, Hội đã hỗ trợ thành lập được gần 1500 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với sự tham gia tự nguyện của trên 43.000 phụ nữ khắp cả nước. Các mô hình kinh tế tập thể này đã tạo thêm được việc làm cho gần 24 ngàn lao động nữ trong đó đã hỗ trợ không ít chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ tuổi trung niên khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Tùy điều kiện của từng địa phương có thể thành lập các tổ hợp tác và đây sẽ là nền móng cho các hợp tác xã trong tương lai. Việc xây dựng mô hình cũng đã chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo của các cấp Hội, bởi mô hình đã huy động được sự tham gia của các hộ kinh tế khá, có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh đóng vai trò nòng cốt của tổ hợp tác và hợp tác xã. Do vậy, các mô hình đó đã thực sự đã tạo ra được sự gắn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.
Không thể diễn tả hết cảm xúc vui mừng của chúng tôi khi được về thăm lại mô hình tổ liên kết do Trung ương Hội làm “bà đỡ”. Đó là Tổ phụ nữ liên kết nuôi gà Yên Thế tại xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Chị Đinh Thị Hiệp say sưa kể về những lứa gà được xuất chuồng cho doanh thu tăng gấp 5 lần so trước khi thành lập tổ liên kết. Đã có 3 hộ thoát nghèo từ khi tham gia tổ hợp tác. Các chị có tài sản chung là 4 máy ấp trứng do Đề án dạy nghề, hỗ trợ việc làm của TW Hội hỗ trợ cho lao động nữ. Máy ấp trứng không những được phục vụ cho các thành viên của tổ hợp tác mà còn phục vụ các hộ gia đình nuôi gà trong xã. Mỗi người, khi sử dụng máy đều nộp khoản phí nhỏ đã được tính toán đủ để chi phí vận hành và duy trì bảo dưỡng máy. Những người không phải là thành viên của tổ đóng phí cao hơn và số tiền đó được trở thành một nguồn thu của mô hình. Chị Lê Thị Kim, Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty Giang Sơn, Yên thế, Bắc Giang - một công ty chuyên tiêu thụ gà, cho biết: Nhờ ký hợp đồng với Tổ hợp tác nuôi gà, doanh nghiệp chị có thêm nguồn cung gà ổn định, giá trị dinh dưỡng cao.
Nghề dệt thổ cẩm tại HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Ảnh Minh Thủy |