Phải "nịnh" và "nhịn" mới giữ được người giúp việc?

09:05 | 20/02/2022;
Tìm người giúp việc tốt không khó, chỉ có điều mình phải đáp ứng tất cả những yêu cầu của họ. Ngoài việc đối xử tốt, còn phải coi họ như người nhà mình. Nhưng đấy là đối với những người làm việc có tâm...

Sau Tết, mấy chị đồng nghiệp của cô lại ngồi túm tụm để trao đổi về tìm người giúp việc gia đình. Có chị khó tính, thay đến cả chục người trong một năm. Có người nhiều năm rồi chưa thay người nào. Tham gia vào nhóm này, cô chỉ biết mắt tròn mắt dẹt lắng nghe vì không ngờ, để sống chung với 1 người ngoài lại phức tạp đến thế. Năm nay, bà nội sang trông con giúp chú hai, cô cũng cần tìm người phụ giúp việc nhà và chăm con nên đang chăm chú học hỏi kinh nghiệm.

Các chị ấy bàn luận rất xôm về việc ứng xử với người giúp việc thế nào. "Thường thì đến Tết, nhà mình biếu bà giúp việc 3 triệu và 1 bộ quần áo mới. Thế mà bà ấy vẫn nói rằng bà ấy ở nhà khác được tận 1 tháng lương". "Ôi bà ở nhà em thì lười lắm, em chỉ muốn tìm người khác". Có chị kể: "Người ta mà sạch sẽ, chịu khó, thì có mắc một vài lỗi cũng phải bấm bụng mà bỏ qua, "nịnh" họ nhiều vào, không họ tự ái bỏ về ngay!".

Nghe kể đến đấy, có chị vỗ tay đồng ý kiểu rất thấu hiểu: "Đúng rồi, ngày trước, bà giúp việc nhà em lỡ làm cháy mất cái nồi do mải pha nước tắm cho cháu. Dù tiếc ngẩn tiếc ngơ cái nồi cả triệu bạc, em cũng chỉ dám nhắc nhở nhẹ nhàng. Từ đó, bà ấy cũng cẩn thận hơn, quý mình hơn".

Theo kinh nghiệm của một số chị em trong phòng, tìm người giúp việc tốt không khó, chỉ có điều mình phải đáp ứng tất cả những yêu cầu của họ. Ngoài việc đối xử tốt, còn phải coi họ như người nhà mình. Nhưng đấy là đối với những người làm việc có tâm, chứ một số người lại mắt trước mắt sau chỉ chực lười làm.

Có chị kể về kinh nghiệm cảnh giác với người giúp việc: "Phải lắp camera trong nhà, theo dõi sát sao, có nhiều bà chỉ thích ăn vụng, lười làm ham chơi, không chú ý con cái mình đâu". Chị ấy còn giơ cả bằng chứng cho cô xem, nào là hình ảnh chụp cảnh bà giúp việc rủ người khác về hát hò trong nhà trong lúc chủ đi vắng hay cảnh bà ấy ngủ gật để con nhỏ bò ra sân một mình… Cô cảm thấy hoang mang lắm.

Theo quan điểm của cô, công việc nào cũng là việc. Cô không coi khinh bất kì ai nhưng khi đã lựa chọn làm việc gì thì phải tận tâm. Cô sẽ không chịu được cảnh người lạ tự do sử dụng nhà mình như các chị ấy kể. Nghe chuyện của mọi người, cô thấy lo lắng. Tìm người phụ giúp việc nhà, trông bé con, khó khăn đến như vậy sao? Chồng cô lại khá gia trưởng, không thích người lạ sống trong nhà, liệu chồng cô có nín nhịn được những điều chưa tốt để "nịnh" được họ hay không?

Con cô còn quá nhỏ, hiện tại cô đang có sự giúp đỡ của bà nội. Năm sau cô vẫn cần có người giúp việc. Cô mong Thanh Tâm gợi ý giúp cô cách sống chung với họ.

Sống cùng một người lạ tất nhiên sẽ có nhiều chuyện có thể xảy ra. Cần có cách xử lý phù hợp để cả 2 bên cảm thấy thoải mái. Nếu chủ nhà đối xử tốt, tôn trọng người giúp việc, thì họ cũng tận tâm giúp đỡ và chăm sóc con cái, nhà cửa chu đáo. Ở cùng với nhau cần có tình cảm.

Tuy nhiên, trước khi làm việc với nhau, cần có các quy định rõ ràng về công việc và trách nhiệm. Sau đó, lấy sự chân thành làm cán cân để duy trì thế cân bằng. Họ chăm sóc tốt con cái mình thì mình cũng nên quan tâm, giúp đỡ họ. Có cho, có nhận, cả 2 bên sẽ hợp tác vui vẻ. Thanh Tâm khuyên cô không nên lo lắng quá, nhiều người giúp việc đã tìm cho mình được 1 gia đình phù hợp, gắn bó lâu dài và nhiều gia chủ cũng tìm được người hỗ trợ việc nhà có tâm, có tình.

Vợ chồng cô cũng có thể tính phương án tìm một nơi gửi con, thuê người giúp việc theo giờ nếu thấy cần thiết. Cách này đòi hỏi vợ chồng cô phải nỗ lực chăm sóc gia đình và con cái mà vẫn giữ được sự riêng tư.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn