Phạm Hồng Phước và nụ hôn cháy nồng trên phố

07:59 | 27/11/2016;
Ở con đường Trần Hưng Đạo ấy, những năm tháng tuổi thơ với bao nhiêu khám phá đã cho ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Phạm Hồng Phước niềm yêu thương và quá nhiều dấu ấn. Sắc đèn xanh - đỏ trên đường đủ để nuôi dưỡng kỷ niệm đến tận khi đã trưởng thành.

Ngắm Sài Gòn từ xe chở bánh

Ca sĩ Phạm Hồng Phước từng kết hợp với cây viết Tùng Leo ra mắt tập sách nhạc Những con đường mang tên đừng có nhớ. Đừng có nhớ, nhưng không phải là quên đi. Đừng có nhớ, nghĩa là nhớ rất nhiều, nhớ tới điên cuồng luôn.

Bởi thế, khi vừa hỏi Phước, con đường nào gắn bó nhiều kỷ niệm với em, chàng ca sĩ trẻ này đã chọn một cách không do dự: đường Trần Hưng Đạo, Q.1. Những bức hình cả mới lẫn cũ, đều được chụp ở đây. Những đoạn nhạc trong các bài hát nóng hổi vừa ra mắt công chúng như: Sài Gòn bao nhiêu đèn đỏ, Gã ăn mày tình yêu, Con đường đừng có nhớ đều phảng phất đâu đó hình ảnh của con đường trung tâm Sài Gòn này. “Nơi góc đường, ngồi trên xe dưới hiên đợi em. Những con đường mưa nắng vương mùa…” (Con đường đừng có nhớ).

1.jpg
 

Phạm Hồng Phước kể: “Khúc Trần Hưng Đạo, Q.1, gần chợ Bến Thành không chỉ là đoạn đường, mà còn như là đoạn đời của Phước. Ngày ấy, cứ sáng sớm là Phước mắt nhắm mắt mở trên xe, nhìn cảnh vật loang loáng trôi qua, nhưng thân thuộc tới từng viên sỏi nhỏ”. Khi đó, cuộc sống của ba mẹ Phước rất khó khăn, bèn quyết định gửi cậu con trai qua nhà ông bà ngoại và các cậu để nuôi giùm. Ngoại có xe bánh bao nhỏ và cậu Tư là người được giao nhiệm vụ đi lấy bánh về bán. Ký ức không thể nào quên của Phước, chỗ giao sỉ bánh bao là một căn nhà cổ nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Chắc để cho… đỡ buồn, cậu Tư đi lấy bánh đều chở Phước theo. Cứ thế, con đường đã ăn sâu trong tâm trí của cậu bé, dù cơn ngái ngủ cứ lắc lư đi theo suốt.

“Đã hơn 10 năm trôi qua, không để ý chỗ giao bánh ngày xưa giờ còn không nhưng mỗi lần đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo, Q.1, tôi lại phì cười nhớ lại hình ảnh thời thơ ấu của mình”, chàng ca sĩ lọt vào top 8 Vietnam Idol 2012 chia sẻ.

Đường Trần Hưng Đạo rất dài, xuyên từ Q.1 xuống tới Q.5, và rồi cuối con đường, khúc Q.6 là… đường Trần Hưng Đạo B. Ngày trước từng có ý kiến trên báo chí, nói rằng, chẳng lẽ hết tên để đặt rồi hay sao, mà đưa thêm chữ B sau tên vị danh tướng. Nghĩa là có tới 2 ông tên Trần Hưng Đạo chăng? Nói hoài nói hủy, cũng chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm thay tên đường. Riết rồi thành quen, không ai nhắc đến nữa. 

Nét cổ xưa của những ngôi nhà

Đường Trần Hưng Đạo, Q.1, nơi chứng kiến bao kỷ niệm trên đường đi lấy bánh bao về của Phạm Hồng Phước và người cậu, được bắt đầu từ vòng xoay Quách Thị Trang - Bến Thành đến ngã 4 Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ. Lọt qua được sự tấp nập và đông đúc, bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm ở nơi này, là sang địa bàn Q.5. Đường 2 chiều, khá thênh thang, cho tới ngã 4 Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương thì biến thành 1 chiều thẳng tắp. Nơi đây, các biển hiệu đa số vừa tiếng Việt, vừa tiếng Hoa, bởi là vùng Chợ Lớn rất đông người Tiều, người Quảng sinh sống. Cứ tút hút như thế, chạy tới khi nhìn thấy tên đường Học Lạc, là chấm dứt.

3.jpg
4.jpg

Phước kể, cậu sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Thành phố phồn hoa này, trong mắt Phước, ban đầu là dấu ấn các vòng quay của chiếc xe gắn máy, rồi tới những ánh đèn lung linh buổi tối, gợi bao ước mơ và hoài bão tốt đẹp tương lai. Sài Gòn là nơi Phước đi học, đi làm, là nơi ươm mầm và biến ước mơ âm nhạc của Phước thành hiện thực. Tất nhiên, Sài Gòn còn là gia đình, là bạn bè, là nỗi nhớ và là tình yêu của chàng nhạc sĩ - ca sĩ trẻ.

Đường Trần Hưng Đạo khiến tôi cực kỳ yêu thích còn bởi nét cổ xưa của những ngôi nhà, hàng quán. Những quán cà phê cũ kỹ, chiếc ghế có các thanh nhựa ngồi êm lắm, cảm giác như đang ngồi ở bãi biển nào đó. Tôi đã hí hửng chụp hình khi hoàn thiện dự án Những con đường mang tên Đừng có nhớ. Và tiệm sửa xe, tiệm sách cũ, hàng nước sâm, những xe kem đẩy... Tôi thường ra quán cà phê cũ trên con phố này để thư giãn cùng như tìm cảm hứng sáng tác”, Phước chia sẻ. 

Tìm đâu xa trái dầu xoay?

Có người bạn của tôi xa Sài Gòn đã 10 năm, mỗi lần viết thư về hỏi thăm, đều nhắc đến trái dầu xoay xoay khi rớt từ trên cây xuống. Vỉa hè đường phố cứ sau trận gió, là đầy các chong chóng dễ thương này. Phạm Hồng Phước cũng vậy, cậu hào hứng nói về hàng cây già rụng đầy lá khi chuyển từ thu sang đông trên đường Trần Hưng Đạo. Vào thời khắc đầu giờ sáng, khi phố còn vắng vẻ, trái dầu quay tít mù trước khi đáp đất, mà lòng thấy nao nao. Có lần, buồn buồn, Phước đạp xe dọc con đường này. Khi quay về, nỗi buồn đã vơi quá nửa, mà trên xe đầy lá vàng. Hỏi sao mà không yêu đường phố Sài Gòn cho được.

2.jpg
Phạm Hồng Phước thường tìm cảm hứng sáng tác trên con phố sôi động mà lãng mạn này.

Những tối cuối tuần, ở rạp Công Nhân, đầu đường Trần Hưng Đạo, trai thanh gái lịch dắt nhau vô coi kịch. Mà ngộ lắm, bên này rạp cần sự yên lặng thì lúc nào cũng xôn xao, ồn ào. Trong khi phía đối diện, vũ trường lớn nhất nhì thành phố, đáng lý ra phải sôi động lắm, thì ở mặt tiền rất lặng lẽ. Phố chấp nhận tất cả những khác biệt của đời sống và lúc nào cũng nhân hậu chào đón bất cứ ai, bất cứ điều gì.

Đi cùng Phạm Hồng Phước để chụp hình cậu trên con đường Trần Hưng Đạo, chợt nhớ câu hát trong bài mà Phước sáng tác và biểu diễn mới đây: “Sài Gòn bao nhiêu đèn đỏ là mười mấy giây hôn nhau cháy nồng”. Đúng là khi người ta trẻ, ánh nhìn mọi thứ trên phố đều có thể là thơ, là nhạc. Và tình yêu khiến mọi buồn phiền đều tan biến.

GUIDE "BỎ TÚI"

 * Đường Trần Hưng Đạo là 1 trong số những con đường nằm ở trung tâm thành phố, khá dài. Đường chạy qua 3 địa phận của Q.1, Q.5 và Q.6

* Con đường này tập trung rất nhiều quán ăn vặt nổi tiếng: Quán ốc (ngã 4 Trần Hưng Đạo - Bùi Hữu Nghĩa); Bánh tráng trộn (ngã 4 Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học). Đặc biệt phải kể tới quán Chè Ma (nằm phía gần chợ vải Soái Kình Lâm), nơi đây bán tới nửa đêm. Các xe hàng đẩy rong trên con đường này bán nhiều nhất là há cảo và bánh tráng nướng mỡ hành, thịt trứng.

* TPHCM còn có đường mang tên Trần Hưng Đạo nhưng thuộc Q.Bình Thạnh.

* Ca sĩ Phạm Hồng Phước sinh năm 1991. Thành danh từ cuộc thi Vietnam Idol mùa thứ 4 - 2012. Phước theo đuổi phong cách vừa sáng tác nhạc, vừa hát và chơi nhạc cụ. Nổi tiếng với những nhạc phẩm: Khi người lớn cô đơn, Giá có thể ôm ai và khóc, Trà chanh Acoustic, Mùa ta đã yêu, Đã có anh Hai… Phạm Hồng Phước còn là MC của các chương trình truyền hình trên SCTV, Today TV và MTV Việt Nam. 


*Nghe bài hát "Khi người lớn cô đơn" của Phạm Hồng Phước:

  * Đón đọc bài tiếp theo: Khi Bình Minh làm ông chủ quán ăn

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn