Phân cấp danh phận trong thời trang: Đại sứ thương hiệu chưa phải là cao nhất?

19:00 | 16/05/2023;
Phân tầng các danh phận mà thương hiệu thời trang dành cho các sao tương đối đa dạng và đôi lúc còn thể hiện rõ mức độ "sủng ái".

Ở thời điểm hiện tại, không khó để tìm một nghệ sĩ đang sở hữu cho mình một danh phận với một hoặc nhiều các thương hiệu thời trang. Đôi lúc, netizen còn đo sức ảnh hưởng của một người nổi tiếng bằng việc người đó hiện đang sở hữu trong tay bao nhiêu hợp đồng đại diện với các thương hiệu lớn. Đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi các "thượng đế" chẳng ngại xuống tay chi tiền để sở hữu những món đồ mà nghệ sĩ mình yêu thích "chứng thực", các hợp đồng hợp tác giữa các thương hiệu và người của công chúng ngày càng nhiều. 

Thông thường, mọi người sẽ quen thuộc với chức vụ Đại sứ thương hiệu mà các ngôi sao lớn đang sở hữu. Tuy nhiên trên thực tế danh mục danh phận đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Vậy phải hiểu sao cho đúng phân cấp danh phận trong thời trang? 

CẤP ĐỘ 1: THE FACE - GƯƠNG MẶT CHIẾN DỊCH 

Phân cấp danh phận trong thời trang, Đại sứ thương hiệu chưa phải là cấp bậc cao nhất? - Ảnh 1.

Kendall Jenner trong chiến dịch Spring Summer 2023 của Miu Miu

The Face có thể hiểu là một gương mặt đại diện cho một chiến dịch quảng bá của thương hiệu. Được biết các hợp đồng sử dụng hình ảnh sẽ kéo dài từ 2-12 tháng hoặc một mùa collection, tuỳ vào tính chất của chiến dịch. 

Nhiều người coi The Face là "niềm vui ngắn chẳng tày gang" do tính ngắn hạn của các hợp đồng, tuy nhiên danh phận này là đích đến của nhiều người mẫu. Cũng chính vì tính thời hạn của các chiến dịch nên đôi khi một người có thể là gương mặt chiến dịch cho nhiều thương hiệu thời trang ở các thời điểm khác nhau, từ đó cũng tăng cơ hội "cá kiếm" cho các người mẫu. 

Phân cấp danh phận trong thời trang, Đại sứ thương hiệu chưa phải là cấp bậc cao nhất? - Ảnh 2.

Kendall Jenner trong chiến dịch Spring 2023 của Jimmy Choo

Đôi khi, các Đại sứ thương hiệu cũng sẽ tham gia góp mặt vào các chiến dịch quảng bá với tư cách là gương mặt đại diện. Có thể kế đến Jennie tham gia vào chiến dịch quảng bá cho dòng túi Chanel 22 hay Rosé là gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá cho BST Tiffany Lock. 

Jennie tham gia vào chiến dịch quảng bá cho dòng túi Chanel 22 hay Rosé là gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá cho BST Tiffany Lock.

CẤP ĐỘ 2: FRIEND OF THE HOUSE - BẠN THÂN THƯƠNG HIỆU

 Hai Friend of the House của Chanel, người mẫu Blesnya Minher (trái) và Ola Rudnicka (phải)

Friend of the House hay Bạn thân thương hiệu thường được trao cho các influencer, người mẫu, diễn viên, ca sĩ mang cá tính cũng như phong cách phù hợp với hình ảnh mà thương hiệu hướng tới. Họ không sở hữu một "đội quân" người hâm mộ đông đảo trên toàn thế giới nhưng bù lại, các Bạn thân thương hiệu có độ nhận diện ổn định tại thị trường chính của họ.

Friend of the House được coi như là một danh phận "ở trên tình bạn, ở dưới đại sứ" nên không có quá nhiều ràng buộc rắc rối về mặt giấy tờ. Tuy vậy, Friend of the House vẫn nhận được các đặc quyền như: mặc các thiết kế mới theo từng mùa, được chọn quảng bá một dòng sản phẩm nhất định, tham dự các sự kiện của thương hiệu. Đôi lúc, các Bạn thân thương hiệu sẽ xuất hiện trên bìa tạp chí do thương hiệu "đẩy bìa" hoặc thậm chí tham gia vào các chiến dịch quảng bá. 

CẤP ĐỘ 3: ĐẠI SỨ THƯƠNG HIỆU - BRAND AMBASSADOR 

Phân cấp danh phận trong thời trang, Đại sứ thương hiệu chưa phải là cấp bậc cao nhất? - Ảnh 6.

Chanel từng "chơi lớn" đưa 6 vị đại sứ người Hàn lên ấn phẩm kỷ niệm 30 năm của Elle Korea

Những Đại sứ thương hiệu được coi như là những người mang theo hình tượng cùng phong cách cá nhân gắn liền với hình ảnh mà thương hiệu. Các Brand Ambassador không chỉ đại diện cho sản phẩm của thương hiệu mà họ còn đồng hành, quảng bá cho thương hiệu bằng danh tiếng, ngoại hình và lifestyle. Nói theo các khác họ là hiện thân bằng người thật của một thương hiệu với từ ngoại hình tới cá tính và khí chất.

Phân cấp danh phận trong thời trang, Đại sứ thương hiệu chưa phải là cấp bậc cao nhất? - Ảnh 8.

Lisa (BLACKPINK) là Đại sứ toàn cầu đầu tiên của CELINE

Để phân cấp Brand Ambassador, người ta sẽ nhìn vào các thông cáo báo chí bổ nhiệm đại sứ mà các nhãn hàng gửi đi. Dựa trên địa lý có thể phân hạng: Đại sứ Toàn cầu, Đại sứ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Đại sứ tại Hàn Quốc,... Đôi lúc việc phân loại sẽ phụ thuộc vào dòng sản phẩm mà ngôi sao đó đại diện: dòng thời trang nam/nữ, mỹ phẩm, trang sức. Tuy nhiên, các nhà mốt đôi khi sẽ có cách gọi mang tính đặc trưng hơn, đơn cử như Chanel thì danh phận cao nhất với đại sứ sẽ là House Ambassador và từ trước đến nay chưa từng xuất hiện Global Ambassador. 

Vì tính chất ràng buộc của một hợp đồng đại sứ, một ngôi sao có thể làm đại sứ của nhiều nhãn hàng miễn không có sự xung đột về quyền lợi giữa các bên, hay hiểu đơn giản là không cùng phân khúc. Bên cạnh ngoại hình và khí chất, các Brand Ambassador được lựa chọn bởi sức ảnh hưởng to lớn của họ với cộng đồng người hâm mộ lớn mạnh trên toàn thế giới, cũng như với truyền thông và mạng xã hội.

 CẤP ĐỘ 4: BRAND SPOKESPERSON - NGƯỜI PHÁT NGÔN THƯƠNG HIỆU

Phân cấp danh phận trong thời trang, Đại sứ thương hiệu chưa phải là cấp bậc cao nhất? - Ảnh 8.

Công chúa Charlotte Casiraghi là Brand Spokeperson của Chanel từ năm 2021

Người phát ngôn thương hiệu là cấp bậc cao nhất mà các thương hiệu trao cho một ngôi sao. Họ không chỉ đơn giản là người quảng bá cho các thiết kế của thương hiệu, các phát ngôn viên là những người đại diện cho quan điểm và lập trường của thương hiệu. Không chỉ cần có ngoại hình sáng, các Brand Spokeperson còn cần phải có những hiểu biết về thương hiệu, cũng như mang phong thái, lời nói chuẩn mực hay thậm chí có vai vế cao trong xã hội.

Phân cấp danh phận trong thời trang, Đại sứ thương hiệu chưa phải là cấp bậc cao nhất? - Ảnh 9.

Công chúa Charlotte Casiraghi trong một chiến dịch của Chanel

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn