Phân biệt thực phẩm hữu cơ - an toàn - tự nhiên

10:00 | 29/06/2019;
Chị Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành công ty cổ phần trang trại Tomita Việt Nam, chia sẻ với PNVN một số điểm khác nhau giữa thực phẩm organic và thực phẩm an toàn, thực phẩm tự nhiên.

Thực phẩm an toàn (safe foods): Là thực phẩm thu được từ nguồn nuôi trồng, vẫn sử dụng các hóa chất như thuốc trừ sâu, chất hóa học tổng hợp... Nhưng cách sử dụng hóa chất được thực hiện đúng quy trình để sản phẩm ra thị trường chỉ còn dư lượng độc hại dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

dau-hieu-nhan-biet-thuc-pham-huu-co-1.jpg
Ảnh minh hoạ

 

Thực phẩm tự nhiên (natural foods): là loại thực phẩm được phát triển trong điều kiện tự nhiên mà không có sự tác động của con người trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình sinh trưởng. Các loại thực phẩm tự nhiên vẫn có thể không đảm bảo an toàn với sức khỏe con người bởi môi trường tự nhiên (đất, nước, không khí) lại chịu sự tác động lớn của con người và đang ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Do đó, động, thực vật sinh trưởng trong môi trường tự nhiên có thể bị nhiễm bẩn và hóa chất độc hại.

 

Thực phẩm hữu cơ (organic foods) phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông. Quy trình sản xuất không dùng công nghệ biến đổi gene, kể cả công nghệ nano...

thuc-pham-huu-co-5.jpg
Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo

 

3 điều không nên bỏ qua khi lựa chọn thực phẩm hữu cơ

* Hiểu rõ nhãn chứng nhận hữu cơ

Đối với những loại thực phẩm chất lượng cao và quy trình sản xuất khắt khe như thực phẩm hữu cơ thì chứng nhận hữu cơ là vô cùng quan trọng. Để được cấp chứng nhận này, các nhà sản xuất phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn nhất định và phải được thanh tra, đánh giá, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận. Thông thường, để sản xuất ra một loại thực phẩm hữu cơ nào đó, người sản xuất phải được đào tạo về các quy định, tiêu chuẩn, quy trình... thực sự nghiêm ngặt. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có những chứng nhận hữu cơ riêng. Có một số chứng nhận có độ tin cậy trên toàn thế giới như chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA - Organic), Liên minh Châu Âu (European Union) hay hệ thống đảm bảo cùng tham gia trong nông nghiệp (PGS)...

Tại Việt Nam, hệ thống PGS được xây dựng và triển khai thành công với sự tham gia đảm bảo của các bên liên quan trong chuỗi giá trị của sản phẩm: Người sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, người tiêu dùng... Hệ thống PGS cũng là chứng nhận đầu tiên và duy nhất cho các sản phẩm hữu cơ tại thị trường Việt Nam cho tới thời điểm này.

* Một số đặc điểm nhận biết

- Về kích thước lá hoặc củ quả, rau củ hữu cơ cân đối và không quá cỡ, không nhỏ quá hoặc lớn quá. So với rau thường thì rau hữu cơ thường trông xấu hơn.

- Màu xanh trung thực: Đa phần các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng (xanh hữu cơ, xanh trung thực với bảng màu chuẩn đối với màu lá từng loại rau), không xanh đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học.

- Lâu héo, dễ bảo quản: Rau hữu cơ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng vài ngày mà không sợ hư hỏng, không nhất thiết phải bỏ tủ lạnh. Khi cây bị héo thì phun nước là có cây có thể hồi phục về trạng thái ban đầu. Không giống như các loại rau sử dụng thuốc hóa học khác phun nước vào là cây sẽ hỏng.

- Ăn giòn và ngon vì giữ được hương vị tự nhiên: Sự khác biệt quan trọng nhất ở rau hữu cơ được thể hiện ở chỗ ngon, giòn và thơm một cách tự nhiên, giữ được hương vị tự nhiên của loại rau, củ đó.

* Mua thực phẩm hữu cơ theo mùa

Mùa nào thức nấy sẽ tốt hơn. Điều đó có nghĩa là bạn nên chọn các sản phẩm phát triển tự nhiên theo mùa để cây không cần phải có bất kỳ vật liệu nào để hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn